Mới đây, một sự việc xảy ra ở Trung Quốc đã nhận được sự chú ý của đông đảo dư luận. Câu chuyện xoay quanh một người đàn ông tên Huynh làm nghề kinh doanh hoa quả lâu năm. Ngoài bán online, anh Huynh còn có sạp hoa quả nhỏ nằm trong khu chợ ở trung tâm thành phố. Công việc hàng ngày của anh Huynh là chụp ảnh sản phẩm, sau đó đăng tải lên mạng xã hội và các trang bán hàng để thu hút người mua. Với cách làm này, người đàn ông ngoài 40 tuổi đã có được lượng khách thân quen thường xuyên đến mua hàng.
Tháng 1 năm 2024, ông Lương đã mua 6 quả dưa lưới từ cửa hàng của anh Huynh với giá 2.800 Nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng). Trong quá trình tư vấn, anh Huynh cho ông Lương biết loại dưa này được nhập khẩu từ Nhật Bản nên có hương vị ngọt thanh vô cùng đặc biệt. Nếu ông Lương muốn chọn trực tiếp thì có thể ghé qua gian hàng ở chợ.
Nghe vậy, ông Lương quyết định đến rạp bán hoa quả của anh Huynh và mua 6 quả dưa lưới nhập khẩu. Sau khi về nhà, con trai ông Lương kiểm tra số dưa vừa mua thì phát hiện các thông tin sản phẩm đã bị làm giả. Anh cho rằng toàn bộ 6 quả dưa này đều là hàng nội địa, giá không thể quá 1.000 NDT. Khi quét mã trên tem sản phẩm, con trai ông Lương tiếp tục nhận được những kết quả bất ngờ. Theo đó, tất cả các mã tem đều cho ra thông tin về một loại hồng treo gió được sản xuất ở trong nước, không phải dưa lưới nhập khẩu như người bán quảng cáo.
Biết mình bị lừa, hai bố con ông Lương lập tức gọi điện cho cảnh sát để trình báo về sự việc. Ngay sau đó, phóng viên và các cơ quan chức năng đã có mặt tại sạp bán hoa quả của anh Huynh để tiền hành điều tra và đưa tin. Phía ông Lương đâm đơn kiện anh Huynh và đòi bồi thường 28.000 NDT (khoảng 100 triệu đồng).
Tại phiên tòa, ông Lương kể lại toàn bộ quá trình đặt mua 6 quả dưa lưới. Ông cho biết: “Tôi mua dưa để ăn và làm quà tặng cho một vài người bạn. Tôi được anh Huynh cho biết sản phẩm này là dưa lưới nhập khẩu từ Nhật Bản và có đầy đủ giấy tờ kiểm định. Thế nhưng khi mua về, tôi và con trai phát hiện nhiều dấu hiệu làm giả, giấy phép nhập khẩu cũng là giả. Tôi cho rằng, loại dưa này không rõ nguồn gốc và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các sản phẩm do anh Huynh bán không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia và cấu thành hành vi lừa đảo trái pháp luật.’’
Lúc này, anh Huynh khai báo toàn bộ số dưa lưới đã bán được nhập từ một người quen. Phía người này cũng báo là hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. Vì là đối tác làm ăn lâu năm nên anh Huynh không nghi ngờ gì về nguồn gốc sản phẩm. Anh còn cho biết dù đã kinh doanh hoa quả nhiều năm nhưng bản thân không biết cách kiểm tra các loại giấy chứng nhận và kiểm định hàng hóa.
Xét các tình tiết của sự việc, tòa án sơ thẩm cho rằng những bằng chứng mà ông Lương đưa ra là có căn cứ. Lượng hàng hóa được anh Huynh giao bán không có giấy chứng nhận nhập khẩu hợp pháp và không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, việc anh Huynh không biết cách kiểm tra giấy tờ kiểm định đã thể hiện sự vô trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn trước khi bán cho người tiêu dùng. Hành động này là trái quy định của Luật An toàn thực phẩm. Chưa hết, cơ quan chức năng cũng phát hiện anh Huynh đã bán mặt hàng hoa quả liên quan trên Internet mà không có giấy phép hoạt động kinh doanh thực phẩm.
Từ đây, tòa án khẳng định mức phạt của anh Huynh là hợp pháp. Do đó, anh Huynh phải bồi thường cho ông Lương số tiền 28.000 NDT vì hành vi cố tình bán thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn.
Trong quá trình điều tra, anh Huynh đã chủ động khai báo trung thực, có thái độ khắc phục và giảm thiểu hậu quả có thể xảy ra. Vì vậy, toà án quyết định dừng vụ việc tại đây, không truy cứu thêm trách nhiệm đối với anh Huynh. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của anh Huynh cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
(Theo 163.com)
Hoặc