Năm 2018, khi con trai Soda được 20 tháng tuổi, chị Hương Thơm (TP. HCM) bắt đầu công cuộc tìm trường mầm non. Chị muốn tìm trường tư, gần nhà. Ngoài ra, cả hai vợ chồng đều muốn con đi học ở một môi trường mà ở đó lợi lạc cho con trẻ được đặt lên hàng đầu thay vì tập trung "chiều lòng" phụ huynh.
Bên cạnh đó, ba mẹ cũng muốn cách giáo viên giao tiếp với các bạn nhỏ đừng quá nguyên tắc với nhiều các cụm từ "con phải", "con đừng", "không được"... và nhiều từ ngữ mệnh lệnh khác mang tính nghiêm khắc và ngăn cấm. Thay vào đó là đông viên, khuyến khích, hướng dẫn một cách tích cực.
Nghĩ là thế, nhưng khi lên các group về tìm trường với quá nhiều thông tin, người mẹ lần đầu mò mẫm chọn nơi học cho con vẫn thấy khó đưa ra lựa chọn.
Trong lúc còn phân vân, chị được một người bạn giới thiệu Trường Mầm Non Yêu Thương (MNYT) tại Tân Phú, Quận 7. Xem những hình ảnh, những clip các cô trò chơi với nhau, chị Thơm cảm nhận được sự hồn nhiên, ngây thơ, trong trẻo, tự nhiên. Chị quyết định tới xem trường.
Trường là một căn biệt thự nằm trong một con hẻm yên tĩnh có 3 tầng, nhà có trần cao thông thoáng, nhiều cửa sổ, phòng học đầy ánh sáng, gió, sân trường thì nhiều cây cối và có những cây cau lớn che mát, có hồ cá chép.
Chị được cô Trinh - chủ trường tiếp và đưa đi tham quan, nghe chia sẻ về lịch sinh hoạt, học tập của các bé. Cô giáo cũng nói về các tiết học tương tác vui vẻ, "học mà chơi, chơi mà học", không dùng màn hình tivi, các bạn được chơi ngoài trời nhiều, phòng ốc mở cửa thông thoáng, dùng quạt là chính, vẫn sẽ sử dụng máy lạnh nhưng thường là vào buổi trưa khi ngủ.
Giáo viên tiếng Anh của các bé thường là người Mỹ hoặc Anh, Úc, đáp ứng được tiêu chí của MNYT là dạy học bằng tương tác trực tiếp chứ không dùng ti vi, luôn vui vẻ, năng động, sôi nổi nhưng vẫn kiên nhẫn, nhẹ nhàng, hợp với trẻ mầm non.
"Thật sự vừa đi vừa nghe nói về trường, được thấy các em bé tung tăng chơi với các cô, được nhìn được cảm nhận cách các cô giáo nói chuyện với các con, mình thấy thích thú và nể phục sự kiên nhẫn, khéo léo đó vô cùng. Các con được thỏa sức là chính mình chứ không bị ngăn cản. Mình cảm nhận được năng lượng nó khác hoàn toàn các trường mình tới", chị Thơm chia sẻ.
Và thế là, chị Thơm quyết định đây sẽ là nơi Soda gắn bó những năm học sắp tới!
"Và mẹ biết, mình đã lựa chọn đúng"
Không cần camera "giám sát", nhưng 2 năm học của con ở đây, chị Thơm cho biết, chị cảm nhận sự lựa chọn của mình là chính xác khi thấy được những thay đổi tích cực của Soda: Mỗi ngày đưa con tới trường là một ngày vui. Con háo hức được gặp cô giáo, chào ba mẹ, đi vào lớp bằng một tâm thế hồ hởi, vui tươi. Bé ăn vui, giỏi và khoẻ hơn, nói chuyện nhiều và vui vẻ nhiều hơn. Mỗi chiều đi học về lúc nào cũng thích ở lại chơi với các cô và các bạn, không muốn về luôn.
Các cô giáo nói chuyện rất nhẹ nhàng, yêu thương. Nhờ vậy suốt một ngày ở trường, bé cảm thấy được thoải mái, gần gũi cô, tự do và tự tin chơi đùa. Bé không phải dè chừng, sợ sệt, cảm thấy bị ép buộc. Giờ ngủ của các con được các cô ôm dỗ và vỗ về. Điều chị Thơm thích nhất là các bạn nhỏ trong trường đều được làm quen hết với các cô và thân quen như người nhà.
Ở nhà, chị Thơm dùng thực phẩm sạch và cũng cho con được uống thêm cả sữa hạt, hạn chế sữa công nghiệp, thích con ăn nhiều rau củ quả trái cây hơn, trường đáp ứng hết mọi tiêu chí đó. Mọi vấn đề về nguồn nhập nguyên liệu đều được công khai cho phụ huynh yên tâm. Gia vị dùng cho các con chỉ có nêm nhạt với ít muối biển tự nhiên không qua tinh chế, và ít đường, tuyệt đối không bột nêm, bột ngọt. Mỗi dịp lễ hoặc sinh nhật các bạn trong lớp, các cô làm những ổ bánh kem hình trái cây với đủ các loại trái cây, vừa rất sáng tạo lại rất đẹp.
Con được tự nguyện và vui vẻ khi ăn, không ép bé ăn làm bé có ấn tượng không tốt trong chuyện ăn uống. Chính vì vậy, có lúc con ăn ít, có lúc ăn nhiều, có món ăn thấy ngon, có món không thích lắm, đều là bình thường. Những khi nào con không hào hứng ăn lắm, các cô sẽ ráng khuyến khích thêm, dẫn dụ thêm, nhưng vẫn trên tinh thần là trẻ còn chịu hợp tác vui vẻ.
Một số hình ảnh về ngôi trường
Các con được chơi ngoài trời nhiều (tổng mỗi ngày khoảng 1,5 tiếng trở lên), phòng ốc thì thông thoáng, tràn ngập ánh nắng và gió tự nhiên. Khi tổ chức đi dã ngoại trường cũng thường tìm đến những nơi cho bé có thể hòa mình vào thiên nhiên.
Con đi học, cha mẹ cũng được "học" để đồng hành cùng con. Mỗi lần họp phụ huynh, cô chủ trường không quên nói về nền tảng để xây dựng nên một em bé hạnh phúc. Chị Thơm còn may mắn được tham gia hai khóa học về tâm lý trẻ em và các workshop khác của trường, về Hiểu tâm lý trẻ em lớp A và lớp B, chị mới thật sự thấy mọi thứ mình cần sửa đổi là ở mình chứ không phải ở con. 3 từ quan trọng chị luôn tự nhắc mình sau khóa học đó là Yêu Thương, An Toàn, Chấp Nhận.
Soda học ở trường được 2 năm (từ tháng 08/2018 đến cuối năm 2021). Vì vấn vấn đề mặt bằng, trường đã tạm đóng cửa vào 12/2021. Lúc đó, Soda chỉ còn 6 tháng nữa là vô lớp 1 nên hai vợ chồng chị Thơm đi lòng vòng tìm trường. Trường mới có cô giáo tận tâm, nhưng những kỉ niệm ở MNYT khiến Soda lưu luyến và nhắc mãi. Con nhớ hết tên các cô trong trường, mỗi lần gặp là được yêu thương như em bé 2 tuổi ngày nào còn ở MNYT.
"Bao nhiêu tình yêu thương, bao nhiêu sự nhớ nhung với ngôi trường như trường của Tottochan trong lòng của các ba mẹ, nhóm tụi mình những ngày trầy trật đi tìm trường khác cho các con, đã cố gắng lắm rồi nhưng các mẹ vẫn thật không thể quên được Trường MNYT của các bạn, mỗi ngày luôn cầu mong trường sẽ quay lại", chị Thơm chia sẻ.
Dù cuối năm 2021 trường đã tạm đóng cửa nhưng một nhóm các phụ huynh vẫn lên kế hoạch tổ chức một buổi lễ tốt nghiệp, mời các cô trường cũ đến dự. Tất cả được chuẩn bị với tất cả tình yêu thương của phụ huynh dành cho các bạn nhỏ và các cô giáo của ngôi trường mà chị Thơm vẫn hay gọi là ngôi trường của Tottochan.
Mầm Non Yêu Thương và những cái "không"
MNYT được thành lập năm 2012, chủ trường là cô Nguyễn Ngọc Trinh với mục đích ban đầu là để hai con từ Nhật Bản trở về có môi trường học vui vẻ, tự do và nhiều yêu thương. MNYT không quá lớn nhưng ấm áp, với triết lý yêu thương xuyên suốt, được cô Trinh xây dựng dựa trên những nghiên cứu, đúc kết và chắc lọc từ tổng hợp các lý thuyết nền tảng về tâm lý trẻ em, đem ứng dụng vào thực tế giao tiếp với trẻ em trong cuộc sống hàng ngày.
MNYT có những cái "không": Bé không xem tivi, cô không xem điện thoại. Thay vào đó sẽ chơi, học và giao tiếp với nhau thật nhiều, thật vui; Không chỉ ở trong phòng máy lạnh suốt ngày mà ưu tiên chơi ngoài trời để kết nối thiên nhiên và phát triển lành mạnh; Không la, không phạt, không chê, không ép bé hay làm bé tổn thương dù tinh thần hay thể chất.
Bên cạnh những cái Không là cái Được: Con được học trong một môi trường vui vẻ và tràn đầy yêu thương; Được tôn trọng và đối xử nhẹ nhàng tình cảm. Bé yêu thích cô giáo như một người lớn đáng tin cậy. Bé được chỉ dẫn những điều hay lẽ phải một cách ân cần, dịu dàng và kiên nhẫn. Bé được tự do và sáng tạo với đa dạng các hoạt động trải nghiệm.
Cô Nguyễn Ngọc Trinh cho biết, ở trường, từ cô tới trẻ đều không có thi thố, cạnh tranh, không có bầu chọn chọn giáo viên giỏi nhất, hay tuyên dương bé giỏi nhất tuần, hay phát phiếu bé ngoan.
"Thi đua tuy cũng có chút tích cực và mang tính động viên khuyến khích, nhưng đôi khi khiến chúng ta nghĩ tới những giá trị phù phiếm bên ngoài nhiều hơn là giá trị thật của những gì mình đang làm.
Nó dễ dẫn đến những ước muốn chạy theo bệnh thành tích, lấy sự chiến thắng người khác làm niềm vui, nỗ lực phấn đấu nhưng vì để hơn được người khác, buồn khi thua và vui khi hơn, v.v... Tất cả điều đó nuôi dưỡng ý nghĩ về "được - mất - thắng - thua" trong con người, làm con người dễ rời xa sự bình an nội tại hay những tốt đẹp nội tại sẵn có của chính mình", cô Trinh chia sẻ.
Cô cho rằng trẻ nhỏ càng được cảm thấy tự do, thoải mái và được tôn trọng thì càng giảm những áp lực hay căng thẳng đến từ nội tại sự phát triển của con cũng như từ môi trường bên ngoài, nhờ đó mà tránh những ức chế dồn nén dài lâu trong tiềm thức. Chính vì vậy hãy để con được tự do và vui vẻ nhất có thể, trừ khi là điều đó gây nguy hiểm cho chính bé hay gây ảnh hưởng quá mức đến người khác.
Trẻ ồn ào, hay leo trèo, khoái khám phá lục lọi, hay khư khư giữ lấy món mình thích, hay đôi khi bị kích động, hoặc có lúc xô cấu bạn, hay ầm ĩ khóc, có lúc làm ngược nói ngược điều người lớn muốn, hay phải nói nhiều lần mới chịu làm (thậm chí không chịu làm) v.v... đều là những điều hết sức tự nhiên và rất đáng cảm thông ở trẻ tuổi nhỏ (nhất là dưới 3 tuổi). Nhiệm vụ của người lớn công bằng nhìn nhận, ngoài những biểu hiện đó, trẻ cũng thường xuyên có vô số những biểu hiện tích cực và đáng yêu khác.
Chúng ta chỉ có quyền kiên nhẫn hướng dẫn, làm mẫu, làm đi làm lại, và... chờ đợi. Rồi "những ngày nông nổi" sẽ qua, đứa trẻ càng ngày sẽ càng học được cách cư xử phù hợp nếu chúng ta thực sự kiên trì đồng hành cùng con.
Hành trình "theo trường" dù cách nhà 15 cây số
Mang theo những ấn tượng về trường suốt nhiều năm, vậy nên năm 2024, khi nghe trường sẽ chính thức mở cửa trở lại, chị Thơm và một số phụ huynh cũ khác đã ngay lập tức đăng ký cho con theo học. Lúc này, con gái Mochi của chị cũng đã 2 tuổi, đến giai đoạn đi học mầm non. "Chướng ngại" duy nhất là trường đã chuyển vị trí qua quận 7, trong khi đó, nhà chị Thơm lại ở quận 2.
Khoảng cách từ nhà qua trường gần 15km, nhưng vì yêu con, yêu trường, chị Thơm cho biết mình không hề thấy bất tiện vì biết con mình được đến một môi trường cực kì an toàn.
"Mình và 2 mẹ nữa là mẹ Tùng Minh và mẹ Minh Duy cho các bạn nhỏ đi xe của mẹ Tùng Minh mỗi sáng chở 3 bạn qua trường học. Cơ sở mới rộng thoáng và đẹp hơn, nhiều cây xanh hơn để các bạn nhỏ lại được chơi ngoài sân và đùa giỡn cùng các cô thật vui", chị Thơm kể.
Các bạn nhỏ mới tới trường khi làm quen các bạn các cô thì mẹ không bị tách con liền, con không phải đột ngột xa mẹ ngay ngày đầu mà mẹ sẽ cùng đi theo làm quen với con và các cô để con được yên tâm vui vẻ khám phá môi trường mới. Chị Thơm dành gần cả 1 tuần nay để cùng đi với Mochi.
Trường mới cũng giống trường cũ về việc không có thiết bị điện tử màn hình tivi, bên cạnh đó đồ chơi của các con còn nhiều hơn là có đồ chơi gỗ, nhiều giấy bút màu vẽ, những chiếc xe chòi chân, những chiếc cầu tuột, thang leo vận động, bên cạnh đó còn có hố cát và hố nước để các con được chơi cát và nước. Công viên nội khu đối diện trường xanh mát cây, nơi các cô trò sáng nào cũng qua chơi rượt đuổi, trốn tìm, tổ chức các hoạt động cho các con trên bãi cỏ.
Hiện tại trường vừa khai giảng nên chưa tách lớp, số lượng hiện tại là 13 bé để các bạn nhỏ quen hết với các cô ở trường và cũng thân thiết với nhau.
Trải qua quá trình tìm trường cho con, chị Thơm cho rằng, quan trọng nhất khi chọn trường với chị đó là: Hãy dùng cảm nhận của một người mẹ, hãy đến nơi con mình sẽ ở đó 8 tiếng một ngày, những cô giáo con tiếp xúc là ai, các con sẽ học với cô giáo nào chứ không phải chỉ là qua những lời giới thiệu. Hãy quan sát, lắng lòng lại, và cảm nhận bầu không khí ấy có hợp với con mình không, trực giác sẽ mách bảo mẹ câu trả lời cho chính mình.
Hoặc