Tỷ phú Trần Đình Long: Ông trời muốn Hòa Phát làm việc khó

11/04/2024 16:14

Chia sẻ về kế hoạch tương lai, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Hòa Phát sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khó sản xuất, chứa hàm lượng công nghệ cao.

Hòa Phát đã hoàn thành hơn 22% chỉ tiêu doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận của năm 2024 sau quý I. Ảnh: Nam Khánh.

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức sáng 11/4, trước khi bắt đầu phiên họp, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết tính đến thời điểm Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) chốt danh sách cổ đông tham dự, tổng số cổ đông của tập đoàn đã tăng lên trên 170.000 cổ đông.

Theo ông Long, số lượng cổ đông của Hòa Phát có thể nói là đông nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây là điều nên tự hào vì số lượng cổ đông, giao dịch hàng ngày lớn phần nào phản ánh được tính đại chúng của tập đoàn rất cao.

Lợi nhuận quý I gấp 7 lần cùng kỳ

Về kết quả kinh doanh năm 2023 và dự báo năm 2024, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Hòa Phát, cho biết năm vừa qua là giai đoạn khó khăn với ngành bất động sản và xây dựng nói chung. Trong khi đó, lĩnh vực thép chịu ảnh hưởng đáng kể do là ngành kinh doanh ăn theo.

Bước sang năm 2024, Tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng dự báo tình hình còn khó khăn và chưa thể bứt phá. Nguyên nhân đến từ nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu đến từ kinh tế vĩ mô còn bất ổn.

Điển hình như ngành bất động sản Trung Quốc chưa hồi phục, thậm chí nhiều tập đoàn lớn đang ngấp nghé bờ vực phá sản. Hay ở phía bên kia bán cầu, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ mới đây đã vượt dự đoán của các nhà phân tích, cho thấy các chính sách siết chặt của Fed chắc chắn sẽ được duy trì.

Trong tài liệu trình cổ đông, ban lãnh đạo Hòa Phát nhận định doanh thu dự kiến tăng so với năm 2023, phần lớn nhờ sản lượng tăng lên do kỳ vọng sự quay trở lại của các nhà phát triển bất động sản sau khi Luật Đất đai năm 2024 được ban hành.

Tuy vậy, tập đoàn vẫn phải đối mặt một số khó khăn như giá nguyên liệu tăng nhưng giá bán tăng không tương xứng, chi phí tài chính lớn do dự báo lãi suất tiếp tục ở ngưỡng cao.

HÒA PHÁT ĐẶT MỤC TIÊU LỢI NHUẬN TRỞ LẠI MỐC CHỤC NGHÌN TỶ ĐỒNG
Kết quả kinh doanh của Hòa Phát. Nguồn: BCTC DN.
Nhãn201920202021N0222023Kế hoạch 2024
Doanh thu thuần tỷ đồng 6365890118149679141409119000140000
Lợi nhuận sau thuế
757813506345208444680010000

Trước tình hình tỷ giá đang tăng nóng thời gian gần đây, Chủ tịch Trần Đình Long tiết lộ quý I vừa qua, tập đoàn phải trích lập dự phòng tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh đầu năm, Chủ tịch Hòa Phát cho biết sản lượng bán hàng cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tập đoàn đã đẩy đi lượng lớn nguyên vật liệu giá cao và đưa tồn kho xuống mức thấp kỷ lục. Song song, Hòa Phát cũng tranh thủ nhập vào lượng lớn nguyên vật liệu có giá tốt.

Quý I, Hòa Phát ước tính tổng doanh thu đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, và lãi sau thuế 2.800 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần.

Năm nay, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đặt mục tiêu doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng (tương đương hơn 5,6 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với năm 2023. Nếu mục tiêu này hoàn thành, Hòa Phát sẽ đạt mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử và lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2022.

Sau khi kết thúc quý I, Hòa Phát đã hoàn thành hơn 22% chỉ tiêu doanh thu đề ra và 28% kế hoạch lợi nhuận.

Đẩy mạnh sản xuất mặt hàng hàm lượng công nghệ cao

Xung quanh câu hỏi của các cổ đông về việc vận hành dự án Dung Quất 2, Chủ tịch Trần Đình Long ước tính dự án sẽ hoàn tất vào tháng 9/2026.

Nhanh nhất vào cuối năm nay, nhà máy Dung Quất 2 đã có thể bắt đầu sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) khi hoàn thành lò cao đầu tiên, muộn nhất có thể là quý I/2025.

Ước tính trong năm 2025, dự án có thể đóng góp sản lượng hơn 2 triệu tấn HRC, cộng thêm 3 triệu tấn ở Dung Quất 1 để nâng công suất HRC lên hơn 5 triệu tấn. Chỉ tính riêng mảng thép, doanh thu của tập đoàn trong năm nay có thể đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.

Hiện nay, lĩnh vực thép của Hòa Phát có 2 sản phẩm chính là thép xây dựng và HRC. Trước bối cảnh nhà máy Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động, tập đoàn đang cố gắng mở rộng thị trường với mục tiêu có thể tiêu thụ hết lượng HRC sản xuất ở giai đoạn 1.

Có lẽ ông trời muốn Hòa Phát làm việc khó, đây có thể coi là thiên sứ của tập đoàn

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long

Trong tương lai, kế hoạch của tập đoàn là tăng cường sản xuất các mặt hàng yêu cầu hàm lượng công nghệ cao, khó, đòi hỏi đầu tư lớn.

Ví dụ, Hòa Phát đang nghiên cứu xây dựng dây chuyền sản xuất tôn silic từ gốc, một sản phẩm khó mà chưa doanh nghiệp nào tại Việt Nam làm được. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu sản xuất thép đường ray chuyên dụng cho các loại tàu có vận tốc trên 800 km/h, đồng thời bày tỏ mong muốn tham gia đấu thầu các hạng mục trong dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam nếu được.

“Tôi nói đơn cử, để sản xuất được 11 triệu tấn HRC chất lượng cao, Hòa Phát có thể phải bỏ ra 7 tỷ USD cho máy móc và thiết bị công nghệ. Có lẽ ông trời muốn Hòa Phát làm việc khó, đây có thể coi là thiên sứ của tập đoàn”, Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ.

Về kế hoạch xuất khẩu, tiêu thụ HRC trong nước lẫn cạnh tranh với mặt hàng từ Trung Quốc, Tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng cho biết tập đoàn sẽ đưa ra các chiến lược khác nhau tùy vào thời điểm, nhưng chắc chắn luôn ưu tiên 100% cho hoạt động bán hàng trong nước.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Tỷ phú Trần Đình Long: Ông trời muốn Hòa Phát làm việc khó" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.