Giá vàng tiếp tục đi lùi
Vàng vốn được coi là một kênh đầu tư an toàn, nhất là trong thời kỳ biến động kinh tế, nhưng hiện nay, nhiều yếu tố như chính sách lãi suất, tình hình lạm phát, và sự thay đổi trong nhu cầu tiêu thụ đang ảnh hưởng đến giá trị của nó.
Sau đà vụt tăng vào phiên giao dịch ngày 8/11 lên 2.706 USD/ounce khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất 0,25 điểm %, giá vàng lại tiếp tục quay đầu giảm.
Chốt phiên 12/11, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.597,4 USD/ounce, giảm 71,6 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 80,5-84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức giá này đã giảm 1,4 triệu đồng/lượng ở 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên trước đó.
Trong khi đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 80,5-84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá trên đã giảm 1,4 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên trước.
Bảo Tín Minh Châu thì niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 80,5-84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên trước.
Đối với vàng nhẫn, DOJI niêm yết giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng ở ngưỡng 80,5-83,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Sơ với phiên trước đó, giá mua vào đã giảm 2,65 triệu đồng/lượng và giá bán ra giảm 1,75 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu thì niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 80,52-83,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 2,56 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,81 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Đồng USD mạnh lên tác động đến giá vàng
Trao đổi với Người Đưa Tin, nói về yếu tố tác động đến giá vàng, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, chính sách của ông Donald Trump về Hàn Quốc sẽ làm lạm phát tăng, buộc FED phải tăng lãi suất hoặc làm chậm việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Do vậy, thị trường đang có xu hướng đầu cơ USD, làm cho đồng USD tăng mạnh, gây áp lực lên giá vàng.
Mặt khác, Bitcoin đang tiếp tục lập đỉnh mới, có khả năng tiến tới 100.000 USD khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng bán vàng để mua Bitcoin.
Trương Vi Tuấn, chuyên gia Giavang.net cho rằng, vàng theo truyền thống được coi là một biện pháp phòng để ngừa sự không chắc chắn, một kênh đầu tư tránh rủi ro. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã khiến nhiều định hướng chính sách của Mỹ trở nên chắc chắn và rõ ràng hơn, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2026.
Ngoài ra, Chủ tịch FED và các quan chức đều chưa khẳng định về lộ trình hạ lãi suất. Hồi Chủ Nhật (10/11), Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cho biết, ngân hàng trung ương muốn có sự tự tin và cần thấy thêm bằng chứng cho thấy lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% trước khi quyết định cắt giảm lãi suất thêm nữa. Việc FED không vội vàng hạ lãi suất như vậy cũng tác động rất nhiều đến giá vàng thế giới.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, sự tăng giá kỷ lục của Bitcoin đã phần nào làm giảm sự chú ý, tập trung vào đầu tư vàng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày 11/11 tăng từ 79.700 USD lên 84.200 USD, thì sang ngày 12/11, đồng này đã tiếp tục tăng và lên gần mốc 90.000 USD/bitcoin trước khi hạ nhiệt nhẹ về 88.000 USD vào cuối ngày.
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, theo phân tích kỹ thuật thì vàng có thể xuống đến 2.560 USD/ounce rồi sẽ lên lại nếu không có tuyên bố gì bất thường từ FED. Tuy nhiên không loại trừ việc giá vàng thế giới có thể về mức 2.500 USD trong ngắn hạn.
Còn theo ông Trương Vi Tuấn dự phóng, 2.535 USD là mức cuối cùng mà giá vàng thế giới có thể hạ. Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, đối với giá vàng trong nước sẽ được tỉ giá USD/VND kéo lên vì tỉ giá đang ở mức cao.
Sáng 11/11, tại phiên chất vấn Chương trình Kỳ họp Quốc hội thứ 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vàng hiện nay cũng là vấn đề đau đầu của thế giới. Trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, giá vàng quốc tế là 2.300-2.400 USD/ounce đến bây giờ đã trên 2.700 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng hơn 50%.
Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước can thiệp với mục tiêu đưa chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế giảm xuống bởi khi nhu cầu người dân tăng cao như vừa qua đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Sau các biện pháp can thiệp, mức chênh giữa thị trường quốc tế và trong nước rút về còn 3-4 triệu đồng một lượng.
"Giá vàng vẫn biến động tăng giảm chưa thực sự ổn định do yếu tố khách quan của kinh tế thế giới, giá vàng còn rất phụ thuộc vào các biến số của thị trường tài chính thế giới từ lãi suất, tỉ giá, giá dầu...", bà Hồng nói.
Thống đốc cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và phải căn cứ vào mục tiêu của chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét các giải pháp can thiệp.
Hoặc