Theo thông tin do trang Opex360 công bố vào ngày 3/11, Hải quân Pháp đang chuẩn bị cho ra mắt một loại súng điện từ (railgun) mới, có khả năng phóng đạn với tốc độ lên tới Mach 8,7 (gấp 8,7 lần tốc độ âm thanh).
Sáng kiến này – do Viện nghiên cứu Pháp-Đức Saint-Louis (ISL) trực thuộc Cơ quan Đổi mới Quốc phòng Pháp (AID) dẫn đầu – đại diện cho sự thay đổi mang tính đột phá trong vũ khí hải quân.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tiếp tục khám phá tiềm năng của súng điện từ (EMRG). Ví dụ, Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm một khẩu EMRG từ tàu tấn công đổ bộ Haiyang Shan, mặc dù những tuyên bố này vẫn chưa được xác minh.
Nhật Bản cũng đã tham gia cuộc đua khi Cơ quan Hậu cần và Mua sắm công nghệ (ATLA), trực thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đạt được thử nghiệm thành công đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái, bắn 1 viên đạn 40 mm ở tốc độ Mach 6,5 bằng súng điện từ 5 megajoule.
Châu Âu, nhận ra những lợi thế chiến lược của công nghệ EMRG, đã theo đuổi các dự án chung để tăng cường năng lực phòng thủ của mình. Liên minh châu Âu (EU) giao cho ISL nhiệm vụ điều phối dự án PILUM (Đạn pháo tăng hiệu ứng tầm xa bằng súng điện từ).
Dự án này đã chứng tỏ được tiềm năng phóng đạn pháo tầm xa, có độ chính xác cao trên phạm vi vài trăm km. Sự thành công của dự án đã dẫn đến việc thành lập chương trình THEMA (Công nghệ pháo điện từ) vào tháng 6 năm ngoái, nhận được khoản tài trợ 15 triệu Euro từ Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF).
Trong một động thái gần đây nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, Nhật Bản đã hợp tác với Pháp và Đức, ký kết thỏa thuận Điều khoản tham chiếu (TOR). Quan hệ đối tác này mở đường cho sự hợp tác giữa ATLA của Nhật Bản và ISL, nhằm mục đích thúc đẩy công nghệ vũ khí điện từ xuyên biên giới.
Tổng cục Vũ khí Pháp (DGA) đã khởi xướng một chương trình đầy tham vọng nhằm phát triển súng điện từ cho Hải quân Pháp, được gọi là dự án RAILGUN. Dự án này nhằm mục đích tăng cường năng lực hải quân chống lại các mối đe dọa trên biển đang phát triển, đặc biệt là các cuộc tấn công siêu thanh và bão hòa.
Tận dụng năng lượng điện từ để đẩy đạn với vận tốc cực lớn, súng điện từ được thiết kế để có độ chính xác cao trên khoảng cách xa, với tầm bắn được báo cáo là vượt quá 200 km. Tầm bắn ấn tượng này, cùng với thời gian bay đạn được rút ngắn của súng điện từ, mang lại những lợi thế riêng biệt trong các hoạt động phòng thủ, đặc biệt là trong việc đánh chặn các mối đe dọa trên không di chuyển nhanh.
Theo chi tiết do AID của Pháp công bố, hệ thống RAILGUN được thiết lập để mang lại những tiến bộ đáng kể cho tác chiến hải quân của các lực lượng Pháp. Được bố trí trên mũi tàu, hệ thống này sẽ tối đa hóa hiệu quả phòng không bằng cách giảm thời gian giao tranh và cho phép tác động nhanh, vận tốc cao, tăng khả năng vô hiệu hóa các mối đe dọa đang bay tới.
Ngoài ra, vì công nghệ súng điện từ loại bỏ nhu cầu về thuốc nổ đẩy thông thường, nên nó có thể giảm yêu cầu về không gian để lưu trữ đạn dược trên tàu, cho phép tàu mang nhiều đạn hơn, và theo đó, làm giảm nhu cầu tiếp tế.
Về phần mình, ISL đã xác nhận rằng súng điện từ được giới thiệu tại Triển lãm Euronaval 2024, khai mạc tại Paris vào ngày 4/11, có thể tăng tốc đạn lên 3.000 m/giây – tương đương với 10.800 km/giờ hoặc Mach 8,7. Với việc tốc độ trên Mach 5 được coi là siêu thanh/siêu vượt âm, vũ khí này được coi là một bước tiến đáng kể trong công nghệ phòng thủ hải quân.
Cơ chế hoạt động của súng điện từ liên quan đến việc tạo ra một từ trường giữa hai thanh ray dẫn điện thông qua một dòng điện cường độ cao. Từ trường này tăng tốc đạn, bản thân là một vật dẫn điện, thông qua lực Lorentz. Tuy nhiên, việc đạt được vận tốc cực đại như vậy đặt ra những thách thức đáng kể. Các vật liệu được sử dụng phải chịu được ứng suất cơ học mạnh và hệ thống này đòi hỏi một nguồn năng lượng khổng lồ có khả năng giải phóng tức thời.
Khi Hải quân Pháp tiến hành dự án RAILGUN, súng điện từ có thể cách mạng hóa pháo binh hải quân, thiết lập một tiêu chuẩn mới về tầm bắn, tốc độ và hỏa lực.
Minh Đức (Theo Army Recognition)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Hoặc