Đã chuẩn bị kịch bản sơ tán dân khi bão đổ bộ
Ngày 26/10, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Quảng Nam vừa có yêu cầu về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó với bão Trà Mi.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa ban hành hai công điện khẩn nhằm ứng phó với bão số 6. Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển được yêu cầu rà soát và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên biển, cửa sông và ven biển.
Các địa phương cần kịp thời sơ tán người dân trên lồng bè và chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Đồng thời, lệnh cấm biển sẽ được ban hành đối với tàu cá, tàu khách và tàu du lịch ra vào các cửa biển, bãi ngang trên địa bàn tỉnh cho đến khi bão tan và thời tiết biển trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, các địa phương phải kiểm soát và hướng dẫn giao thông an toàn, đặc biệt qua các khu vực ngầm, tràn, nơi có nguy cơ ngập sâu và nước chảy xiết. Lực lượng chức năng cũng được yêu cầu sẵn sàng phương tiện và nhân lực để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.
Tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị kịch bản sơ tán dân khi bão đổ bộ. Cụ thể, nếu bão mạnh, khoảng 212.000 người ở các khu vực nguy hiểm sẽ được di dời đến nơi an toàn. Nếu bão mạnh lên thành siêu bão, toàn tỉnh sẽ di dời 400.000 người tại 18 huyện, thị xã, thành phố. Hiện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đang tổ chức ứng trực 24/24, theo dõi sát sao tình hình trên địa bàn.
Chính quyền các địa phương cũng được yêu cầu rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở ở vùng miền núi, tính toán và di dời người dân khi cần thiết. Đối với các hồ thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Công thương theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ.
"Tại các vùng xung yếu nhất ở 6 huyện miền núi cao như: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang và Nam Giang, đơn vị sẽ nhanh chóng xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở để di dời bà con đến nơi an toàn. Đối với 6 huyện ven biển, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp và chỉ đạo các địa phương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn", Thượng tá Trần Hữu Ích, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, cho biết.
Bão số 6 sẽ ảnh hưởng thế nào?
Ông Nguyễn Công Tài, phụ trách thông tin tại Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam, thông báo, vào hồi 10 giờ ngày 26/10, tâm bão đã được xác định ở vị trí khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc và 112,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 510 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt cấp 11 (103-117 km/h), có thể giật lên đến cấp 14. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 20 km/h.
Dự báo trong khoảng từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão sẽ chủ yếu di chuyển theo hướng Đông với tốc độ 5-10 km/h, đồng thời cường độ bão sẽ tiếp tục suy yếu.
Dự báo vào lúc 10 giờ ngày 27/10, bão có cường độ cấp 10-11, giật cấp 14, với cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3 tại các khu vực chịu ảnh hưởng, bao gồm phía Tây Bắc Biển Đông (có quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển Trung Trung Bộ. Đến ngày 28/10, bão sẽ yếu xuống còn cấp 9, giật cấp 11; cấp độ rủi ro thiên tai vẫn ở mức cấp 3 cho các khu vực tương tự.
Tác động của bão trên biển sẽ rất mạnh. Vùng biển phía Tây Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, gần tâm bão có thể đạt cấp 10-11 (89-117 km/h), giật cấp 14. Sóng biển có thể cao từ 5,0-7,0 m, trong khi vùng gần tâm bão có thể đạt 7,0-9,0 m, gây ra biển động dữ dội.
Tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn), gió sẽ mạnh cấp 6-7, sau đó tăng lên cấp 8-9, gần tâm bão sẽ đạt cấp 10-11, giật cấp 14, với sóng biển cao từ 3,0-5,0 m, vùng gần tâm bão lên đến 5,0-7,0 m. Nước dâng do bão tại ven bờ các tỉnh này dự kiến sẽ cao từ 0,4-0,6 m.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm, đặc biệt là quanh huyện đảo Hoàng Sa và vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, cần đề phòng dông, lốc, gió mạnh và sóng lớn. Có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng.
Trên đất liền, từ sáng ngày 27/10, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7 tại ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, gần tâm bão đạt cấp 8-9, giật cấp 11. Tại vùng biển Quảng Nam trong 24 giờ tới, dự báo có mưa, mưa rào và dông, cần đề phòng lốc xoáy, sét và gió giật mạnh. Gió sẽ thổi từ Bắc đến Tây Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng biển có độ cao từ 2,0-4,0 m, biển động mạnh, và từ đêm 26/10 gió sẽ mạnh dần lên cấp 8-9, gần tâm bão đạt cấp 10-11, giật cấp 14.
Ông Tài đề nghị thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Bắc Biển Đông và các vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, và quần đảo Hoàng Sa) có biện pháp phòng tránh gió mạnh và sóng biển cao.
Hoặc