Vi nhựa trong mật ong – thực tế không còn xa lạ
Mật ong là một sản phẩm tinh khiết từ tự nhiên, được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Đặc biệt, do có giá trị kinh tế lớn, mật ong còn được ví là “vàng lỏng”, theo báo Nông nghiệp & Môi trường.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy vi nhựa có thể đang 'lẩn trốn' trong mật ong. Bác sĩ Lê Nhất Duy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3) cho biết vi nhựa đã được phát hiện trong nhiều loại gia vị quen thuộc như mật ong, đường, muối. Một số nghiên cứu ghi nhận mật ong có thể chứa tới hàng trăm hạt vi nhựa mỗi ml, một con số khiến giới khoa học không khỏi giật mình.

Mật ong có thể ẩn chứa nhiều vi nhựa.
Đáng chú ý, một nghiên cứu tại Brazil đã phát hiện vi nhựa có mặt trong 100% mẫu mật ong thu thập từ loài ong Melipona quadrifasciata. Các hạt này chủ yếu có dạng sợi, kích thước dưới 299 micromet, màu trong suốt và phần lớn là polypropylene – một loại nhựa phổ biến trong bao bì thực phẩm. Nghiên cứu này nhấn mạnh nhu cầu nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc và tác động của ô nhiễm vi nhựa trong mật ong Melipona quadrifasciata, làm sáng tỏ vấn đề rộng hơn về ô nhiễm nhựa môi trường và tác động của nó đối với các loài thụ phấn.
“Mật ong vốn là chất ngọt thiên nhiên, lại trở thành nơi chứa vi nhựa – điều này cho thấy mức độ xâm lấn đáng báo động của vi nhựa vào chuỗi thực phẩm”, bác sĩ Duy nhận định.
Vi nhựa xâm nhập vào mật ong như thế nào?
Theo các nhà nghiên cứu và bác sĩ Duy, vi nhựa có thể “len lỏi” vào mật ong qua nhiều con đường:
- Từ môi trường tự nhiên: Ong hút mật từ hoa đã nhiễm vi nhựa do ô nhiễm không khí, đất, nước.
- Từ bao bì đựng: Việc bảo quản mật ong trong chai nhựa có thể khiến các hạt vi nhựa di cư vào sản phẩm theo thời gian, đặc biệt trong điều kiện nhiệt độ cao hoặc tiếp xúc lâu dài.
- Từ quá trình xử lý và đóng gói: Các dụng cụ, bồn chứa, hệ thống lọc cũng có thể là nguồn gây nhiễm.
Vi nhựa có tác động ra sao với sức khỏe?
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật cho thấy vi nhựa – đặc biệt là các hạt siêu nhỏ (nano) – có thể xuyên qua hàng rào ruột, đi vào máu và các cơ quan nội tạng, gây viêm, stress oxy hóa và tổn thương tế bào.
Chưa dừng lại ở đó, vi nhựa còn có thể mang theo các hóa chất độc hại như:
- BPA, phthalates: các chất gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng hormone và khả năng sinh sản.
- Kim loại nặng, thuốc trừ sâu: hấp thụ từ môi trường, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch và miễn dịch.
Giảm nguy cơ tiếp xúc vi nhựa trong mật ong
Dù việc loại bỏ hoàn toàn vi nhựa khỏi cuộc sống hiện đại là rất khó, bác sĩ Duy cho rằng người tiêu dùng hoàn toàn có thể chủ động giảm thiểu nguy cơ bằng những hành động đơn giản:
- Ưu tiên chọn mật ong từ nguồn uy tín, có kiểm định rõ ràng.
- Bảo quản mật ong trong chai thủy tinh hoặc vật liệu trơ, tránh dùng chai nhựa.
Ngoài ra, người dân cần hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, đồng thời nâng cao ý thức thu gom, phân loại rác thải nhựa để giảm ô nhiễm môi trường.
“Vi nhựa là một vấn đề môi trường nghiêm trọng với những nguy cơ sức khỏe không thể xem nhẹ. Tuy chưa thể loại bỏ hoàn toàn, nhưng bằng thay đổi nhỏ trong lựa chọn và hành vi tiêu dùng, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng”, bác sĩ Nhất Duy nhấn mạnh.
Hoặc