Ngày 30/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn làm việc với UBND tỉnh Bình Định về dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, ông Lưu Nhất Phong – Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định cho biết, hướng tuyến của dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Gia Lai thống nhất chủ trương.
Theo đó, chiều dài toàn tuyến là 122 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 37 km và Gia Lai hơn 85 km. Điểm đầu của dự án là tại quốc lộ 19B (km 39+200) thuộc địa phận xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định). Điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) thuộc Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Hướng tuyến tổng thể của dự án bắt đầu từ điểm đầu kết nối trên quốc lộ 19B (tỉnh Bình Định) đi qua địa phận xã Nhơn Mỹ về phía Tây Nam, cắt qua sông Kôn và quốc lộ 19; sau đó đi theo hướng Tây cắt quốc lộ 19 khoảng 4-5km, vượt đèo An Khê bằng cầu dẫn và hầm.
Hướng tuyến tổng thể qua địa phận tỉnh Gia Lai bắt đầu từ điểm cuối của tỉnh Bình Định tại địa phận đèo An Khê đi hoàn toàn về phía Nam so với quốc lộ 19.
Trên toàn tuyến có 8 nút giao liên thông, trong đó địa phận tỉnh Bình Định 3 nút và địa phận tỉnh Gia Lai là 5 nút, trung bình 15,9 km có một điểm giao liên thông.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay, sau khi nghiên cứu phương án 3 hướng tiến, tỉnh đã quyết định lựa chọn hướng phù hợp nhất có điểm đầu tại Km39+200 trên quốc lộ 19B.
Điểm đầu của dự án ở vị trí này có sự kết nối cảng hàng không Phù Cát và quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc-Nam.
Theo ông Hoàng, việc điều chỉnh điểm đầu của dự án tại quốc lộ 19B làm nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh, không phá vỡ quy hoạch các xã, phường của thị xã An Nhơn.
Đồng thời đảm bảo không gian phát triển đô thị An Nhơn; phát huy tối đa lợi thế, tiềm lực của tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài và đoạn quốc lộ 19B liền kề sân bay Phù Cát đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng; giảm thiểu tác động đến không gian thoát lũ phía Đông tuyến quốc lộ 1; đồng thời giảm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực tế hiện trường, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn lưu ý, dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku phải tạo được sự kết nối liên hoàn với nhiều vùng, nhiều khu vực của tỉnh Bình Định như: Khu kinh tế Nhơn Hội, cảng Quy Nhơn, cảng hàng không Phù Cát và đặc biệt là các tuyến giao thông đi qua địa bàn tỉnh, trong đó kết nối với cao tốc Bắc – Nam và đường sắt tốc độ cao sau này.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: "Thủ tướng đã yêu cầu đường cao tốc phải phát huy được tính kết nối hiệu quả. Do đó, chúng tôi mong địa phương phải làm thế nào để quy hoạch hạ tầng có sự kết nối với tuyến cao tốc này phù hợp, thuận lợi nhất".
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, từ thời điểm này các đơn vị liên quan phải tính toán, rà soát lại một cách kỹ lưỡng. Điều này để tránh việc phải điều chỉnh quá nhiều hoặc xảy ra phát sinh phức tạp khi triển khai thực hiện.
Đặc biệt, Thứ thưởng yêu cầu phải rà soát diện tích rừng bị ảnh hưởng, phải tính toán cụ thể bởi phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ.
Các địa phương phải xác định rõ khu vực, hướng tuyến qua rừng, làm việc với Sở TN&MT để có số liệu cụ thể nhất, tính toán phương án đầy đủ nhất.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, giai đoạn tiếp theo sẽ tiến hành rà soát các cầu, hầm trên tuyến để có sự điều chỉnh phù hợp.
Cùng với đó, Bộ tiếp thu ý kiến của hai địa phương ở các văn bản và cho cơ quan chuyên môn rà soát lại để có văn bản trình Chính phủ và xin ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính về tổng mức đầu tư dự án.
Hoặc