Mỗi sáng, “kình ngư không chân” Nguyễn Hồng Lợi (37 tuổi, sống tại Thành phố Thủ Đức, TP. HCM) đều dậy sớm chuẩn bị quần áo, đồ ăn và đưa con gái Thiên Ý (3 tuổi) đi học. Khuyết tật bẩm sinh ở hai chân và tay phải do bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, anh đã nỗ lực rất nhiều để trở thành một vận động viên bơi lội quốc gia, một thầy giáo dạy bơi và một người cha, người chồng tốt.
“Đến bây giờ tôi vẫn không quên được cảm xúc của mình khi biết tin vợ ‘vượt cạn’ thành công, mẹ tròn con vuông. Giây phút ấy, tôi thấy bản thân là người thực sự may mắn và viên mãn khi đã đi qua rất nhiều khó khăn để có được một gia đình trọn vẹn, tổ ấm hạnh phúc như bao người”, anh không giấu được sự xúc động khi kể lại hành trình làm cha của mình.
Hành trình vượt cạn của vợ chồng “Kình ngư không chân”
Năm 2018, Nguyễn Hồng Lợi gặp gỡ Phan Thị Tường Nghĩa (31 tuổi) trong một chương trình về áo dài được tổ chức bởi Hội Mỹ thuật TP.HCM. Anh bị cuốn hút bởi những bộ sưu tập áo dài mà chị thiết kế. Còn chị cũng cảm mến con người, tài năng và nghị lực phi thường của anh. Họ làm bạn, rồi tình cảm phát triển. Chuyện tình của họ đẹp hơn bằng hôn lễ được tổ chức vào ngày 10/10/2020.
Tháng 2/2021, anh vừa mừng rỡ, vừa lo lắng và cả sợ hãi khi nghe tin vợ mình có em bé. Là một người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, anh không chắc con mình có được bình thường như bao đứa trẻ khác.
Những ngày tiếp theo của thai kỳ cũng là thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội. Đôi vợ chồng đi khám thai định kỳ tốn rất nhiều công sức khi phải cố gắng giữ an toàn nhất cố thể.
“Mỗi lần đưa vợ đi khám thai, tôi đều rất hồi hộp, thấp thỏm lo âu. Tôi cầu nguyện mọi chuyện sẽ tốt lành. Nếu có mệnh hệ gì, tôi nguyện đánh đổi mọi thứ để 2 mẹ con có sức khỏe tốt”, anh Lợi chia sẻ.
Lời cầu nguyện của anh Nguyễn Hồng Lợi đã trở thành sự thực. Khi bác sĩ thông báo, em bé phát triển bình thường trong bụng mẹ, anh thở phào nhẹ nhõm.
Gần đến ngày “vỡ chum”, vợ anh muốn về nhà ngoại ở Kon Tum, cách xa chỗ vợ chồng anh đang trọ 600km để được người thân chăm sóc. Tháng 8 của thai kỳ, hai vợ chồng dồn hết tất cả tài sản để thuê xe, làm thủ tục và bắt đầu hành trình về quê.
Hai vợ chồng xuất phát từ 5h sáng và đến nơi lúc 18h. Anh nhớ suốt hành trình, ngồi bên cạnh người vợ bụng to vượt mặt, nhìn thành phố, các cung đường vắng lặng do đang trong đợt cách ly vì dịch COVID-19 mà lòng anh trĩu nặng. Suốt quãng đường dài, anh nắm chặt đôi bàn tay run lên của vợ và động viên cả hai cùng nhau cố lên, mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn.
Khi đến nhà ngoại, mọi sự vẫn còn chưa hết khó khăn. Anh trong diện tình nghi là F0, phải đi cách ly cách nhà vợ 20km, tại Đăk Rơn Ga, huyện Đắk Tô.
Người đàn ông dũng mãnh trên đường đua xanh, chưa từng đầu hàng trước nghịch cảnh đã rơi nước mắt khi nghe tiếng nấc vì tủi thân của vợ qua điện thoại. Anh hiểu, đây là thời điểm vợ cần anh nhất. Có người phụ nữ nào mà không tủi thân khi tới ngày sắp sinh lại không có chồng bên cạnh.
Sau đó, anh được về với gia đình nhưng vẫn phải tự cách ly. Anh chỉ nhìn vợ bầu của mình qua lớp cửa kính. Anh vẫn nhớ như in cảm xúc của mình lúc bấy giờ: “Khi đó, tôi rất lo lắng vì lần đầu mình được làm cha. Tôi luôn tin tưởng vợ mình sẽ mạnh mẽ vượt cạn thành công. Tôi ước mình có thể chịu đau thay vợ, đem hết sức khỏe cho vợ để rồi được mẹ tròn con vuông. Tình yêu của hai chúng tôi thật không dễ dàng gì có được, tôi trân trọng tất cả những điều vợ làm cho mình”.
Ngày 17/11/2021, em bé Nguyễn Phan Thiên Ý chào đời. Nguyễn - Phan là kết hợp họ hai vợ chồng. Cái tên Thiên Ý đầy ý nghĩa là do vợ anh chọn.
Nhiều người hỏi anh rằng chỉ có một tay vậy anh chăm vợ mới sinh và con nhỏ như nào? Anh trả lời đầy tự tin rằng mình chăm con bằng bản năng của người chồng, người cha. Vợ anh bị nhiễm trùng sau khi đẻ. “Một tay” anh vẫn lo toan cho cả hai người từng ly từng tí, đối với anh đó là những giây phút thiêng liêng và hạnh phúc.
Đứa trẻ ở làng Hòa Bình nay đã là thầy giáo dạy bơi
Một phần lý do anh chăm sóc bé Thiên Ý tốt bởi từ nhỏ anh đã sống trong làng Hòa Bình (thuộc bệnh viện Từ Dũ), ngôi nhà nương náu của nhiều trẻ em bị bỏ rơi.
Từ khi sinh ra bị dị tật bẩm sinh, bà Nguyễn Thị Nghĩa (chị gái của mẹ Lợi) đã nhận anh về nuôi dưỡng vì thương xót cho hoàn cảnh của gia đình em gái. Đến nay, anh vẫn gọi bà với hai tiếng trìu mến là má nuôi.
Năm lên 4 tuổi, anh vào sống tại làng Hòa Bình. Tại đây, anh được các y bác sĩ nuôi nấng và chăm sóc rất chu đáo.
Anh bén duyên với nghiệp bơi lội vào năm 18 tuổi. Khi này anh ở gần sông Sài Gòn, mỗi ngày đều đi bán vé số và lo rằng nếu các chuyến đò có sao thì bản thân không thể tự cứu được. Anh học bơi và sớm tỏ ra là người có thiên phú, chỉ sau 5 ngày tập luyện, anh đã bơi ếch thành thạo.
Rồi anh được các vận động viên bơi lội tại nhà văn hóa thanh niên chú ý. Đến năm 2009, anh có cuộc thi đầu tiên trong đời tại TP Quảng Trị. Lần đầu đi thi đấu, anh đã giành 2 huy chương bạc cá nhân nội dung 100m bơi tự do hạng thương tật S6.
“Tôi tự hào không chỉ bởi mình đã có danh hiệu, mà còn bởi vì mình đã chiến thắng được bản thân. Tôi tự hào về khoe với mẹ nuôi rằng con đã làm được rồi. Chỉ bằng một tay, tôi cũng có thể về đích như bao người” , anh Lợi tự hào chia sẻ.
Suốt 15 năm chinh chiến trên đường đua xanh, giành nhiều danh hiệu lớn nhỏ, có cả tấm huy chương tầm cỡ châu lục tại Asian ParaGames, nhưng hai chiếc huy chương bạc năm xưa vẫn được anh treo ở vị trí trang trọng nhất. Đấy là minh chứng cho nỗ lực không đầu hàng số phận của anh.
Hiện nay, mỗi ngày ngoài thời điểm tập trung cùng đội tuyển, anh cũng không ngừng luyện tập để nâng cao và phát triển bản thân. Anh cũng mở lớp dạy bơi cá nhân cho những ai có nhu cầu. Để dạy bơi không dễ, người khuyết tật dạy bơi còn khó hơn nhưng anh luôn cầu tiến, học hỏi để lớp học ngày càng phát triển.
Anh mong mọi người đều biết bơi vì như vậy sẽ khỏe mạnh và an toàn cho bản thân, cũng như có thể cứu người khác khi cần. Anh cũng tham gia nhiều chương trình truyền cảm hứng để câu chuyện của mình giúp nhiều người tự tin vào bản thân hơn.
Sau tất cả những bận rộn, anh vẫn dành thời gian chơi cùng con gái Thiên Ý của mình. Mỗi ngày, anh đều đưa con đi học. Mỗi cuối tuần, anh vẫn dẫn con đi công viên và dạy con cùng vợ bơi.
“Nay con đã lớn, cháu cũng có bắt đầu nhận thức về thế giới. Cháu còn hỏi tôi rằng ‘Chân ba sao vậy ba?’, tôi nhẹ nhàng đáp lại ‘Chân ba là chân đặc biệt con ạ’. Tôi không muốn giấu cháu bất cứ điều gì, tôi tin rằng gia đình hạnh phúc là gia đình biết chia sẻ mọi điều trong cuộc với nhau. Chờ cháu lớn thêm một chút rồi tôi sẽ kể hết cho cháu nghe về người ba ‘Kình ngư không chân’ của mình”, anh nở một nụ cười rất hiền và ngập tràn hạnh phúc.
Hoặc