Quyết định cân não cứu sống 115 người của Trưởng thôn ở Lào Cai khi thấy vết nứt ở chân đồi

13/09/2024 16:13

Phát hiện vết nứt lại nằm ngay phía trên đồi, cách thôn Kho Vàng khoảng 100m nên nhóm của anh Ma Seo Chứ đã về thông báo, vận động mọi người lên núi lánh nạn.

Tối 12/9, chia sẻ trên Vietnamnet, anh Ma Seo Chứ (33 tuổi), Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: “Hiện tình hình sức khoẻ của người dân trong thôn ổn định. Chiều qua, chính quyền đã vận chuyển lương thực, đồ dùng thiết yếu đến khu lán tránh nạn tạm thời nên người dân không còn phải lo thiếu thức ăn nữa”.

Anh Chứ là người vận động 17 hộ dân với 115 người thôn Kho Vàng di dời để lên nơi an toàn tại ngọn núi cách đó khoảng 1km.

Quyết định cân não cứu sống 115 người của Trưởng thôn ở Lào Cai khi thấy vết nứt ở chân đồi- Ảnh 1.

Anh Chứ là người vận động 17 hộ dân với 115 người thôn Kho Vàng di dời để lên nơi an toàn tại ngọn núi cách đó khoảng 1km. Ảnh: Báo .

Anh cho biết, vào sáng 9/9, thôn Kho Vàng trời mưa không ngớt. Anh Chứ rất sốt ruột vì xung quanh thôn làng có rất nhiều quả đồi đang "no nước", có thể bị sạt lở, đổ sập xuống nhà dân bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, địa điểm phát hiện vết nứt lại nằm ngay phía trên đồi, cách thôn Kho Vàng khoảng 100m nên nhóm của anh đã về thông báo, vận động mọi người di dời.

"Mưa suốt từ đêm tới sáng, tôi lo lắm. 8h cùng ngày, tôi gọi anh em đi lên đồi để kiểm tra tình hình sạt lở và tìm một quả đồi hoặc núi có vị trí cao, bằng phẳng tính dần phương án di tản bà con. Tới 8h30, mọi người báo rằng sẽ có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tôi bốc máy gọi ra xã để báo cáo nhưng điện thoại hoàn toàn mất sóng, không thể liên lạc.

Tới 9h, lúc này mưa vẫn không ngừng trút xuống thôn, tôi liền quyết định di tản toàn bộ 17 hộ dân với 115 người trong thôn lên một quả núi cách thôn 1km. Việc di dời diễn ra nhanh nhất có thể, mọi người trong thôn trước đó cũng đã được chính quyền thông báo về việc này ", anh Chứ chia sẻ với báo .

Người dân vừa đi vừa đợi, hỗ trợ nhau, những người khoẻ mạnh được giao nhiệm vụ vác gạo. Sau 30 phút đi bộ, các hộ dân đã đến nơi dựng trại.

“Khi đoàn người đang di chuyển, tôi có bảo một nhóm đi trước khảo sát tình hình và chọn địa điểm dựng lán. Sau khi đến nơi, mỗi người một công việc giúp nhau chặt tre, luồng về dựng lán, làm giường rồi căng bạt. Khoảng 14h30, khu lán đã hoàn thành” , anh Chứ cho biết.

Quyết định cân não cứu sống 115 người của Trưởng thôn ở Lào Cai khi thấy vết nứt ở chân đồi- Ảnh 2.

Sau 30 phút đi bộ, các hộ dân đã đến nơi dựng trại. Ảnh: Báo .

Anh Chứ cũng cho biết, phía dưới khu dân cư của ông khoảng 4km, là một khu dân cư khác cùng thôn. Tuy nhiên khu dân cư này lại nằm sát bờ sông Chảy, đường đi bị sạt lở nghiêm trọng, điện thoại lại không có sóng, nên anh không thể tiếp cận và thông báo về kế hoạch di dời của mình cho bà con.

"Tới ngày 10/9, nước lũ đổ về gây sạt lở, làm thay đổi dòng chảy rồi tràn vào khu dân cư phía dưới làm 3 người mất tích, 3 người bị thương, lũ cuốn trôi hoàn toàn 7 ngôi nhà. Điều này quá đau xót" , anh Chứ chia sẻ.

Vị trưởng thôn 33 tuổi cho biết, cũng may trước khi xảy ra sạt lở một ngày, 115 người trong thôn của anh đã kịp di dời lên núi, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường.

Ngày 10/9, chính quyền xã Cốc Lầu nhận được thông tin thôn Kho Vàng xảy ra sạt lở khiến nhiều người mất tích, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu tìm mọi cách để liên hệ với trưởng thôn Kho Vàng nhưng vẫn "bặt vô âm tín".

Quyết định cân não cứu sống 115 người của Trưởng thôn ở Lào Cai khi thấy vết nứt ở chân đồi- Ảnh 3.

Chính quyền xã đã cử lực lượng chức năng vận chuyển lương thực lên hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Báo .

Do đường đi sạt lở nghiêm trọng, địa điểm thôn Kho Vàng bị cô lập, tới trưa 11/9, công an xã, chính quyền phải di chuyển 15km đường sạt lở mới tiếp cận được địa bàn thôn và tìm đến nơi người dân lánh nạn. Trong khoảng thời gian đó, 17 hộ dân không thể thông tin liên lạc với bên ngoài, phải chủ động mọi thứ.

Nói về cuộc sống 2 ngày tách biệt với thế giới bên ngoài tại nơi trú tránh, anh Chứ cho biết, cuộc sống rất vất vả nhưng đây là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của 115 người.

“Chúng tôi chỉ đem theo chủ yếu là gạo và một chút thức ăn, khi hết thức ăn một số người sẽ đi vào rừng tìm măng luộc. Tuy nhiên việc đi lấy nước cũng vất vả khi nguồn nước cách khu dựng lán gần 400m. Đêm xuống, chúng tôi sẽ chặt ống tre sau đó đổ dầu vào để làm đèn chiếu sáng”, anh Chứ kể.

Sau khi tìm được người dân, trưa 11/9, chính quyền xã đã cử lực lượng chức năng vận chuyển lương thực lên hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, hướng dẫn nhân dân phương án phòng, chống thiên tai.

Quyết định cân não cứu sống 115 người của Trưởng thôn ở Lào Cai khi thấy vết nứt ở chân đồi- Ảnh 4.

Trưa 11/9, công an xã, chính quyền phải di chuyển 15km đường sạt lở mới tiếp cận được địa bàn thôn và tìm đến nơi người dân lánh nạn. Ảnh: Báo .

Nói về thông tin "cả thôn bị mất tích", Trưởng thôn Vàng Seo Chứ chia sẻ, sau khi cán bộ công an xã và chính quyền tìm được người dân của thôn, họ mừng rỡ và nói rằng, mọi người cứ tưởng cả thôn đã bị lũ cuốn sạt lở mất tích rồi.

"Mọi người khi đó ai cũng mừng rỡ. Sau khi tiếp nhận nhu yếu phẩm, chúng tôi được lệnh vẫn tiếp tục cho người dân tạm ổn định, lánh nạn tại khu vực núi cao, sau đó chính quyền mới có phương án mới để có thể đưa người dân trở về nhà" , anh Chứ nói và cho biết, lượng lương thực vẫn đủ cho bà con lánh nạn trong vòng 2 tuần.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà, Lào Cai) cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, tại thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu) xảy ra sạt lở đất làm 3 người mất tích, 2 người bị thương, lũ cuốn trôi hoàn toàn 5 ngôi nhà.

“Hiện nay, tại địa bàn vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, vì vậy địa phương quyết định để các hộ dân tiếp tục ở khu lán tạm đến khi thôn Kho Vàng không còn nguy cơ sạt lở sẽ đưa về”, ông Tuấn nói.

Quyết định cân não cứu sống 115 người của Trưởng thôn ở Lào Cai khi thấy vết nứt ở chân đồi- Ảnh 5.

Anh Ma Seo Chứ (33 tuổi), Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: Báo .

Chia sẻ về Trưởng thôn Vàng Seo Chứ, Chủ tịch xã Cốc Lầu cho biết, anh Chứ là một người nhanh nhạy và rất sáng tạo. Ở địa phương anh Chứ đã lập gia đình và có nhiều kinh nghiệm về đồi núi.

"Vì mới được bầu làm trưởng thôn, nên có lẽ đây là lần đầu anh ấy chỉ dẫn người dân đưa ra một phương án phòng chống lũ lụt bất ngờ như vậy, nhưng rất hiệu quả và an toàn" , ông Tuấn chia sẻ thêm.