Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HoSE: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với thu nhập lãi thuần tăng 77% so với cùng kỳ lên gần 1.536 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng cho thấy sự tăng giảm không đồng nhất khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng giam 11,2% so với cùng kỳ xuống 103 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư khiến Eximbank lỗ 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 141 tỷ đồng.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng tăng 3,6 lần so với cùng kỳ lên gần 282 tỷ đồng. Hoạt động khác cũng đem về khoản lãi thuần tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ lên 89 tỷ đồng.
Nhờ động lực tăng trưởng chính là thu nhập lãi thuần nên dù trong kỳ, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 14% so với cùng kỳ lên 864 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank cũng tăng 19% lên 202 tỷ đồng, ngân hàng vẫn báo lãi trước thuế 904 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 721 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Eximbank ghi nhận thu nhập lãi thuần 4.405 tỷ đồng, tăng 38%. Ngân hàng báo lãi ròng trước thuế 2.378 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.891 tỷ đồng, tăng 39% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Năm 2024, Eximbank đặt ra kế hoạch lãi trước thuế 5.180 tỷ đồng Như vậy, kết thúc quý III/2024, ngân hàng đã thực hiện được 46% chỉ tiêu đề ra.
Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Eximbank ghi nhận ở mức 223.684 tỷ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm. Tiền gửi khách hàng của Eximbank tại thời điểm cuối tháng 9/2024 là 167.270 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu kỳ. Cho vay khách hàng đạt 159.483 tỷ đồng, tăng 13,5%.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của Eximbank là 4.318 tỷ đồng, tăng 15,8% so với 3.727 tỷ đồng hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng đã tăng từ 2,65% đầu nămlên 2,7%.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng 1,5 lần so với cùng kỳ lên 2.825 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) cũng tăng 43% lên 641 tỷ đồng. Duy chỉ có nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm gần 40% so với đầu năm xuống còn 851 tỷ đồng.
Đây là quý đầu tiên của Eximbank sau khi đón cổ đông mới GELEX. Cụ thể, theo công bố thông tin ngày 12/8/2024, GELEX sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), là cổ đông lớn của ngân hàng này.
Tại bài viết "Chương mới - Kỳ vọng mới ở Eximbank", Người Đưa Tin cũng đã thông tin về cổ đông mới này, đồng thời đặt ra câu hỏi là liệu nhóm cổ đông trên có thể giúp Eximbank trở lại thời kỳ "hoàng kim"?
Trong khi đã từng có thời kỳ, Eximbank cho thấy sức bật mạnh mẽ của mình. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2007-2011, ngân hàng này từng có kết quả tăng trưởng ấn tượng khi tổng tài sản tăng từ mức 33.710 tỷ đồng cuối năm 2007 lên 183.567 tỷ đồng vào cuối năm 2011. Trong vòng 5 năm, quy mô tài sản của ngân hàng đã tăng gần gấp 5,5 lần.
Đồng thời, lợi nhuận của Eximbank cũng tăng mạnh, từ mức lợi nhuận trước thuế 629 tỷ đồng năm 2007 lên 4.056 tỷ đồng vào năm 2011.
Thời gian gần đây, Eximbank cũng liên tục gặp sóng gió trước loạt tin đồn. Gần đây nhất, ngân hàng đã đính chính thông tin liên quan đến việc di dời trụ sở.
Theo đó, liên quan đến Đại hội cổ đông bất thường của dự kiến diễn ra tháng 11/2024, Eximbank nhấn mạnh, Việc chuyển trụ sở sẽ được thảo luận công khai, minh bạch tại Đại hội cổ đông và chỉ được thông qua nếu đạt tỉ lệ tán thành trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp. Hồ sơ chuyển trụ sở chính cũng phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chấp thuận theo quy định.
Không chỉ Eximbank, cổ đông lớn GELEX mới đây cũng đã phải lên tiếng đính chính trước các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. GELEX cho biết, hiện tại, công ty không đề cử bất kỳ đại diện vốn nào tham gia Hội đồng quản trị hay Ban điều hành tại Eximbank.
Hoặc