Theo thống kê năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng huyết áp đang ảnh hưởng đến 1,2 tỷ người trên toàn cầu và khoảng 17 triệu người tại Việt Nam. Tuy nhiên có rất nhiều người không biết bản thân bị tăng huyết áp, họ chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe hoặc khi bị đột quỵ. Ngoài ra, có một số trường hợp bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc tăng huyết áp nhưng lại chủ quan, không kiểm soát bệnh, dẫn đến đột quỵ.
Trường hợp của bệnh nhân T.C.T (66 tuổi, ở Hà Nam) là một ví dụ điển hình. Bệnh nhân không hề biết mình mắc tăng huyết áp do không đi khám sức khỏe thường xuyên. Gần đây, khi đang lao động, bệnh nhân đột ngột bị suy giảm ý thức, choáng ngất, gọi hỏi đáp ứng kém. Được biết, bệnh nhân không bị ngã hay va đập vào bất cứ đâu.
Bệnh nhân nhanh chóng được người nhà đưa đi cấp cứu. Trước tình trạng nguy kịch, ekip bác sĩ khẩn trương cấp cứu, đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở, bóp bóng và tiêm thuốc kiểm soát huyết áp.
Kết quả khám và chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ não (xuất huyết cầu não) và có cơn tăng huyết áp cấp.
80% ca đột quỵ xuất huyết não có liên quan tới tăng huyết áp
ThS.BS Phạm Duy Hưng - Phó Khoa Nội, Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não. Sau 15 phút cấp cứu, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã được kiểm soát, các chỉ số sinh tồn ổn định. Bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện tuyến trên để tiếp tục xử trí, điều trị.
Đột quỵ xuất huyết não là một trong những tình trạng đột quỵ phổ biến và nguy hiểm. Người bị đột quỵ xuất huyết não nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc gặp các biến chứng nặng nề như tàn tật suốt đời.
Bác sĩ Duy Hưng cho hay, khoảng hơn 80% số ca đột quỵ xuất huyết não có nguyên nhân do tăng huyết áp. Đột quỵ xuất huyết não là vấn đề nghiêm trọng, có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm: Tử vong, tàn tật suốt đời, rối loạn ngôn ngữ, hội chứng não úng thủy, viêm màng não...
Bác sĩ cho biết người dân cần lưu ý các triệu chứng của đột quỵ xuất huyết não để xử trí kịp thời. Cụ thể như sau:
- Nhức đầu (cơn nhức đầu xuất hiện đột ngột và dữ dội, không thuyên giảm mặc dù có sử dụng các loại thuốc giảm đau đầu).
- Rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, khó nói, không thể nói một câu hoàn chỉnh).
- Yếu, tê liệt một bên cơ thể, khó cử động 2 tay lên cao cùng lúc.
- Méo mặt, lệch mặt, một bên mặt bị chảy xệ.
- Suy giảm thị lực, nhìn mờ, nhìn đôi, hay thậm chí mất thị lực.
- Nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng).
- Chóng mặt, mất thăng bằng.
- Buồn nôn, nôn.
- Cứng cổ.
- Động kinh.
- Bất tỉnh hoặc ngất xỉu.
- Hôn mê.
Bác sĩ Duy Hưng cho biết để phòng ngừa đột quỵ xuất huyết não, người bị tăng huyết áp cần tuân thủ phác đồ điều trị, thực hiện chế độ sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra huyết áp. Nếu người bệnh mắc kèm các vấn đề mỡ máu thì cần phải kiểm soát bệnh bằng thuốc để giảm giảm nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, mọi người cũng cần phải cai thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia; xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh như ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, hạn chế thịt đỏ, nội tạng động vật...; tăng cường vận động phù hợp với thể trạng sức khỏe để kiểm soát huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu, từ đó hạn chế nguy cơ đột quỵ.
Bác sĩ Duy Hưng lưu ý người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của đột quỵ xuất huyết não.
Hoặc