2 ứng cử viên tổng thống Mỹ bà Kamala Harris và ông Donald Trump. Ảnh: Xinhua. |
Gần đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ (5/11), lạm phát dự kiến tiếp tục hạ nhiệt từ mức cao trong đại dịch Covid-19, số lượng việc làm trong khu vực tư nhân vượt dự báo, doanh số bán nhà tăng mạnh, niềm tin tiêu dùng tiến gần đến mức lạc quan và GDP Mỹ đang tăng trưởng, dù hơi thấp hơn một số kỳ vọng, theo CNBC.
Kinh tế tăng trưởng chậm nhưng chắc
Theo Morning Consult, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 50% kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021 và tăng 24% từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, Bloomberg đã có một phân tích về bức tranh mới nhất của nền kinh tế Mỹ trước ngày bầu cử diễn ra.
Về thị trường lao động, trường việc làm tại Mỹ đang điều chỉnh từ xu hướng phục hồi không bền vững sau đại dịch, nhưng các nhà kinh tế cho rằng chắc chắn thị trường này không suy yếu.
Bảng lương phi nông nghiệp chỉ tăng 12.000 việc làm vào tháng trước do ảnh hưởng bởi cơn bão Helene và Milton cũng như cuộc đình công tại Boeing. Tuy nhiên, Mỹ đang ghi nhận dấu hiệu tích cực về việc tạo thêm việc làm trong khu vực tư nhân.
Tỷ lệ thất nghiệp, mặc dù có cao hơn một chút trong những tháng gần đây nhưng tăng trưởng tiền lương đã vượt xa lạm phát trong hơn một năm. Các nhà tuyển dụng cũng vẫn đang cố gắng lấp đầy hơn 7 triệu việc làm.
Về tình hình lạm phát, theo dữ liệu mới công bố, lạm phát của Mỹ đã chạm 2,1% vào tháng 9, chỉ cao hơn một chút so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi trước đó, bất chấp sức mạnh của thị trường lao động, chính quyền Biden - Harris vẫn bị ảnh hưởng bởi mức lạm phát đạt đỉnh trên 7% vào giữa năm 2022.
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ giai đoạn tháng 7/2022 - 9/2024. Biểu đồ: Bloomberg. |
Xu hướng giảm của lạm phát xuất phát từ một vài yếu tố. Trong đó, giá xăng dầu giảm cũng như chi phí của các mặt hàng năng lượng khác. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn hơn trong việc tăng giá hàng hóa. Chuỗi cung ứng đã ổn định trở lại sau tình trạng đứt gãy do đại dịch gây ra, giúp giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng.
Mức tăng giá tháng 9 vẫn tăng so với tháng trước và lạm phát đã đi ngang trong nhiều tháng. Điều này gây khó chịu cho người tiêu dùng, bởi lạm phát thấp hơn có nghĩa là giá chỉ tăng chậm hơn chứ không giảm.
Đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, tăng trưởng của Mỹ đã vượt trội so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, một phần nhờ vào các gói kích thích thời đại dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ lên 2,8% trong năm nay và 2,2% trong năm 2025 nhờ tiêu dùng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức trong thời gian tới khi nợ công của Mỹ - dự kiến đạt 99% GDP trong năm nay và được dự báo tiếp tục tăng. Theo ước tính của Bloomberg Economics, các chính sách cắt giảm thuế của ông Trump có thể đẩy tỷ lệ này lên 116% vào năm 2028, trong khi các đề xuất thận trọng hơn của bà Harris có thể giữ tỷ lệ này ở mức 109%.
Về tiêu dùng, nhờ vào khoản tiết kiệm và mức lương tăng, người Mỹ vẫn duy trì mức chi tiêu mạnh mẽ cho đến tháng 9. Tuy nhiên, các dấu hiệu căng thẳng tài chính đang xuất hiện khi lo ngại của người dân về khả năng chậm thanh toán đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tỷ lệ tiết kiệm cũng đã giảm đều đặn trong năm nay.
Bên cạnh đó, không phải tất cả người Mỹ đều được hưởng lợi từ nền kinh tế hiện nay. Thị trường chứng khoán tăng đã giúp tổng tài sản hộ gia đình đạt mức kỷ lục, nhưng nhiều người không nắm giữ lượng cổ phiếu đáng kể và đã tích lũy nợ trong những năm gần đây trong bối cảnh lãi suất cao.
Cơ hội và thách thức của tân tổng thống Mỹ
Hiện tại, Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều tự giới thiệu mình là người giám sát tốt nhất cho tương lai kinh tế của Mỹ. Đồng thời đưa ra các đề xuất chính sách hứa hẹn một tương lai kinh tế mới.
Ông Trump cam kết áp thuế tổng thể lên tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, đồng thời thực hiện một chương trình trục xuất người nhập cư, cắt giảm thuế doanh nghiệp sâu hơn cùng nhiều biện pháp khác.
Các nhà kinh tế và thậm chí một số người ủng hộ ông Trump lưu ý rằng các chính sách như thuế tổng thể, trục xuất người nhập cư và cắt giảm thuế doanh nghiệp có thể tạm thời gây chấn động lớn cho nền kinh tế, kích hoạt nguy cơ suy giảm của thị trường.
Trong khi đó, bà Harris muốn tăng thuế doanh nghiệp, ban hành lệnh cấm liên bang về việc tăng giá quá mức trong ngành hàng tiêu dùng và cung cấp trợ cấp, ưu đãi thuế để phát triển nhà ở, chăm sóc trẻ em và nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, Phó tổng thống Harris cũng đã nhận sự chỉ trích từ các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ về lệnh cấm tăng giá quá mức và kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp.
Giáo sư Justin Wolfers của Đại học Michigan nhận xét nền kinh tế ổn định sẽ là cơ hội để tổng thống tiếp theo thực sự tập trung vào các chính sách mà họ đã vận động.
So với 2 cựu tổng thống Mỹ trước đó, ông Barack Obama và ông Joe Biden đều nhậm chức trong thời kỳ ổn định nền kinh tế được ưu tiên. “Họ phải dập tắt khủng hoảng suy thoái thay vì thực hiện các chương trình của mình”, Wolfers cho biết.
“Nếu bạn đang trong một cuộc suy thoái, dù là Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, bạn chỉ có một nhiệm vụ khắc phục suy thoái”, ông nói. “Trong khi đó, nếu Trump muốn cắt giảm thuế cho người giàu và Harris muốn đánh thuế người giàu để giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và lao động, cả hai có thể có điều kiện thực hiện mục tiêu này”.
Dù theo hướng nào, tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải cân bằng giữa việc thực hiện các cam kết cải cách nền kinh tế mà cử tri đang không mấy hài lòng nhưng phải đảm bảo không làm chệch hướng sự tăng trưởng của nền kinh tế hiện tại.
Trước khi Tổng thống Joe Biden rời Nhà Trắng, những số liệu kinh tế khả quan trong vài tuần qua đã củng cố lập luận rằng chính quyền của ông Biden, cùng với Fed đã đạt được sự ổn định, dù người dân Mỹ vẫn chưa cảm nhận được điều đó.
“Khó có thể nhìn thấy nền kinh tế hoạt động tốt hơn nữa”, Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's chia sẻ. “Tất nhiên, nhiều người dân có thu nhập thấp và trung bình chưa nhận được những gì họ cần. Thay đổi điều này là điều mà tân tổng thống và quốc hội cần tập trung”, ông nói.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.
Hoặc