Trong thời đại công việc vận hành phần lớn qua các nhóm chat, cách bạn gõ một dòng tin nhắn cũng đủ để phản ánh rõ chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) của bạn đến đâu. Có người chỉ cần gửi một biểu tượng cảm xúc, cả nhóm thấy thoải mái. Có người vừa nhắn vài chữ, không khí bỗng trùng xuống thấy rõ. Vậy đâu là khác biệt?
Một bạn trẻ từng đặt câu hỏi cho ChatGPT: "Tôi mới đi làm, chưa biết cách cư xử trên nhóm chat công ty sao cho khéo. Có những nguyên tắc nào giúp tôi vừa thể hiện được sự chuyên nghiệp, vừa không bị đánh giá là vô duyên hay EQ thấp không?".
Chatbot này đã đưa ra một câu trả lời rất đáng lưu tâm. Dưới đây là 3 kiểu nhắn tin nhóm đơn giản mà hiệu quả, khiến bạn ghi điểm cực mạnh với đồng nghiệp:
1. Nhắn "cảm ơn" đúng lúc, đúng người, không để mọi thứ trôi qua như thể chuyện đương nhiên
Trong nhóm chat công việc, nhiều người có thói quen đọc tin xong là... lướt. Người khác chia sẻ tài liệu, nhắc nhở deadline, xử lý giúp một lỗi nhỏ nhưng nhóm vẫn yên ắng như không. Việc thiếu một lời cảm ơn khiến người chủ động chia sẻ cảm thấy bị coi thường, còn người ngoài cuộc cũng thấy không khí thiếu thiện chí.
Người EQ cao sẽ không để sự tử tế của người khác bị rơi vào im lặng. Họ luôn biết dành một dòng "Cảm ơn bạn nhiều nhé!", hoặc nếu quá bận, vẫn cố gắng thả một icon like (👍) hay thả tim (❤️) để bày tỏ sự ghi nhận. Thói quen này không chỉ khiến người khác vui lòng, mà còn giúp bạn trở thành nhân vật dễ được yêu mến trong môi trường làm việc.
Điều quan trọng là phải đúng lúc và đúng người. Đừng cảm ơn tràn lan mọi thứ, vì như vậy sẽ mất đi sự chân thành. Nhưng khi một ai đó thực sự giúp công việc trôi chảy hơn, hãy để họ biết bạn ghi nhận điều đó.

Ảnh minh họa
2. Luôn xác nhận rõ khi nhận nhiệm vụ một cách ngắn gọn nhưng trách nhiệm
"Đã nhận", "Ok, mình sẽ làm phần này", hoặc "Để mình xử lý nhé"... những cụm từ tưởng nhỏ như vậy thực chất cực kỳ quan trọng. Nhóm chat là môi trường dễ bị "bỏ sót" trách nhiệm nếu không ai xác nhận rõ mình đảm nhận phần nào. Đó là lý do những người có EQ cao luôn chủ động xác nhận khi nhận việc.
Cách họ phản hồi không cần màu mè, không cần dùng quá nhiều icon hoặc ngôn từ nịnh nọt. Chỉ một câu rõ ràng, thể hiện rằng họ đã hiểu yêu cầu, sẵn sàng làm, và tôn trọng người giao việc. Đồng thời, việc này giúp nhóm phối hợp hiệu quả hơn vì ai cũng biết phần việc đang "nằm ở đâu".
Đừng để tình trạng "nói rồi mà không ai trả lời", hoặc "tưởng ai đó làm rồi" diễn ra chỉ vì bạn ngại gõ vài chữ. Một câu ngắn gọn mà đủ trách nhiệm là điều khiến bạn trở nên đáng tin và đó là một biểu hiện điển hình của EQ cao.
3. Biết "ghim lại" thông tin quan trọng không chỉ vì mình mà còn để giúp cả nhóm
Khi nhóm chat trôi quá nhanh, những thông tin quan trọng dễ bị chìm nghỉm giữa hàng loạt icon, ảnh GIF hay tin nhắn lan man. Người EQ cao không chỉ chăm chăm đọc cho riêng mình, mà còn có thói quen "ghim" hoặc nhắc lại những điều quan trọng để mọi người không bỏ lỡ.
Ví dụ: Sau khi trưởng nhóm giao 3 đầu việc chính cho tuần mới, họ có thể nhắn lại:
"Recap lại để mọi người dễ theo dõi nhé:
A xử lý phần báo cáo
B liên hệ đối tác
C follow khoản thanh toán
Deadline: thứ Sáu 5h chiều."
Chỉ cần làm vậy, họ đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian lục lại tin nhắn, đồng thời thể hiện mình là người biết nhìn tổng thể. Đó là một kiểu trí tuệ cảm xúc rất thực tế, hiểu được cảm giác của người khác và chủ động hành động để cả nhóm cùng thấy dễ chịu.

Ảnh minh họa
Kết
Trong nhóm chat công việc, người EQ thấp thường chỉ nói khi liên quan đến mình, hoặc nhắn tin theo cảm hứng, không để ý cảm xúc người khác. Còn người EQ cao sẽ chú ý trong từng tin nhắn. Họ không cần lúc nào cũng thốt ra lời hay ý đẹp nhưng luôn khiến người khác thấy yên tâm và dễ chịu.
Muốn trở thành một người đồng nghiệp được tin tưởng đôi khi chỉ cần bắt đầu từ những dòng tin nhắn nhỏ nhất. Vì chỉ số EQ không nằm ở đâu xa, nó nằm ở cách bạn gõ từng câu từng chữ có nghĩ đến cảm xúc người đọc hay không mà thôi.
Hoặc