Sáng ngày 1/11, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Diễn đàn Quốc tế hoá Giáo dục Đại học lần thứ 7 với chủ đề: International Branch Campuses: New Approach for Multinational Higher Education Institutions in Emerging Countries (Các chi nhánh quốc tế: Cách tiếp cận mới cho các tổ chức giáo dục đại học đa quốc gia ở các nước đang phát triển).
Hiện nay với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu về giáo dục chất lượng cao, phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng gia tăng ở các quốc gia đang phát triển.
Việc các đại học uy tín trên thế giới thành lập các chi nhánh quốc tế (IBC) đã trở thành một giải pháp hữu hiệu nhằm tạo cơ hội cho sinh viên ở những nước đang phát triển tiếp cận chuyên môn và nguồn lực tiên tiến một cách trực tiếp. Cách tiếp cận này đánh dấu một bước đi quan trọng so với các mô hình toàn cầu hóa truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi văn hóa cũng như hợp tác nghiên cứu và đào tạo.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết các chi nhánh quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nền giáo dục đẳng cấp thế giới tại các quốc gia đang phát triển nói chung và tại Việt Nam nói riêng, giúp sinh viên tiếp cận tri thức toàn cầu mà không cần du học. Tuy nhiên việc thành lập và điều hành chi nhánh quốc tế của các trường ĐH không hề dễ dàng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định nhiều rào cản của các nhà đầu tư nước ngoài đã được giải quyết sau Nghị định 124/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành. “Thách thức lớn nhất hiện nay của các tổ chức giáo dục quốc tế là cần hợp tác hiệu quả với các đối tác trong nước để cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, nhà đầu tư trước khi quyết định mở trường cần xác định mục tiêu, có quyết tâm phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và tìm được đối tác phù hợp.
Tại diễn đàn, đại diện một số trường ĐH đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển thành công chi nhánh quốc tế cũng như khó khăn đang được nỗ lực tháo gỡ. Với Kühne Logistics University (KLU), ngôi trường vừa lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho Phân hiệu Đông Nam Á, thách thức đến từ việc xây dựng thương hiệu, để người học nhận diện và tin tưởng lựa chọn trường.
Kühne Logistics University có trụ sở tại Hamburg (Đức), được Hiệp hội phát triển các trường kinh doanh đại học (AACSB) chứng nhận thuộc top 5% các trường kinh doanh tốt nhất thế giới. Chương trình Thạc sĩ Quản lý chuỗi cung ứng của KLU được xếp hạng 51+ thế giới, theo bảng xếp hạng QS.
Để vượt qua thách thức này, ông Trịnh Việt Dũng, Giám đốc Phân hiệu Đông Nam Á KLU cho biết trường đang đẩy mạnh các hoạt động như tham gia Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE 2024), đào tạo ngắn hạn cho nhân lực của các doanh nghiệp và liên kết với trường ĐH trong nước mở chương trình liên kết, nhằm mở rộng mạng lưới đối tác, định vị thương hiệu trường.
“KLU hợp tác với ĐH Bách khoa TP.HCM mở chương trình liên kết cho khóa Thạc sĩ đầu tiên dự kiến vào tháng 9/2025. KLU đóng vai trò xây dựng chương trình giảng dạy chất lượng riêng cho các trường ĐH còn đối tác địa phương sẽ giúp chúng tôi trong việc tạo dựng danh tiếng trường trong khu vực”, ông Trịnh Việt Dũng chia sẻ.
Xuyên suốt các phiên thảo luận, các diễn giả thống nhất việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, nắm bắt các cơ hội, giải quyết thách thức và đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng là những yếu tố cốt lõi để phát triển các chi nhánh quốc tế tại các quốc gia mới nổi, đặc biệt là Việt Nam.
Việc thành lập phân hiệu ĐH tại các thị trường mới nổi đi kèm với những yêu cầu phức tạp và đòi hỏi phải linh hoạt thích ứng với môi trường văn hóa và xã hội mới. Điều quan trọng là các tổ chức giáo dục cần liên tục cải tiến phương pháp giảng dạy và thực hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của sinh viên và yêu cầu của bức tranh giáo dục toàn cầu.
Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác liên tục để tạo ra một hệ sinh thái giáo dục liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học, chính phủ và doanh nghiệp, nhằm cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học và đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa, hỗ trợ phát triển địa phương.
Hoặc