Ẩm thực Việt Nam vốn nổi tiếng bởi sự phong phú, tinh tế và gắn liền với đặc trưng các địa phương. Thế nhưng bên cạnh những món ngon quen thuộc như phở, bún chả hay bánh mì, Việt Nam cũng sở hữu cả một "kho báu" ẩm thực với các món ăn vừa độc đáo, vừa khiến người ta... dè chừng ngay từ cái tên hay nguyên liệu.
Được mệnh danh là "đặc sản kinh dị", những món dưới đây không dành cho người yếu vía, nhưng lại khiến không ít tín đồ ẩm thực trầm trồ vì hương vị độc đáo sau lớp vỏ bề ngoài đầy thử thách.
Vũ nữ chân dài miền Tây - cái tên gây hiểu lầm, món ăn gây thương nhớ
Nghe qua, ai cũng nghĩ đây là một cụm từ với ý nghĩa khác. Nhưng thật ra "vũ nữ chân dài" là cách người miền Tây gọi vui món khô nhái chiên giòn - đặc sản của các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang.
Những con nhái đồng sau khi được sơ chế sạch sẽ sẽ mang đi ướp gia vị đậm đà rồi phơi khô, sau đó chiên giòn lên. Phần chân nhái khi chiên xong sẽ cong lên, giòn rụm, nhìn giống như đang "múa", nên người dân hài hước gọi là "vũ nữ chân dài".
Dù nghe tên hơi gây hiểu lầm, nhưng món này lại là đặc sản lai rai nổi tiếng, giòn, thơm và ngòn ngọt vị thịt đồng, ai từng thử đều gật gù nhớ mãi.


Gỏi cá nhảy Sơn La - món ăn thách thức độ can đảm
Cá thì hầu như ai cũng ăn, nhưng cá sống vừa bắt lên đã ăn ngay thì không phải ai cũng đủ can đảm. Gỏi cá nhảy - đặc sản của người Thái ở Sơn La - là món ăn đúng như tên gọi: cá vẫn còn tươi roi rói, thậm chí vừa "nhảy tanh tách" khi được đem đi chế biến.
Cá suối nhỏ được sơ chế nhanh tay, trộn với chanh, thính gạo, rau rừng và các gia vị đặc trưng. Nhờ sự kết hợp ấy, vị tanh của cá được khử bớt, thay vào đó là vị ngọt, bùi, thanh mát rất đặc trưng. Tuy nhiên, cảm giác ăn miếng cá còn sống luôn khiến không ít thực khách "toát mồ hôi hột", dù hương vị thì được đánh giá là hấp dẫn đến bất ngờ.

Chả rươi Hà Nội - món ngon mùa đông, nhưng nhìn nguyên liệu là có người bỏ chạy
Rươi là một loài vật với vẻ bề ngoài khiến nhiều người "nổi da gà": tròn, dài, mình mềm nhũn như giun nhưng có chân nhỏ li ti và lông tơ mượt. Vào mùa rươi, người Hà Nội hay làm chả rươi - món ăn được xem là "của hiếm" vì rươi không dễ bắt và cũng không thể nuôi nhân tạo.
Chả rươi được trộn với trứng, vỏ quýt, thì là, thịt băm và các gia vị rồi đem rán vàng. Khi ăn nóng, món này có vị béo ngậy, thơm thơm rất riêng, đặc biệt là mùi vỏ quýt khiến chả rươi càng thêm đặc trưng. Dù hình dạng con rươi dễ khiến thực khách lùi bước, nhưng ai đã ăn rồi thì thường "phải lòng" bởi cái hậu ngọt và béo bùi không lẫn đi đâu được.


Thịt chuột đồng miền Tây - nghe là sợ nhưng ăn là ghiền
Miền Tây vốn nổi tiếng với những món ăn dân dã mà độc đáo, trong đó thịt chuột đồng là món "gây tranh cãi" nhiều nhất. Nghe thì "rợn gáy", nhưng đây là món ăn lâu đời và được nhiều người miền Tây ưa chuộng.
Chuột được bắt từ những cánh đồng sau mùa gặt, sạch sẽ, ăn lúa nên thịt chắc và thơm. Chuột đồng sau khi làm sạch sẽ được chế biến thành nhiều món: nướng muối ớt, quay lu, xào sả ớt... Thịt chuột được miêu tả là dai, thơm, béo như gà ta, ăn rồi dễ "ghiền", đặc biệt là khi dùng kèm với rượu nếp.

Thắng cố Sa Pa - món canh "tổng hợp" khiến thực khách run tay
Nổi tiếng là món ăn truyền thống của người H'Mông ở Sa Pa, thắng cố là món "gây choáng" với nhiều thực khách vì nguyên liệ: tim, gan, lòng, phổi, dạ dày, tiết, thịt, thậm chí có cả ruột và xương của ngựa hoặc bò.
Tất cả được hầm trong một nồi lớn, nêm nếm với nhiều loại gia vị vùng cao như thảo quả, quế, hồi, sả, gừng... để át mùi. Món ăn này thường có mùi đặc trưng, rất nồng, khiến ai lần đầu thử đều phải "lấy hết can đảm". Nhưng một khi vượt qua rào cản tâm lý, thắng cố lại gây ấn tượng bởi vị béo, thơm, đậm đà, đặc biệt khi ăn giữa tiết trời lạnh giá vùng núi.

Dù bị gắn mác là "đặc sản kinh dị", nhưng với người dân bản địa, đây lại là những món ăn thân thuộc, gắn liền với vùng đất, mùa vụ và tập quán sống. Không phải ai cũng dám thử, nhưng cũng không ít người sau khi vượt qua được lớp "bề ngoài" đã phải trầm trồ vì hương vị rất riêng mà không món nào có được. Còn bạn, bạn đã từng thử món nào trong danh sách "rùng mình" này chưa?
Hoặc