Sức hấp dẫn và thuyết phục trong đối ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

01/09/2024 12:14

Không chỉ có tư duy mẫn tiệp về đối ngoại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một nhà lãnh đạo có sức thuyết phục và truyền cảm hứng lan toả đối với bạn bè quốc tế.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Đại sứ Nguyễn Đức Hùng - Cố vấn cao cấp Học viện Ngoại giao, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định sức hấp dẫn trong các hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến từ cốt cách khiêm nhường mà lịch lãm, cách ứng xử thẳng thắn mà chân thành của ông, thấm đậm hồn cốt văn hoá của dân tộc.

Những động lực mới, mạnh mẽ hơn cho nền đối ngoại Việt Nam

Người Đưa Tin (NĐT): Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở về với "thế giới người hiền" nhưng di sản mà đồng chí để lại sẽ còn mãi giá trị đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Xin Đại sứ cho biết, trong lĩnh vực đối ngoại, đâu là những đóng góp và di sản chính của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng: Ngày nay, sau gần 40 năm Đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước chịu tác động của môi trường ngày càng sâu rộng từ quốc tế và khu vực.

Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đối nội và đối ngoại có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

Một trong những "di sản" đối ngoại mang đậm dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không chỉ giữ vững "trong ấm, ngoài êm" để phát triển đất nước mà còn tạo ra những động lực mới, mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Sức hấp dẫn và thuyết phục trong đối ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 1.

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng - Cố vấn cao cấp Học viện Ngoại giao, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Trong điều kiện cụ thể của đất nước ngày nay, bản chất cốt lõi của ngoại giao Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên đề cập đến tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8/2016), đó là hoạt động đối ngoại đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" - mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người.

Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 12/2021), điều đó một lần nữa được khẳng định.

Theo đó, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam."- một cách ứng xử phù hợp trong môi trường quốc tế với những biến đổi nhanh chóng và phức tạp mang tính chất bước ngoặt chưa từng thấy.

NĐT: Mỗi nhà lãnh đạo có một phong cách, bản lĩnh ngoại giao riêng biệt. Quá trình gần gũi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các hoạt động đối ngoại, Đại sứ cảm nhận và đánh giá như thế nào về phong cách và bản lĩnh ngoại giao của cố Tổng Bí thư? Có điểm gì khác biệt hơn so với các nhà lãnh đạo khác?

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng: Tôi có may mắn và cũng là vinh dự lớn được giúp việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đối ngoại trong suốt hai nhiệm kỳ Đại hội XI và XII của Đảng.

Tổng Bí thư đã để lại trong tôi và những đồng sự những ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc về một nhân cách sáng ngời. Đó vừa là Thủ trưởng nghiêm cẩn, lắng nghe và nhìn xa trông rộng trong công việc, lại cũng là người anh bình dị, gần gũi và bao dung trong đời thường.

Sức hấp dẫn và thuyết phục trong đối ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015.

Những phẩm chất và cốt cách đó của Tổng Bí thư đã tạo ra hiệu ứng có sức thuyết phục và truyền cảm hứng lan toả trong các chuyến thăm nước ngoài với nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước, với các tầng lớp nhân dân, kể cả Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong những chuyến công du nước ngoài của Tổng Bí thư, cốt cách khiêm nhường mà lịch lãm, cách ứng xử thẳng thắn mà chân thành của ông, thấm đậm hồn cốt văn hoá của dân tộc đã thực sự góp phần làm sáng tỏ đường lối đối ngoại " độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại"; "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".

Sống trong dân chỉ biết vì dân

NĐT: Thưa Đại sứ, nhân duyên làm việc giữa Đại sứ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu như thế nào?

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng: Đầu năm 2011, sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam ở Canada về nước, một hôm tôi nhận được thông báo từ Văn phòng Trung Ương Đảng mời sang làm việc.

Buổi làm việc đó thực ra là cuộc gặp riêng với đồng chí Nguyễn Phú Trọng mới được Đại hội XI bầu làm Tổng Bí thư.

Với thái độ thân tình, cởi mở Tổng Bí thư hỏi tôi về một số vấn đề trong quan hệ quốc tế, đặc biệt về các nước lớn và cách ứng xử của chúng ta. Tôi thành thực trình bày với ông hiểu biết hạn hẹp của mình sau hơn 30 năm công tác trong ngành ngoại giao và được ông chăm chú lắng nghe.

Cuộc trao đổi chỉ trong 40 – 45 phút và ở cuối cuộc gặp đó, ông đã quyết định ngay: "Từ ngày mai chú sang làm việc giúp anh về các vấn đề đối ngoại".

Sức hấp dẫn và thuyết phục trong đối ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cán bộ Văn phòng Tổng Bí thư tại Nhà Công vụ, Tết Bính Thân 2016. Đại sứ Nguyễn Đức Hùng đứng thứ hai, từ phải.

Phật dậy rằng: " Người ta sống trên đời ở trong trời đất, mọi sự là tùy duyên ". Vậy có thể nói tôi đã có duyên đẹp, dung dị với Tổng Bí thư.

Đến nay mọi việc lớn nhỏ nên làm, cần phải làm, tôi đều đã làm, hay dở cũng chỉ có vậy, nhưng tất cả đều được thực hiện với một khát vọng trong sáng, cháy bỏng hoàn thành tốt nhất có thể mọi nhiệm vụ được giao.

NĐT: Trong những năm làm việc và gần gũi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đâu là điều để lại trong Đại sứ ấn tượng sâu sắc nhất về con người và nhân cách của nhà lãnh đạo kiệt xuất này?

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng: Là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, song cốt cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn giản dị, khiêm nhường và đôi khi ông cũng hài ước bông đùa với anh em phục vụ.

Ông là một người bình dị mà cũng là một nhân cách lớn, lúc nào cũng đau đáu "Sống trong dân chỉ biết vì dân", "Tôi sẽ làm tất thảy vì dân", với nỗi bận tâm thường trực nói đi đôi với làm.

Và như một lẽ tự nhiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giành được trọn vẹn "lòng tin" của dân và sống trong "lòng dân".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giành được trọn vẹn "lòng tin" của dân và sống trong "lòng dân".
Sức hấp dẫn và thuyết phục trong đối ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 4.Đại sứ Nguyễn Đức Hùng

NĐT: Xin Đại sứ chia sẻ đôi điều về uy tín cá nhân và ảnh hưởng quốc tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng: Trong các chuyến thăm nước ngoài dù ở châu Âu, châu Á hay châu Mỹ, với bản lĩnh chính trị vững vàng, minh triết về trí tuệ, mẫn tiệp và hoà nhã trong ứng xử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự chủ động biến các cuộc gặp chính thức cũng như các tiếp xúc không chính thức với lãnh đạo các nước thành những cuộc trao đổi đầy ấn tượng rất thực chất về nội dung và chân thành, cởi mở về tinh thần.

Tôi có cảm tưởng rằng, sau những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đó Tổng Bí thư và lãnh đạo các nước đã cùng nhau xây dựng được lòng tin và trở thành những đối tác hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển ổn định các mối quan hệ giữa Viêt Nam với tất cả các nước nhất là các nước lớn Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, ASEAN …như chúng ta đã và đang chứng kiến hôm nay.

Sức hấp dẫn và thuyết phục trong đối ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 5.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017.

Sự thương tiếc và lòng kính trọng của lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế và nhân dân cả nước trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói lên uy tín cao và sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với tầm vóc một con người tâm huyết suốt cuộc đời vì sứ mệnh của Đảng vì tương lai cơ đồ của đất nước và vì hạnh phúc của nhân dân.

Đó thực sự là một nhà lãnh đạo biết kết hợp hài hoà lợi ích của dân tộc mình với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khi ghi sổ tang tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong là "lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc".

Trong điện chia buồn, Tổng thống Mỹ J. Biden đã nhắc lại: "Người dân Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng với người dân khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngày nay được hưởng an ninh và nhiều cơ hội hơn nhờ có tình hữu nghị và quan hệ đối tác giữa hai quốc gia chúng ta. Điều đó có được là nhờ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng."

Đó chỉ là 2 trong số nhiều ví dụ điển hình cho thấy mức độ uy tín, sức thuyết phục và tầm ảnh hưởng quốc tế của cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và vì thế, không chỉ sống trong lòng dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn sống trong lòng của nhiều bạn bè quốc tế và cả loài người tiến bộ.

NĐT: Thưa Đại sứ, trong tổng quan tư duy và sự quan tâm về đối ngoại, đâu là vấn đề khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở, dành nhiều thời gian suy tư nhất?

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng: Tiếp thu và vận dụng nhuần nhuyễn truyền thống ngoại giao của các thế hệ tiền bối từ Đinh, Lý, Trần, Lê và phát huy nghệ thuật ngoại giao hiện đại của phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện trong tư duy lãnh đạo đất nước nói chung cũng như trong chỉ đạo hoạt động đối ngoại theo tư tưởng và phương pháp cách mạng của Bác Hồ, trong đó có một số vấn đề cơ bản.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trái tim nhân hậu ẩn chứa chất thép của người cộng sản

Thứ nhất, kiên định mục đích cuối cùng là Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội; xác định đúng mục tiêu cụ thể của mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ của cuộc cách mạng.

Thứ hai, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm của tổ tiên về các phương pháp dựng nước giữ nước, cải tạo xã hội, đồng thời vận dụng sáng tạo phương pháp cách mạng của các dân tộc khác, của chủ ngĩa Mác-Lê nin vào điều kiện cụ thể ở nước ta.

Thứ ba, luôn xuất phát từ những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, từ yếu tố dân tộc, giai cấp, so sánh lực lượng đến yếu tố truyền thống, tâm lý của con người Việt Nam, biết khơi dậy ở mỗi con người, mỗi tầng lớp giai cấp những tiềm năng dù là rất nhỏ để tạo nên sức mạnh toàn diện của dân tộc.

Thứ tư, trong bất kỳ giai đoạn nào, điều kiện nào của cuộc cách mạng, phải tìm mọi cách, biện pháp qui tụ được sức mạnh của cả dân tộc và quốc tế, huy động được tối đa lục lượng mỗi lúc, mỗi thời điểm cho phép để giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Sức hấp dẫn và thuyết phục trong đối ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 6.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân và học sinh Cuba tại thủ đô La Habana tháng 3/2018.

Nền ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày khúc triết trong cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Đó là kết quả của sự kế thừa và phát triển tư duy nhận thức về đối ngoại của Đảng xuyên suốt các kỳ Đại hội thời kỳ đổi mới từ Đại hội VI năm 1986 đến Đại hội XIII năm 2021, ưu tiên lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng và trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình cả bên trong và bên ngoài, các chuyển động trong quan hệ quốc tế, nhất là liên quan đến các nước lớn. Đó chính là phương châm ứng xử: mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Tiếp tục làm chủ vận mệnh của chính mình

NĐT: Thưa Đại sứ, đâu là những vấn đề đặt ra để ngành đối ngoại Việt Nam tiếp tục kế thừa và phát huy những di sản quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại?

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng: Chúng ta đã và sẽ tiếp tục làm chủ vận mệnh của chính mình. Dân tộc Việt Nam hoàn toàn có đủ quyết tâm, bản lĩnh và năng lực hội nhập quốc tế thành công.

Tình hình thế giới và khu vực sẽ còn diễn biến phức tạp khó lường. Thế giới đang đối mặt với nhiều điểm nóng cũ và mới cũng như nhiều vấn đề gay gắt cần nỗ lực hợp tác xử lý chung của cả cộng đồng quốc tế.

Hơn lúc nào hết chúng ta càng phải tỉnh táo, càng phải thấm nhuần phương châm ứng xử Hồ Chí Minh "dĩ bất biến, ứng vạn biến", nhằm xử lý thoả đáng những biến động khôn lường của thời cuộc. Đồng thời, cũng "cần thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam ".

Theo đó, phải chăng hoạt động ngoại giao cần tập trung vào những ưu tiên hàng đầu sau:

Thứ nhất, một chính sách đối ngoại thành công phải dựa trên sức mạnh nội tại của đất nước. Đó cũng chính là nền tảng vững chắc cho một đường lối đối ngoại thành công.

Thứ hai, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, chủ động, xây dựng và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, gia tăng sức hút của thỏi "nam châm " Việt Nam thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ công cuộc phát triển của đất nước.

Thứ tư, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển, tiếp tục kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền và các lợi ích chính đáng của ta tại Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Sức hấp dẫn và thuyết phục trong đối ngoại của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 7.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.

Thứ năm, ngoại giao cần đi đầu phối hợp với đối ngoại nhân dân và các ngành văn hoá, nghệ thuật phát huy có hiệu quả nhất lợi thế sức mạnh mềm của đất nước, bắt đầu từ văn hóa.

Thứ sáu, làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược; tăng cường công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, quảng bá vị thế và hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.

Thứ bảy, triển khai hoạt động đối ngoại một cách toàn diện, đồng bộ dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hiện thân của truyền thống “ngoại giao tâm công”Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hiện thân của truyền thống “ngoại giao tâm công”ĐỌC NGAY

Cuối cùng, cán bộ vẫn là vấn đề của mọi vấn đề như Chủ tịch Hồ Chi Minh đã diễn đạt một cách giản dị mà thiết thực: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong". 

Yêu cầu phát triển đất nước hiện nay đòi hỏi các cán bộ đối ngoại càng phải có lập trường tư tưởng vững vàng, yêu nước và trung thành với Đảng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đặc biệt, cán bộ đối ngoại cần phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ giỏi. Đây là những yêu cầu và thử thách mới không hề nhỏ đối với cán bộ đối ngoại trong thời gian tới.

Tin tưởng chắc chắn rằng đội ngũ các nhà ngoại giao hôm nay được Đảng đào tạo và rèn luyện đi đầu trong sự nghiệp hội nhập, sẽ đưa ngành ngoại giao tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng vững mạnh toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa đất nước vững bước tiến lên.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ về cuộc trao đổi.