“Nhiều đoàn khảo sát tới nhưng đều lắc đầu…”
Há Mùa Lừ là một bản người dân tộc H'Mong gồm 52 hộ dân với khoảng 411 nhân khẩu. Bản nhỏ xinh xắn nằm trên một ngọn núi trong lòng hồ sông Đà. Để vào được điểm trường phải đi bằng thuyền khoảng 17km đường thuỷ, và tiếp tục di chuyển thêm 3km đường núi.
Trường mầm non Há Mùa Lừ cũng là điểm trường khó khăn nhất trong 9 điểm trường thuộc xã Sá Tổng với số lượng học sinh lên đến gần 80 em nhưng chỉ có 2 lớp học, các cô phải chia 1 lớp sang học nhờ tại trường Tiểu học kế bên. Ở đây không có điện. Các em bé từ nhỏ tới lớn phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn.
Vì là điểm trường lắp ghép nên mùa hè thì nóng mà mùa đông thì lạnh, điểm trường không có nhà công vụ cho giáo viên, các cô còn phải đi ngủ nhờ vô cùng vất vả. Nhà bếp được đặt tạm bợ bên hông nhà, nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn.
"Đã có nhiều đoàn khảo sát tới nhưng đều lắc đầu không thể xây dựng vì khó khăn quá" - các cô tại điểm trường cho hay.
Tháng 3 năm 2024, nhận được nhiều nguồn thông tin về sự khó khăn tại điểm trường mầm non Há Mùa Lừ, chị Đặng Thị Thu Thủy cùng một số thành viên đại diện Quỹ Đèn Đom Đóm đã lên tận nơi để khảo sát tình hình và quyết định bắt đầu triển khai dự án xây dựng trường học kiên cố tại đây vào tháng 4 ngay sau đó.
Phần lớn thành viên trong tổ chức Quỹ Đèn Đom Đóm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, vì vậy họ hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục trong công cuộc phát triển đất nước Việt Nam.
Với dự án "Mang trường lên bản", Quỹ Đèn Đom Đóm mong muốn tạo ra một môi trường giáo dục chất lượng, đáp ứng đầy đủ điều kiện phát triển cho các em học sinh tại bản Há Mùa Lừ, lâu dài có thể được nhân rộng ra các khu vực lân cận trong tỉnh Điện Biên và các vùng dân tộc thiểu số khác.
Các thành viên Quỹ Đèn Đom Đóm trong quá trình khảo sát, xây dựng và khánh thành trường học
Dự án không chỉ tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn nhấn mạnh vào việc tạo ra một môi trường học tập tích cực, giúp các em cảm thấy được khuyến khích, động viên và tiếp động lực. Bằng cách cải thiện điều kiện học tập, dự án hy vọng sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng người dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của giáo dục, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại các khu vực vùng cao.
“Chúng tôi dành sự quan tâm, đóng góp từ mỗi thành viên trong tổ chức và kêu gọi tài trợ từ các mạnh thường quân. Bên cạnh đó, Quỹ Đèn Đom Đóm cũng đồng thời triển khai các chương trình gây quỹ như sản xuất và bán các sản phẩm mang tính ứng dụng cao, tổ chức liveshow âm nhạc,... nhằm huy động kinh phí xây dựng điểm trường mới. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ xây dựng được một hệ thống giáo dục bền vững và công bằng, tương lai sẽ giúp cho trẻ em nơi vùng sâu, vùng xa, bất kể hoàn cảnh hay điều kiện sống khó khăn đều có cơ hội được đến trường và học tập”, chị Thu Thủy chia sẻ về dự án.
Từ ý tưởng của các cô giáo, người dân bản Sá Tổng quyết định hiến đất
Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự ra đời của dự án "Mang trường lên bản" điểm trường mầm non Há Mùa Lừ chính là tình trạng yếu kém về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và sự hạn chế về nguồn lực tài chính.
Cuộc sống thiếu thốn của đồng bào địa phương và địa hình hiểm trở gây khó khăn trong trong việc đi lại, vận chuyển nguyên vật liệu,... đều trở thành những thách thức lớn khi triển khai dự án.
Điểm đặc biệt của dự án Xây dựng điểm trường Há Mùa Lừ là nhận được sự đồng thuận của người dân bản Sá Tổng trong việc hiến đất để tăng diện tích phòng học, diện tích sân chơi cho các em học sinh. Đây là một nội dung chưa từng có trong các dự án trước đây vì thông thường Đèn Đom Đóm chỉ xây dựng trên phần đất đã được cấp phép.
Ý tưởng này đến từ các cô giáo tại điểm trường và sự vận động của chính quyền địa phương cùng Đèn Đom Đóm.
Điểm trường Há Mùa Lừ sử dụng hệ thanh lam chắn có màu sắc bắt mắt vừa giúp hạn chế gió và mưa trong khu vực bếp và lớp nhưng vẫn tạo nên sự thân thiện trong thiết kế, giúp các con học sinh cảm thấy vui thích khi được sinh hoạt tại trường.
Mục tiêu chính của dự án là xây dựng trường học kiên cố và tạo ra môi trường học tập an toàn, thuận lợi cho các em học sinh tại điểm trường mầm non Há Mùa Lừ. Trường học được thiết kế với cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tiện nghi bao gồm: các lớp học rộng rãi, đầy đủ sách vở, đồ chơi, trang thiết bị,... các khu vực sân chơi, bếp ăn, nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển toàn diện cho các em.
Sau hoàn thành dự án, đây sẽ là "bước đà" vững chắc để Quỹ Đèn Đom Đóm tiếp tục triển khai các dự án xây dựng trường học tại các khu vực lân cận, nơi vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn trên khắp đất nước, kỳ vọng về một tương lai tất cả trẻ em Việt Nam được tiếp cận với giáo dục cơ bản, được học tập và trưởng thành trong điều kiện tốt nhất.
Chuẩn bị đêm nhạc mang chất liệu chữa lành
Dự án "Mang trường lên bản" điểm trường mầm non Há Mùa Lừ bao gồm 3 giai đoạn chính, bắt đầu triển khai từ tháng 3 năm 2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12 năm 2024:
Trong đó, giai đoạn 1 là khảo sát và quyết định xây dựng; giai đoạn 2 là xây dựng và kêu gọi ủng hộ; giai đoạn 3 là hoàn thành và khánh thành điểm trường mới.
Song song với việc xây dựng tại điểm trường, Quỹ cũng tiến hành kêu gọi tài trợ và ủng hộ mạnh mẽ cho dự án từ các mạnh thường quân trên khắp cả nước như Gian hàng gây quỹ "Áo mới cho bạn, Trường mới cho em".
“Chúng tôi cam kết 100% lợi nhuận từ mỗi đơn hàng đều được dùng để xây dựng trường học và mua sắm trang thiết bị học tập cho các em học sinh tại điểm trường mầm non Há Mùa Lừ. Tại chương trình, chúng tôi đã cho ra mắt bộ sưu tập thời trang thiết kế gồm các sản phẩm Áo và Túi "Be Kind", được lấy nguồn cảm hứng từ hành trình thiện nguyện tử tế của Quỹ Đèn Đom Đóm. Với ý tưởng "tích tiểu thành đại" - chỉ từ 59.000vnđ/ sản phẩm, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu một món đồ thời trang chất lượng, đồng thời “hùn vốn” cùng Quỹ Đèn Đom Đóm xây dựng trường học kiên cố cho các em nhỏ tại bản Há Mùa Lừ, mang ánh sáng tri thức về nơi vùng sâu vùng xa - bất kỳ ai cũng có thể tạo ra giá trị cho cộng đồng”, Đại diện Quỹ cho biết.
Ngoài ra, Liveshow Đêm nhạc Gây Quỹ sẽ được dự kiến tổ chức vào tháng 11/2024.
Không chỉ dừng lại là một sự kiện giải trí, chương trình âm nhạc mang một sứ mệnh vô cùng ý nghĩa khi kết hợp giữa việc: Bán vé nghe nhạc; Gian hàng gây quỹ với các sản phẩm độc quyền lấy cảm hứng từ hành trình thiện nguyện tử tế của Quỹ Đèn Đom Đóm và mang tính ứng dụng cao (áo thun, túi tote, lịch để bàn); Đấu giá tranh nghệ thuật,... trong cùng một chương trình nhằm mục đích huy động kinh phí cho Dự án chính "Mang trường lên bản".
Đồng thời, chương trình mong muốn tạo nên sự kết nối sâu sắc, bền chặt giữa Quỹ Đèn Đom Đóm và các Mạnh Thường Quân luôn quan tâm, dõi theo đồng hành. Thông qua chương trình, Quỹ Đèn Đom Đóm hy vọng có thể tạo nên một đêm nhạc mang chất liệu chữa lành và thực sự chạm đến trái tim khi tất cả đều hướng đến một mục đích cao cả là mang ánh sáng tri thức về gần hơn với các em nhỏ vùng cao.
Về lâu dài, dự án mong muốn tạo ra sự thay đổi bền vững trong nhận thức của người dân tại bản Há Mùa Lừ nói riêng và các vùng lân cận, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung về tầm quan trọng của học tập đối với trẻ em. Bằng cách đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, dự án hy vọng không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mong muốn góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương.
Sự thành công của dự án có thể tạo ra mô hình để tiếp tục nhân rộng, từ đó giúp cho hàng triệu trẻ em vùng cao có cơ hội được học tập và phát triển, hướng tới một tương lai tươi sáng.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, , Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây
Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Hoặc