Sáng 30/9, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi, làm rõ các vật chứng, tài sản, đồ vật thu giữ của các bị cáo và các quyền tài sản của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Liên quan đến 18% vốn góp của Công ty Setra (1 trong 4 doanh nghiệp phát hành các lô trái phiếu khống) tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành, đang bị kê biên, bà Nguyễn Thị Minh Hải (đại diện Vietcombank) đề nghị HĐXX hủy bỏ lệnh kê biên để Vietcombank và Setra triển khai việc chuyển nhượng.
Theo bà Hải, Vietcombank và Setra đã ký thỏa thuận chuyển nhượng vốn góp, việc ký kết này được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) hướng dẫn cụ thể về phương thức, quy định. Dự kiến Vietcombank sẽ thanh toán toàn bộ cho Setra thông qua hình thức chuyển khoản, đảm bảo quy định pháp luật theo hướng dẫn của C03.
Đại diện Setra cũng đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên để công ty bán lại cổ phần cho Vietcombank và xin giữ lại 20% để đóng thuế, phí, số còn lại sẽ dùng để khắc phục hậu quả của việc phát hành trái phiếu.
Trình bày về nguồn gốc 18% cổ phần tại Công ty Setra, bà Trương Mỹ Lan cho biết đây là cổ phần của mẹ bà. Theo bà Lan, gia đình bà chuyên góp vốn tại các công ty để lấy lãi.
Tỏ ý không muốn bán 18% cổ phần tại Setra cho Vietcombank, bà Lan đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên đối với số cổ phần này, nhưng yêu cầu được đem ra bán đấu giá, người nào trả giá cao thì bán và người nhà bị cáo được đứng ra bán.
Về việc 73,4% cổ phần tại Công ty CP đầu tư Hợp Thành 1 cũng bị kê biên, bà Lan trình bày, hoạt động của công ty này là phục vụ du lịch chứ không phải buôn bán tài sản, bất động sản. Theo bà Lan, toàn bộ là của cha mẹ, không liên quan đến bị cáo.
Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: VD. |
“Kính xin HĐXX gỡ bỏ kê biên, gia đình bị cáo cam kết bán để đưa vào khắc phục, không sử dụng riêng”, bà Lan trình bày.
Đối với 82% cổ phần tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam, bà Lan khẳng định không thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cũng không dính tới Ngân hàng SCB.
"Trước đây, số cổ phần này có người trả tới 300 triệu USD, nhưng bị cáo không bán. Mong HĐXX giải tỏa kê biên, bị cáo sẽ dùng số tiền bán được để khắc phục hậu quả chứ không sử dụng riêng", lời bà Lan.
Liên quan tới Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại dịch vụ Hòa Thuận Phát, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột bà Lan) trình bày không nhớ mình có cổ phần trong đó không hay chỉ đại diện cho các anh chị em.
Theo bị cáo Vân, công ty này do bà nội cho tiền để thành lập, không liên quan gì tới bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, bị cáo không có tài liệu nào chứng minh việc bà bị cáo cho tiền để lập ra công ty này.
“Bà nội mua bán vàng có lãi cho anh em bị cáo tiền để lập công ty, chính vì vậy mới có tên là Hòa Thuận Phát, mong HĐXX giải tỏa kê biên. Công ty này không có giá trị nhiều về vật chất nhưng có giá trị về truyền thống gia đình, bị cáo mong muốn được giữ lại để sau này có cơ hội sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển”, Vân trình bày.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: VH. |
Cũng mong muốn được giữ lại Công ty Hòa Thuận Phát, bà Trương Mỹ Lan khai, công ty này do mẹ bị cáo cho 3 anh em Trương Huệ Vân và chủ yếu để hoạt động từ thiện, xây dựng chùa, không liên quan gì tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
“Công ty này bán cũng chẳng ai mua, chỉ là truyền thống của gia đình, mong HĐXX giải tỏa kê biên”, bà Lan đề nghị.
Đối với 1,4 triệu cổ phần Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đang bị kê biên, bà Lan cho biết bị cáo không biết bản thân có bao nhiêu phần trăm tại TVSI, chỉ xin HĐXX xem xét, phần nào của bị cáo thì giữ lại để khắc phục hậu quả, phần nào không phải thì xin trả lại.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Cẩm nang thi hành án dân sự" đáp ứng nhu cầu tra cứu nhanh, chính xác các quy định của pháp luật thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án, đồng thời chỉ ra một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật khi áp dụng vào các tình huống thi hành án cụ thể.
Hoặc