Phó Hiệu trưởng NEU nói về AI: Trường vẫn tồn tại 2-3 chục giảng viên cùng dạy một môn, một lúc nào đó sẽ chỉ cần 5 thầy cô rất giỏi, 15 người còn lại phải chuyển nghề

26/08/2024 20:30

"10 - 20 năm nữa, lực lượng giảng viên và kể cả thầy cô giáo cấp 1 - 2 - 3 sẽ giảm đáng kể bởi AI và các công nghệ tương tự", PGS. TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân - chia sẻ.

Phó Hiệu trưởng NEU nói về AI: Trường vẫn tồn tại 2-3 chục giảng viên cùng dạy một môn, một lúc nào đó sẽ chỉ cần 5 thầy cô rất giỏi, 15 người còn lại phải chuyển nghề- Ảnh 1.

PGS. TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân.

Chia sẻ tại sự kiện "Xây dựng thương hiệu cá nhân AI" tại ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU) mới đây, PGS. TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân - cho biết ông chỉ mất 30ph để gật đầu với ban tổ chức sự kiện, vì thấy giá trị thiết thực của sự kiện này với sinh viên.

Đề cập đến trí tuệ nhân tạo (AI), ông Hiếu cho biết vai trò của AI ngày càng được khẳng định, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi công việc, kể cả nghề giáo.

"Trong 10 - 20 năm nữa, có thể các bạn không cần phải ngồi đây trực tiếp nghe lời phát biểu như thế này, mà chúng ta có thể ở khắp mọi nơi trên thế giới và vẫn có thể dự các buổi offline (trực tiếp - PV) thế này". 

"Giờ AI đã có sự tác động rất mạnh mẽ, ví dụ đơn giản là sự đe dọa đến các thầy ở chỗ các bạn sinh viên có thể dùng Chat GPT để xây dựng các tiểu luận, bài làm. Chúng tôi phải hết sức cẩn thận khi đặt ra các yêu cầu giảng dạy, phương pháp giảng dạy, bởi các bạn có thể dùng AI thay thế các thầy với những công việc đơn giản", PGS. TS Hiếu cho biết.

Đề cập đến sự đe dọa của AI trong nghề giáo, ông Hiếu cho biết trong 10 - 20 năm tới, lực lượng giáo viên sẽ giảm đáng kể bởi AI và các công nghệ tương tự.

"Ví dụ, trường này hiện vẫn tồn tại khoảng 2 - 3 chục thầy cô giảng cùng một môn học. Nhưng đến một lúc nào đó chỉ cần một vài thầy cô giảng rồi ghi âm lại. Khi đó, khoảng 5 thầy cô rất giỏi mới tồn tại được". 

"15 thầy cô giáo khác sẽ phải chuyển nghề khác, bởi chúng tôi chỉ cần 5 thầy cô giỏi nhất. Bài giảng không cần giảng trên lớp, mà chỉ cần 5 thầy cô đến chia sẻ, thảo luận, hướng dẫn các bạn học… Cơ sở vật chất có thể không cần đầu tư hiện đại, mà sẽ đầu tư vào công nghệ thông tin, AI để tổ chức các lớp học ảo, online thay cho các lớp học trực tiếp", Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ.

Liên quan đến con số 5, ông Hiếu cũng nhìn nhận tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân và khẳng định các sinh viên làm gì cũng được, chỉ cần nằm trong Top 5 thì công việc, sự nghiệp, thu nhập luôn ổn định và phát triển.

"Hãy tin tôi đi, các bạn làm nghề gì không quan trọng, cứ Top 5 là luôn có việc, luôn thành công, sự nghiệp ổn định, cơ hội phát triển lớn... Các bạn nhớ lời tôi chia sẻ hôm nay, phải phấn đấu luôn có tên tuổi trong Top 5, dù mình làm gì, dù sửa xe đạp, bán hàng rong... nhưng cứ nhắc đến việc đó, chúng ta ở Top 5 là chúng ta thành công", PGS. TS Hiếu nói.