Tìm ra mối liên hệ bất ngờ giữa tính cách và tuổi thọ: Người hướng nội hay hướng ngoại, ai có khả năng sống thọ hơn?

08/09/2024 00:02

Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa tính cách và tuổi thọ, cho thấy phần lớn người sống thọ đều mang nhiều đặc điểm như lạc quan, cởi mở, thích kết nối mối quan hệ xã hội…

Bên cạnh mối liên hệ giữa ngoại hình, thói quen sinh hoạt, tính cách cũng là một khía cạnh được khoa học chứng minh có liên quan đến tuổi thọ. Một nghiên cứu được công bố năm 2012 cho thấy càng hướng ngoại và lạc quan thì càng có khả năng sống lâu. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đặc điểm tính cách của người hướng ngoại như lạc quan, cởi mở, sống có mục đích, thích cười cũng như tích cực tham gia các hoạt động xã hội, kết nối nhiều mối quan hệ có thể là một yếu tố quan trọng kéo dài tuổi thọ.

"Đánh giá tính cách của nhóm người sống thọ tham gia nghiên cứu, chúng tôi thấy rõ thái độ tích cực, cởi mở của họ đối với cuộc sống", nhà nghiên cứu Nir Barzilai, thuộc Trường Y Albert Einstein (Mỹ) cho biết.

Tìm ra mối liên hệ bất ngờ giữa tính cách và tuổi thọ: Người hướng nội hay hướng ngoại, ai có khả năng sống thọ hơn?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu này là một phần trong “Dự án gen trường thọ” của Trường Y Albert Einstein. Trong đó có sự tham gia của hơn 500 người Do Thái từ 95 tuổi trở lên và 700 người con của họ. Bằng cách phân tích gen của nhóm người này, các nhà nghiên cứu đang khám phá ra lý do đằng sau tuổi thọ đáng ngưỡng mộ của họ.

Nghiên cứu này đi vào phân tích nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến tuổi thọ con người, trong đó bao gồm cả tính cách. Các nhà nghiên cứu cho biết, mức độ nhút nhát hoặc cởi mở của con người với những trải nghiệm mới đều có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Khảo sát một nhóm phụ nữ có tuổi thọ trung bình 97,6 cho thấy: "Hầu hết họ đều hướng ngoại, lạc quan và dễ tính. Họ coi tiếng cười là một phần quan trọng của cuộc sống và có mạng lưới quan hệ xã hội rộng lớn. Họ thể hiện cảm xúc một cách cởi mở thay vì kìm nén chúng", nhà nghiên cứu Barzilai cho biết.

Tìm ra mối liên hệ bất ngờ giữa tính cách và tuổi thọ: Người hướng nội hay hướng ngoại, ai có khả năng sống thọ hơn?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho kết quả rằng những người sống trên trăm tuổi có sự ổn định về mặt cảm xúc, không dễ tức giận hay căng thẳng. "Một số bằng chứng chỉ ra rằng tính cách có thể thay đổi trong độ tuổi từ 70 đến 100, vì vậy chúng tôi không biết liệu những người sống trăm tuổi tham gia và nghiên cứu này có duy trì được các đặc điểm tính cách của họ trong suốt cuộc đời hay không. Tuy nhiên, những phát hiện của chúng tôi cho thấy họ đều có chung các đặc điểm tính cách cụ thể và điều này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được cả sức khỏe tốt và tuổi thọ cao", Barzilai nói.

Một công bố năm 2016 của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bắc Carolina (Mỹ) cũng chỉ ra rằng những người có nhiều mối quan hệ xã hội khi còn trẻ sẽ sống khỏe mạnh hơn, tuổi thọ cao hơn những người ít quan hệ xã hội. Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa quan hệ xã hội và nguy cơ mắc các bệnh từ béo phì, huyết áp cao đến những bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ và ung thư,...

Nghiên cứu cho thấy người trẻ ít kém năng động, ít giao tiếp sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, còn người cao tuổi dễ mắc tiểu đường, cao huyết áp nếu thiếu đi các mối quan hệ xã hội chất lượng.

Tìm ra mối liên hệ bất ngờ giữa tính cách và tuổi thọ: Người hướng nội hay hướng ngoại, ai có khả năng sống thọ hơn?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

"Dựa trên những phát hiện này, chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc khuyến khích thanh thiếu niên xây dựng các mối quan hệ xã hội rộng rãi và trao dồi kỹ năng xã hội để tương tác với con người cũng quan trọng như việc ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn", Giáo sư Kathleen Mullan Harris, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu.

Nhiều nghiên cứu trước đó đã cho thấy tính cách và tuổi thọ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên chưa nghiên cứu nào khẳng định tính cách hướng nội hay hướng ngoại mang tính quyết định 100% đến tuổi thọ. Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như gen, chế độ ăn uống, thói quen vận động, môi trường sống và điều kiện kinh tế - xã hội…