
Ông Nghiêm Đức Dương, Phó Tổng Giám đốc BSR kiêm Trưởng ban DQRE kiểm tra hồ sơ FEED.
Ban Quản lý Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (DQRE) - Chi nhánh trực thuộc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết đã nhận bàn giao Hồ sơ thiết kế kỹ thuật tổng thể điều chỉnh (FEED) và tổng dự toán xây dựng công trình dự án từ nhà thầu Foster Wheeler (Thailand) Limited (thuộc tập đoàn Wood, Anh Quốc).
Hợp đồng FEED có hiệu lực kể từ ngày 4/10/2024. Như vậy, sau 7 tháng, hồ sơ FEED đã hoàn thành. Khối lượng của bộ hồ sơ FEED là 207 quyển (207 volume), bao gồm 6 phần : Thông tin chung về dự án, thông tin thiết kế kỹ thuật, các quy trình, tiêu chuẩn thiết kế dự án, hồ sơ thiết kế kỹ thuật cơ sở (BEDP) và các tài liệu khác.
Nhà thầu Foster Wheeler (Thailand) Limited đã phát triển hồ sơ tài liệu thiết kế tuân thủ các quy chuẩn tiêu chuẩn quy định về an toàn môi trường (HSE), phòng chống cháy nổ, đánh giá định lượng rủi ro (QRA), đánh giá tác động môi trường theo quy định của Việt Nam và các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt trên thế giới, để bảo đảm nhà máy vận hành an toàn và hiệu quả.

BSR/DQRE nhận bàn giao hồ sơ FEED từ nhà thầu Foster Wheeler (Thailand) Limited (thuộc tập đoàn Wood, Anh Quốc).
Dự án Nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (dự án điều chỉnh) nhằm nâng cao năng lực chế biến lên mức 171.000 thùng/ngày , thông qua việc bổ sung, cải hoán và nâng cấp hàng loạt phân xưởng công nghệ, phụ trợ và ngoại vi.
Cụ thể, dự án sẽ bổ sung 6 phân xưởng công nghệ bản quyền mới, bao gồm: Phân xưởng xử lý xăng bằng hydro (GHDT), Phân xưởng xử lý diesel bằng hydro (DHDT), Phân xưởng alkyl hóa, Phân xưởng sản xuất hydro (HGU), và hai phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (SRU3 và SRU4). Đồng thời, sẽ bổ sung 2 phân xưởng công nghệ không bản quyền là Phân xưởng xử lý nước chua (SWS2) và Phân xưởng tái sinh amin (ARU2).
Bên cạnh đó, nhiều phân xưởng hiện hữu sẽ được điều chỉnh, cải hoán để đáp ứng công suất tăng thêm, gồm: Phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU); cracking xúc tác tầng sôi (RFCC); Phân xưởng xử lý naptha bằng hydro (NHT); Phân xưởng isome hóa (ISOM); Phân xưởng reforming xúc tác liên tục (CCR); Phân xưởng thu hồi propylen (PRU); Phân xưởng xử lý dầu hỏa (KTU); Phân xưởng xử lý khí hóa lỏng (LTU); Phân xưởng xử lý dầu nhẹ bằng hydro (LCO-HDT).
Ngoài ra, các hạng mục phụ trợ và ngoại vi cũng sẽ được cải hoán hoặc lắp đặt mới nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành ổn định và hiệu quả cho công suất chế biến mở rộng của toàn nhà máy.
Việc hoàn thành FEED đúng kế hoạch là một bước tiến quan trọng giúp BSR/DQRE đạt các mục tiêu của Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất đó là nâng công suất chế biến của nhà máy lọc dầu hiện hữu từ 148.000 thùng/ngày hiện nay lên 171.000 thùng/ngày; tăng độ linh động chế biến dầu thô, sản xuất các sản phẩm nhiên liệu (xăng, DO) đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro V.

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được coi là "thỏi nam châm" thu hút giới đầu tư, cũng là "bản lề" thay đổi cơ cấu kinh tế Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông sang phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp.
Trong năm 2025, BSR đặt mục tiêu sản xuất 6,69 triệu tấn sản phẩm, doanh thu hợp nhất 114.654 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 752 tỷ đồng. Trải qua 3 tháng đầu năm, công ty đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 31.863 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 30.696 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Hoặc