Tình hình xung đột Nga-Ukraine ở Donetsk, Kursk
Bộ Quốc phòng Nga hôm 31/8 cho biết các lực lượng của họ đã giành được quyền kiểm soát khu định cư Kirove, được Ukraine gọi là Verezamske, ở vùng Donetsk (Donbass).
Quân đội của Moscow đã đạt được những bước tiến đều đặn trong khu vực vào thời điểm các lực lượng Ukraine tìm cách tiến vào vùng Kursk của Nga sau một cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới bắt đầu vào ngày 6/8.
Trong một bản tin riêng về diễn biến ở vùng Kursk, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội của họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine tại đó, bao gồm cả các khu định cư Korenevo và Malaya Loknya.
Bộ này cũng thống kê tổn thất hàng ngày của đối phương trên hướng Kursk lên tới 400 quân, 18 xe bọc thép, bao gồm 1 xe tăng, 3 xe bọc thép chở quân và 14 xe chiến đấu bọc thép, cũng như 3 khẩu pháo, 3 súng cối, một trạm tác chiến điện tử và 7 phương tiện quân sự khác.
Các quan chức Nga cho biết cuộc tấn công của Kiev vào vùng Kursk sẽ không thể chuyển hướng các lực lượng Nga khỏi mặt trận miền Đông Ukraine, nơi họ vẫn đang tiến quân.
Các quan chức cũng thông tin cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga sẽ khiến hàng nghìn quân của nước này mắc kẹt trong một mặt trận mới không có nhiều tầm quan trọng về mặt chiến lược hay chiến thuật.
Ngoại trưởng Nga sắp tới New York, Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa phê chuẩn thành phần phái đoàn Nga tham dự phiên họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) sẽ được tổ chức vào tháng 9, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin hôm 31/8.
Theo sắc lệnh được công bố trên trang web chính thức của thông tin pháp lý, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov được bổ nhiệm làm trưởng đoàn.
Phái đoàn Nga cũng bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Vershinin, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Grigory Karasin, Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebezya, và Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Leonid Slutsky.
Ngoài ra, ông Putin đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Nga phê chuẩn thành phần cố vấn, chuyên gia và nhân viên kỹ thuật sẽ tháp tùng phái đoàn của ông Lavrov tham dự sự kiện sẽ diễn ra tại Tòa nhà Đại Hội đồng trong trụ sở Liên Hợp Quốc tại thành phố New York, Mỹ.
Ngày Serbia gia nhập EU còn xa
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 31/8 cho biết đất nước ông khó có thể gia nhập EU vào năm 2028 – một mốc thời gian mà một số quốc gia Tây Balkan khác đang hy vọng gia nhập khối này nhắm đến.
"Tôi không tin rằng chúng tôi sẽ trở thành một phần của EU vào năm 2028", ông Vucic cho biết khi phát biểu tại Diễn đàn an ninh toàn cầu Globsec ở Prague, Cộng hòa Séc. "Điều đó sẽ không xảy ra (việc gia nhập EU), tôi không nói dối người dân của mình".
Nhà lãnh đạo Serbia cũng cho biết nếu điều đó xảy ra thì nó cũng không thể xảy ra trước năm 2030. "Nhưng đó chỉ là đánh giá của tôi. Không ai biết điều gì có thể xảy ra trong thời gian chờ đợi", ông Vucic nói.
Các bình luận của ông Vucic được đưa ra 2 ngày sau khi Serbia đạt được thỏa thuận vũ khí mang tính bước ngoặt với Dasault Aviation của Pháp, theo đó quốc gia vùng Balkan sẽ mua 12 máy bay chiến đấu Rafale mới.
Động thái này được cho là một bước chuyển hướng lớn của Belgrade khỏi hợp tác quốc phòng với đồng minh truyền thống là Moscow. Nhưng để gia nhập EU, Serbia cần làm nhiều hơn thế.
Mỹ sẽ sản xuất thêm 4.000 tên lửa Javelin/năm
Quân đội Mỹ đã trao hợp đồng sản xuất tiếp theo trị giá 1,3 tỷ USD cho Liên doanh Javelin (JJV) giữa Lockheed Martin và Raytheon để sản xuất tên lửa cho hệ thống vũ khí chống tăng tiên tiến hạng trung FGM-148 Javelin (AAWS-M) cùng các thiết bị và dịch vụ liên quan.
Hợp đồng này bao gồm khoảng 4.000 tên lửa cho Ukraine để bổ sung cho kho dự trữ đã cung cấp trước đó.
Thỏa thuận một năm này là một phần của hợp đồng lớn hơn được trao vào năm ngoái cho JJV để cung cấp "số lượng không xác định" tên lửa Javelin trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2026 với tổng giá trị có thể lên tới hơn 7 tỷ USD.
Nhà thầu quốc phòng có trụ sở tại Maryland đã tăng cường sản xuất hệ thống tên lửa chống tăng vác vai, được mệnh danh "Thánh Javelin", và cho biết họ có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất lên khoảng 4.000 tên lửa/năm.
Nhu cầu toàn cầu đối với Javelin đã tăng lên do hiệu quả chống tăng đã được kiểm nghiệm trong thực chiến ở Ukraine của nó. Vũ khí này được xếp vào loại tên lửa "bắn và quên" (fire and forget), tầm bắn hiệu quả tối đa khoảng 4,75 km, sử dụng đầu đạn nổ song song theo phương pháp tấn công từ trên xuống, ở nơi lớp giáp của xe tăng thường mỏng hơn. Khi va chạm, đầu đạn có thể xuyên thủng tới 800 mm (31,5 inch) qua lớp giáp đồng nhất cán (RHA).
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ đã chuyển giao hơn 10.000 tên lửa Javelin và hàng trăm bệ phóng cho Kiev.
Armenia đóng băng toàn diện tư cách thành viên trong CSTO
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết tại một cuộc họp báo hôm 31/8 rằng đất nước ông đã đóng băng sự tham gia của mình vào tất cả các cơ quan của CSTO ở giai đoạn này.
"Chúng tôi đã đóng băng các hoạt động của mình tại tất cả các cơ quan CSTO và coi như vậy là đủ ở giai đoạn này. Hiện tại, chúng tôi không thấy cần phải đưa ra bất kỳ quyết định nào khác, nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào khác trong tương lai", ông Pashinyan nói.
Trước đó trong ngày, ông Pashinyan đã nói với quốc hội Armenia rằng "2 quốc gia thành viên CSTO đang chuẩn bị một cuộc chiến chống lại Armenia". Khi được một nhà báo hỏi liệu ông đã sẵn sàng nêu tên các quốc gia này chưa, Thủ tướng Armenia cho biết ông coi đó là điều không phù hợp.
CSTO là từ viết tắt của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một khối an ninh do Nga dẫn dắt. Các thành viên thuộc Liên Xô cũ khác của CSTO cũng bao gồm Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Minh Đức
Hoặc