Xét trên phương diện hoạch định chính sách, không khó để lý giải quyết định của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, trong khi thị trường việc làm bắt đầu mất đà tăng trưởng.
"Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã rơi vào một tình huống khó xử", cây bút Amara Omeokwe của Bloomberg bình luận.
Lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương sau 4 năm đã diễn ra vào giai đoạn quan trọng bậc nhất của cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi đó, kết quả của cuộc bầu cử hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan của cử tri vào nền kinh tế.
Quyết định vào đỉnh điểm cuộc bầu cử
Tháng trước, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất điều hành 0,5 điểm phần trăm. Đây là lần đầu tiên ngân hàng trung ương Mỹ thực hiện động thái này kể từ đại dịch Covid-19.
Các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã đồng thuận đưa lãi suất xuống 4,75-5%, mức thấp nhất kể từ cuộc họp chính sách tháng 3 năm ngoái.
Quyết định này nằm ngoài dự đoán của đa số chuyên gia kinh tế. Ngoại trừ các biện pháp khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch, lần cuối cùng Fed cắt giảm lãi suất với quy mô tương tự là vào năm 2008, trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Việc hạ lãi suất chuẩn sẽ giúp giảm chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, từ đó kích thích tiêu dùng và đầu tư, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Dĩ nhiên, các chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ. Chúng không thể tác động ngay lập tức đến kế hoạch tuyển dụng và đầu tư của doanh nghiệp trước ngày bầu cử 5/11 (theo giờ Mỹ). Tuy nhiên, động thái này vẫn có thể tạo ra tâm lý tích cực đối với cử tri Mỹ và thị trường tài chính nói chung.
Điều đó sẽ giúp ích cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, vốn đang kỳ vọng vào môi trường kinh tế lạc quan để thu hút cử tri.
Fed cắt giảm lãi suất điều hành 0,5 điểm phần trăm sau một loạt quyết định tăng và giữ nguyên lãi suất trong vòng 3 năm qua. Ảnh: CNBC. |
Theo bà Christina Parajon Skinner, Phó giáo sư tại Wharton School, việc cắt giảm lãi suất điều hành sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Rủi ro nằm ở chỗ nhiều người có thể coi đây là một nỗ lực nhằm can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử.
Thật vậy, động thái của Fed đã vấp phải một số ý kiến trái chiều. Theo Bloomberg, cựu Tổng thống, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump ám chỉ rằng Fed có thể đang "chơi trò chính trị". Ngay cả một số nghị sĩ đảng Dân chỉ cũng không đồng tình, dù đảng này thường ủng hộ các chính sách nới lỏng tiền tệ.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (bang Massachusetts) lập luận rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell đã quá chậm chạp trong việc đưa ra một động thái hỗ trợ nền kinh tế, dẫn đến việc "cắt giảm quá mức" trong cuộc họp chính sách vừa qua.
Sự chú ý dồn vào Fed
Các động thái của Fed đang thu thu hút sự chú ý, nhất là trong giai đoạn trước thềm ngày bầu cử Tổng thống. Bởi trước đó, ngân hàng trung ương Mỹ đã nhiều lần trì hoãn việc đưa ra bất cứ hành động nào để hạ nhiệt lạm phát, vốn leo thang sau hàng loạt biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Fed bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo tăng trưởng việc làm nhưng không đẩy giá cả leo thang hơn nữa.
Hơn nữa, tính độc lập của các ngân hàng trung ương với chính trị đang được công chúng chú ý.
Trong hầu hết năm bầu cử, đảng đương nhiệm thường khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế vẫn đang mạnh mẽ. Còn phe đối lập chỉ ra nền kinh tế đã suy yếu. Năm nay, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, cho biết việc Fed cắt giảm lãi suất là "tin đáng mừng cho người Mỹ".
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden cũng khẳng định “lạm phát và lãi suất điều hành đều giảm, trong khi nền kinh tế vẫn vững mạnh”. Ở chiều ngược lại, ông Trump lập luận rằng việc cắt giảm lãi suất “cho thấy nền kinh tế đang rất tệ hại”.
Sau cắt giảm, lãi suất điều hành tại Mỹ ở mức thấp nhất kể từ cuộc họp chính sách tháng 3 năm ngoái. Ảnh: Investing.com. |
Theo nghiên cứu của ông Joseph Lupton, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại JPMorgan Chase & Co., ngoại trừ năm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kể từ thập niên 60, Fed chưa từng cắt giảm lãi suất sát cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Powell đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các quyết định chính sách của Fed hoàn toàn dựa trên những phân tích cơ bản đối với nền kinh tế. Tại cuộc họp báo hồi tháng 9, khi được hỏi về cuộc bầu cử sắp tới, ông một lần nữa nhấn mạnh rằng Fed sẽ không để các yếu tố chính trị tác động đến quá trình ra quyết định.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Chủ tịch Fed Powell. Hồi tháng 8, ông cho biết một tổng thống nên "có tiếng nói" về chính sách tiền tệ. Đây là một quan điểm gây tranh cãi.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Thượng nghị sĩ Kevin Cramer của đảng Cộng hòa không đồng tình với ứng viên tổng thống đảng này về tính độc lập của Fed.
"Tính độc lập của Fed chắc chắn nên được giữ nguyên", ông nhấn mạnh.
Bước đi tiếp theo của Fed
Fed vẫn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế. Các quan chức của ngân hàng trung ương hy vọng rằng họ có thể thực hiện một "cú hạ cánh mềm", tức là đưa lạm phát về mức mục tiêu nhưng không gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.
Trên thực tế, theo CNBC, các dữ liệu chính thức trong tháng 9 cho thấy nền kinh tế Mỹ đang dần thoát khỏi bóng đêm suy thoái. Tăng trưởng việc làm tốt hơn dự kiến với mức tăng 254.000 việc làm, cao hơn đáng kể so với dự đoán của nhóm chuyên gia tại Dow Jones là 150.000 việc làm.
Điều này có nghĩa là Fed sẽ rộng cửa hơn với một "cú hạ cánh mềm". Các dữ liệu mới nhất cũng gần như loại bỏ khả năng ngân hàng trung ương Mỹ một lần nữa cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiếp theo.
"Báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến sẽ dập tắt mọi cơ hội cho việc Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất mạnh tay. Theo những gì được phản ánh trên thị giá, nhà đầu tư đã loại bỏ khả năng lãi suất điều hành giảm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11. Các dữ liệu chỉ ra nền kinh tế Mỹ vẫn đang trụ vững", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com - nhận định với Tri Thức - Znews.
Dù vậy, các quan chức Fed vẫn cực kỳ cảnh giác với rủi ro từ cả hai phía. Việc cắt giảm lãi suất quá mạnh tay sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát. Ở chiều ngược lại, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao đột biến.
Chính sách tiền tệ thắt chặt có thể dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao đột biến. Ảnh: Erik Pendzich/Shutterstock. |
Bản thân báo cáo việc làm tháng 9 cũng có một số điểm đáng chú ý. Hơn 60% mức tăng trưởng vẫn đến từ khu vực thực phẩm, đồ uống, chăm sóc sức khỏe và khu vực công. Tỷ lệ phản hồi từ những người tham gia khảo sát thấp cũng có thể không cho thấy một bức tranh đầy đủ.
"Dư luận sẽ thay đổi rất nhanh, nhưng cuối cùng, nó sẽ được định hình bởi thành công lâu dài của các chính sách. Vì vậy, Fed cần đảm bảo rằng mọi quyết định đều dựa trên cơ sở dữ liệu và phân tích kỹ lưỡng, chứ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố chính trị nào", Bloomberg dẫn lời ông Randal Quarles, cựu Phó chủ tịch phụ trách giám sát của Fed, khẳng định.
Trong những năm qua, một số tranh cãi đã khiến cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tăng cường giám sát Fed. Một trong số đó là những quyết định chính sách không hợp lý của các nhà hoạch định trong thời kỳ đại dịch, và những lỗ hổng trong giám sát đã dẫn đến sự sụp đổ của Silicon Valley Bank.
"Xét trên khía cạnh chính trị, Fed đã dễ tổn thương hơn nhiều so với những thập kỷ trước", ông Ernie Tedeschi, chuyên gia kinh tế từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Biden, nhận định.
"Nếu họ 'hạ cánh mềm' thành công, sẽ không ai nhớ đến phản ứng chậm chạp của họ ban đầu. Nhưng nếu không, nó có thể trở thành bài học xương máu", ông bình luận.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Hoặc