Cảm thấy đau nhức
Báo VnExpress dẫn nguồn trang Livestrong cho biết, một đánh giá năm 2017 đăng trên Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng (Mỹ) cho thấy, đau cơ khởi phát chậm (DOMS) hay còn gọi hiện tượng "sốt cơ", là tình trạng cơn đau nhẹ gặp phải sau buổi tập cường độ cao hoặc mới tập.
Nếu cơn đau nhức tăng lên thì đó là một trong những dấu hiệu điển hình của việc cơ thể cần một ngày nghỉ ngơi. Đau nhức quá mức có thể là kết quả của tình trạng viêm và tổn thương mô, những tình trạng này đều yêu cầu cơ thể cần thời gian để sửa chữa và phục hồi. Ngoài ra, tập thể dục khi đang bị đau khiến cơ thể khó đạt kết quả tập luyện tốt, tăng nguy cơ chấn thương trong thời gian dài.
Nếu bị đau đến mức đi khập khiễng hoặc không vững, hãy nghỉ ít nhất từ một ngày đồng thời tập các bài kéo căng nhẹ hoặc sử dụng con lăn bọt để mau chóng phục hồi.
Mệt mỏi, cáu kỉnh
Tập thể dục là biện pháp tăng cường tâm trạng hiệu quả nhưng nếu tập luyện quá mức không để cơ thể nghỉ ngơi có thể sẽ gặp phải điều ngược lại. Lý do là vì tập thể dục hàng ngày (đặc biệt với cường độ quá cao) có thể làm tăng mức độ hormone căng thẳng trong cơ thể như cortisol và epinephrine. Điều này có thể dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố và gây ra tâm trạng thất thường và cáu kỉnh.
Cơ thể đang trong trạng thái không thoải mái sẽ trở nên kém tập trung, dễ phân tâm khi tập luyện, dễ đổ mồ hôi và có nhiều khả năng bị chấn thương hơn.
Tim đập quá nhanh
Trang Trí Thức trẻ dẫn nguồn trang US News cho biết, điều quan trọng là phải theo dõi nhịp tim trong suốt quá trình tập luyện. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khi tập thể dục ở cường độ vừa phải, nhịp tim của bạn nên nằm trong khoảng từ 64% - 76% nhịp tim tối đa. Ví dụ, đối với một người lớn 40 tuổi, nhịp tim khi tập thể dục cường độ vừa là khoảng 115-137 nhịp/ phút.
Theo CDC, bạn ước lượng nhịp tim tối đa dựa trên độ tuổi bằng cách lấy 220 trừ đi độ tuổi của mình. Ví dụ 1 người 50 tuổi, nhịp tim tối đa sẽ là 170 nhịp/ phút.
Kisha Carr, một huấn luyện viên thể hình người Mỹ, nói: “Nếu nhịp tim vượt quá 90% nhịp tim tối đa trong một thời gian dài, đó có thể là dấu hiệu đáng báo động mà bạn nên đi khám bác sĩ”.
Chuột rút
Chuột rút dường như vô hại, nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua triệu chứng này. Chuột rút ở chân trong khi tập thể dục có thể báo hiệu tình trạng tắc nghẽn động mạch chính ở chân.
Chuột rút cũng có thể xảy ra ở cánh tay, nhưng bất kể chúng xảy ra ở đâu, "nếu bạn bị chuột rút, đó là lý do bạn cần dừng tập thể dục”, tiến sĩ Mark Conroy, bác sĩ cấp cứu y học thể thao, Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho hay.
Mặc dù lý do chính xác gây ra tình trạng chuột rút chưa được lý giải nhưng theo các nhà khoa học, chuột rút có thể liên quan tới tình trạng mất nước hoặc mất cân bằng điện giải. Tiến sĩ Conroy giải thích: “Theo tôi, mất nước có thể gây ra chuột rút. Nồng độ kali thấp cũng có thể gây ra tình trạng này”. Mất nước có thể là một vấn đề lớn với sức khỏe, đặc biệt nếu bạn đang tập thể dục trong thời tiết nóng.
Để xử lý tình trạng chuột rút, tiến sĩ Conroy cho biết trước tiên bạn nên dừng tập luyện. Sau đó, bạn có thể làm mát vùng bị chuột rút bằng một chiếc khăn lạnh hoặc chườm đá, đồng thời kết hợp xoa bóp để giảm sự khó chịu.
Đổ nhiều mồ hôi hơn bình thường
Nếu lượng mồ hôi đột ngột tăng nhiều hơn so với bình thường, đó cũng là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn.
Tiết mồ hôi giúp làm mát cơ thể khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Tuy nhiên, tiết quá nhiều mồ hôi so với bình thường có nghĩa là cơ thể đang quá nóng và lúc này bạn cần giảm cường độ tập và nghỉ ngơi.
Nếu thời tiết không phải là nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi, bạn nên đi khám để kiểm tra liệu có điều gì bất thường hay không.
Hoặc