Tôi tên Phương Khánh Dư, là một đứa trẻ lớn lên từ nông thôn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, vì muốn kiếm được mức lương cao nên tôi đã chọn vào làm ở một nhà máy thép quốc doanh. Những năm đầu tôi sống khá thoải mái và kiếm được nhiều tiền hơn hầu hết các bạn cùng lớp. Khi đó, nhiều bạn cùng lớp của tôi đã chọn làm nhà nước, một số trở thành giáo viên, một số trở thành cán bộ, lương và phúc lợi của hầu hết bọn họ không bằng tôi.
Các bạn cùng lớp biết rằng tôi đã tìm được một công việc tốt. Khi họ cần vay tiền để kết hôn hoặc sinh con, họ đều nghĩ đến tôi đầu tiên và tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ họ nếu tôi có thể. Mối quan hệ của tôi và các bạn học đều rất tốt. Vì tôi lớn hơn họ một chút nên họ đều gọi tôi là "anh".
Làm việc ở nhà máy thép rất vất vả, đặc biệt là vào mùa hè, xưởng cực kỳ nóng bức, nhưng để kịp tiến độ sản xuất, chúng tôi không dám nghỉ ngơi. Tôi làm nhân viên thống kê trong một xưởng, điều kiện tốt hơn so với công nhân tuyến đầu nhưng nhiệt độ cao trong xưởng thực sự không thể chịu nổi. Nếu không phải vì lương cao, có lẽ tôi đã nghỉ việc từ lâu.
Tuy nhiên, khoảng thời gian tốt đẹp đó không kéo dài được lâu. Năm 1992, dưới ảnh hưởng của xu hướng tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, nhà máy bắt đầu sa thải người. Thật không may, tôi trở thành một trong những công nhân đầu tiên bị mất việc. Kể từ đó, cuộc sống của gia đình tôi tụt dốc không phanh.
Lúc đó tôi đã có hai đứa con, đứa nhỏ mới hơn một tuổi. Vợ tôi ở nhà làm nội trợ, chăm sóc các con. Cả gia đình bốn người chỉ trông chờ vào lương của tôi để duy trì cuộc sống, giờ tôi thất nghiệp, cả nhà ăn cơm cũng thành vấn đề.
Khoảng thời gian đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi vào nhà máy làm ngay sau khi tốt nghiệp và không có kỹ năng nào khác. Đột nhiên mất việc khiến tôi cảm thấy rất bất lực, không biết phải làm gì, hàng ngày sống trong trạng thái mơ mơ màng màng.
Sau này, thấy gia đình quá khó khăn nên tôi không còn cách nào khác là phải tìm việc làm ở một xưởng sản xuất kính tư nhân, không những lương thấp mà còn phải làm thêm giờ. Lúc này, những người bạn cùng lớp đã tốt nghiệp cùng tôi và vào công chức dần dần leo lên vị trí lãnh đạo, so với họ, tôi kém xa.
Tôi vẫn giữ liên lạc với một số bạn học thân thiết, những người bạn học này có người trở thành hiệu trưởng, có người trở thành viên chức nhà nước, mặc dù họ có tương lai rộng mở, nhưng họ vẫn rất tốt với tôi, chưa bao giờ coi thường tôi. Trong mắt tôi, họ giống như anh em của tôi, chúng tôi đã sống và học tập cùng nhau bốn năm, tình cảm giữa chúng tôi là vô giá.
Nhiều năm sau, với sự phổ biến của điện thoại di động và Internet, chúng tôi liên lạc thường xuyên hơn. Vương Đông Lâm, bạn cùng bàn của tôi, cũng thành lập một nhóm chat và thêm mười mấy người bạn thân thiết vào. Chúng tôi trò chuyện gần như hàng ngày, thậm chí còn bàn luận cả việc tối nay ăn gì.
Doanh nghiệp tư nhân có một nhược điểm, đó là bạn không bao giờ biết khi nào họ sẽ không thể tiếp tục kinh doanh và phá sản. Tôi không phải là người thích thay đổi công việc thường xuyên, nhưng do công ty giải thể, tôi đã đổi ba bốn công việc. Mỗi lần tìm được công việc mới đều phải bắt đầu lại từ đầu, lương lại không ổn định, khiến tôi rất lo lắng.
Mức lương cao nhất tôi nhận được từ những công ty này là 4.000 tệ (khoảng 14 triệu đồng) và không có bảo hiểm. Tôi không nỡ tiêu tiền lương, toàn bộ đều đưa cho vợ, để cô ấy dành dụm cho con cái. Về việc sau này già cả sống thế nào, chúng tôi chưa từng nghĩ đến.
Sau khi con cái lập gia đình, chúng quan tâm đến chúng tôi rất nhiều, thường xuyên mua đồ ăn thức uống ngon về. Nhưng tôi biết, việc mưu sinh không dễ dàng, đặc biệt là khi vừa có con nhỏ nên mỗi lần chúng về nhà, tôi đều bảo vợ lén lút đưa cho chúng vài trăm, để giảm bớt áp lực tài chính cho chúng.
Những năm qua, để tổ chức đám cưới cho con trai, tôi đã tiêu hết tiền tiết kiệm gom góp nhiều năm. Đến khi lo xong hết chuyện chung thân đại sự của con cái thì tôi đã ngoài 50 tuổi rồi, không còn sức nữa, vấn đề về hưu đã không thể trì hoãn.
Tôi và vợ bàn bạc rằng khi nào tôi già, không thể đi làm ở nhà máy nữa, tôi sẽ tìm một công việc dọn dẹp, mỗi tháng lương 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng) là đủ cho hai người chúng tôi sống, miễn là không làm phiền đến con cái, không tăng thêm gánh nặng cho chúng.
Thành thật mà nói, khi người ta già đi, họ sẽ luôn cảm thấy hoài niệm về quá khứ một cách vô thức. Sau 50 tuổi, tôi thường mơ về người và việc trong quá khứ vào ban đêm. Tôi thực sự muốn tranh thủ lúc đầu óc còn minh mẫn để gặp lại những người bạn cũ.
Trùng hợp làm sao, trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm ngoái, bạn học cũ Vương Đông Lâm bất ngờ đăng một tin nhắn trong nhóm, nói rằng cậu ấy sẽ đứng ra tổ chức buổi họp mặt đại học đầu tiên sau khi nghỉ hưu, đồng thời nói rõ vấn đề chi phí sẽ được giải quyết như thế nào. Để chơi được vui nhất, chúng tôi quyết định chia đều tiền, mỗi người trả 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng), thừa thì trả lại còn thiếu thì đóng thêm sau và buổi họp mặt sẽ kéo dài trong 3 ngày.
Sau thảo luận, địa điểm gặp mặt được xác định tại nơi chúng tôi từng học – Tế Nam, Sơn Đông - cách xa Cát Lâm nơi tôi đang sống hơn 1.500km. Ngoài ra, còn có một mục quan trọng trong buổi họp mặt, đó là về thăm trường cũ.
Sau khi xem kế hoạch cho buổi gặp mặt, tôi phấn khích đến mức mất ngủ mấy ngày. Tôi kể cho gia đình nghe về việc tham gia buổi họp lớp nhưng vợ tôi phản đối và nói với tôi: "Bạn bè anh giờ ai cũng sống tốt, lương lậu cao vút. Anh không có công việc chính thức, không thể so sánh với họ đâu. Đi rồi anh không sợ bị họ phớt lờ à?".
Lời nói của vợ như dội một gáo nước lạnh vào người tôi, tôi lập tức bình tĩnh lại. Đã lâu không gặp, tôi thực sự sợ các bạn cùng lớp sẽ coi thường mình. Con gái tôi đứng bên cạnh không đồng tình với cách nghĩ của vợ tôi, con bé nói: "Bố đã mong chờ buổi họp mặt này đã lâu rồi, nếu không đi lần này chắc chắn bố sẽ hối hận, chắc gì còn cơ hội nào khác. Con nghĩ bố cứ đi đi, coi như để thỏa lòng mong ước, nếu đi mà không vui thì sau này mình không đi nữa".
Nghe lời con gái, tôi bỗng hiểu ra. Bình thường tôi ở nhà cũng không mấy chú ý đến việc ăn mặc, trong mắt người ngoài, tôi trông cứ như ông cụ 70, tóc bạc, lưng còng nên có phần tự ti. Dưới sự yêu cầu của con gái, lần đầu tiên tôi đến tiệm làm tóc để nhuộm tóc. Tôi nhuộm tóc từ bạc thành màu đen, lập tức trông trẻ ra 20 tuổi. Tôi còn dành cả ngày để chuẩn bị, tôi mua một đôi giày da mới, một bộ quần áo mới, còn trang trọng hơn cả dịp Tết.
Trước ngày Quốc Khánh một ngày, tôi ra ga mua vé tàu. Để tiết kiệm chi phí, tôi không đi tàu cao tốc mà chọn tàu thường giá rẻ, ghế cứng, hành trình mất nhiều thời gian hơn, khoảng tầm 9 tiếng đồng hồ. Con gái tôi lo tôi không chịu được nên muốn mua cho tôi vé giường nằm. Tôi thấy vé giường nằm đắt hơn vé ngồi nhiều nên không cho con bé đổi vé.
Chỉ khi lên tàu tôi mới nhận ra quãng đường đó khó khăn đến nhường nào. Dù rất mệt nhưng tôi hào hứng đến mức không muốn nhắm mắt nghỉ ngơi. Mỗi khi nhắm mắt lại tôi lại nghĩ về thời sinh viên, nhìn cảnh vật ngoài cửa sổ lướt qua, trong lòng không ngừng cầu nguyện để cho tàu chạy nhanh hơn.
Tôi đã chia sẻ hành trình của mình trong nhóm chat, điều cảm động là các bạn ở Tế Nam ngay lập tức trả lời tôi, nói rằng họ sẽ đến ga đón tôi. Sự nhiệt tình của các bạn học khiến tôi rất cảm động.
Khi màn đêm buông xuống, đoàn tàu cuối cùng cũng dừng ở ga Tế Nam. Nhìn thành phố mà tôi đã nhiều năm không gặp này, tuy có rất nhiều tòa nhà cao tầng mới mọc lên nhưng trong lòng tôi lại thấy gần gũi đến lạ.
Vừa bước ra khỏi cửa ga, tôi nhìn thấy một người đàn ông cầm tấm biển có tên tôi trên đó và nhanh chóng bước tới. Dù người bạn cùng lớp này đã thay đổi rất nhiều, nhưng tôi vẫn nhận ra ngay lập tức, cậu ấy chính là bạn cùng bàn của tôi ngày xưa, Vương Đông Lâm.
Sau khi nhận ra nhau, chúng tôi ôm nhau thật chặt, rơi nước mắt vì nhớ nhung. Vương Đông Lâm chở tôi đến một khách sạn sang trọng. Nói thật, đây là lần đầu tiên tôi vào một khách sạn tốt như vậy, nếu không có sự chỉ dẫn của các bạn cùng lớp, cá rằng tôi sẽ chẳng dám tự mình bước vào. Có thể thấy, khoảng cách cuộc sống giữa tôi và họ quả thực rất lớn. Họ đã quen với những khách sạn xa hoa như vậy, còn tôi thì lo lắng đủ điều. Khi vào phòng, tôi nhanh chóng đưa cho Vương Đông Lâm số tiền 2.000 tệ. Sự căng thẳng và e dè của tôi có vẻ như đã khiến cậu ấy không khỏi ngạc nhiên.
Hôm đó chúng tôi có khoảng chục người, gần như các thành viên trong nhóm chat đều đến. Cả nhóm đều có mối quan hệ rất thân thiết. Chúng tôi đặt một phòng riêng rộng rãi, đồ ăn rất phong phú, nhiều món tôi chưa từng nếm thử bao gồm hải sâm, bào ngư và vây cá mập. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn những món này nên không biết làm thế nào để ăn, chính Vương Đông Lâm đã ngồi cạnh tôi và kiên nhẫn dạy tôi cách ăn từng món một.
Trên bàn ăn, các bạn cũ không hề chế giễu vì sự vô tri của tôi mà ngược lại, họ quan tâm tôi từng li từng tí. Ngày hôm đó chúng tôi đã uống rất nhiều và nói về những điều thú vị thời đi học. Sau bữa tối, chúng tôi còn tranh thủ ghé về thăm trường cũ. Mọi thứ thay đổi rất nhiều nhưng hồi ức thì dường như vẫn còn vẹn nguyên.
Màn đêm buông xuống, mọi người tụ tập trong phòng để trò chuyện. Hầu hết bạn học của tôi là những lãnh đạo đã nghỉ hưu, thường lúc làm việc rất uy nghiêm, nhưng lúc này không hề có vẻ gì cao ngạo. Họ rất tôn trọng tôi, luôn gọi tôi là "anh cả", "anh Phương", khiến tôi cảm thấy ấm áp trong lòng.
Những người bạn học này biết rằng tôi chưa thành công trong sự nghiệp, họ chủ động đề nghị giúp đỡ tôi. Sự chân thành của họ khiến tôi một lần nữa cảm nhận được sự quý giá của tình bạn cùng lớp.
Những giây phút vui vẻ luôn trôi qua nhanh chóng, buổi gặp mặt 3 ngày đã qua đi trong nháy mắt. Khi chia tay, chúng tôi hẹn nhau sẽ gặp lại mỗi năm một lần. Với lời hứa tốt đẹp đó, chúng tôi lưu luyến không muốn rời xa, tràn đầy mong đợi về những lần gặp gỡ sắp tới.
Vì tôi đi tàu nên Vương Đông Lâm chở tôi đến ga xe lửa, tôi đã đặt trước vé về và mua vé tàu phổ thông giá rẻ. Trước khi lên tàu, Vương Đông Lâm đưa cho tôi một món quà lưu niệm, trong đó có những bức ảnh chụp trong buổi họp mặt của chúng tôi mấy ngày qua, cũng như một bức ảnh tập thể bằng pha lê. Nhìn thấy những thứ này, tôi cảm động đến mức rưng rưng nước mắt.
Lên tàu, tôi cảm thấy rất bình tĩnh, không còn cảm giác bồn chồn như khi mới đến. Tôi thật may mắn khi được tham dự buổi họp lớp này, điều đó đã tạo thêm những kỷ niệm ngọt ngào cho những năm tháng sau này của tôi và không để lại chút tiếc nuối nào.
Sau nửa giờ tàu chạy, tôi chán chường ngắm cảnh tượng bên ngoài cửa sổ. Đúng lúc này, điện thoại trên bàn xuất hiện thông báo tin nhắn. Tôi mở ra thì phát hiện là tin nhắn của Vương Đông Lâm.
Vương Đông Lâm nói: "Anh Phương, dưới hộp quà có một tấm thẻ ngân hàng, bên trong có 50.000 tệ (khoảng 175 triệu đồng) . Đây là tình cảm của bọn em dành cho anh. Mật khẩu chính là sinh nhật của anh. 2.000 tệ chi phí họp lớp vốn bọn em không muốn anh trả đâu, nhưng sợ anh buồn rồi giận nên mọi người quyết định chia đều, mỗi người đóng 2.000 tệ".
"Những năm qua, mỗi khi bọn em gặp khó khăn, cần tiền, anh luôn giúp đỡ bọn em một cách vô tư, việc anh làm chẳng gì đưa than trong ngày tuyết lạnh cả. Giờ anh không ngần ngại cũng chẳng tính toán mà tham gia buổi hợp lớp, khiến bọn em vô cùng cảm động. Bọn em đều ghi nhớ và trân trọng tình bạn với anh!".
Sau khi đọc tin nhắn của Vương Đông Lâm, tôi lập tức bật khóc. Tôi không biết phải trả lời câu ấy như thế nào, chỉ biết cảm xúc của mình lúc này là không thể diễn tả bằng lời.
Tôi trở về nhà với vô vàn cảm xúc khác nhau và rất nóng lòng được chia sẻ trải nghiệm về buổi họp lớp này với gia đình mình.
Khi vợ tôi biết tất cả những gì các bạn học đã làm cho tôi, cô ấy cũng cảm động đến rơi nước mắt. Cô ấy nói với đôi mắt đẫm lệ: "Em không ngờ tình bạn của các anh lại chân thành đến vậy. Anh hài lòng khi có được những người bạn tốt như vậy trong đời".
Tình bạn thời học sinh trong hành trình cuộc đời vô cùng quý giá, nó chứng kiến sự phát triển của bạn từ yếu đuối đến mạnh mẽ, cũng chứng kiến những thăng trầm trong cuộc đời của bạn. Chúng ta quen biết nhau khi còn là những cậu bé, cô bé ngây thơ. Để rồi theo thời gian, chúng ta trở thành bạn bè, cùng nhau học tập, cùng nhau phấn đấu rồi cùng nhau giúp đỡ, khiến cuộc sống của mỗi người trở nên phong phú và nhiều màu sắc hơn.
Theo Baijiahao
Hoặc