Sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào tâm lý bán tháo mạnh.
Chỉ số VN-Index đã sớm lao dốc và kết phiên sáng mất hơn 82 điểm, tương đương 6,24% về mốc 1.235,55 điểm. Diễn biến này đã thổi bay thành quả tăng giá trong hơn 2 tháng trước đó.
Chỉ trong phiên sáng, có tới 570 mã giảm điểm và 287 mã nằm sàn. Sắc xanh lơ xuất hiện trên diện rộng, ngay cả những cổ phiếu tăng tốt thời gian qua như nhà Vin cũng có thời điểm chạm sàn, hay loạt cổ phiếu ngành chứng khoán như FTS, BSI, CTS. Nhóm thép, công nghệ và hoá chất cũng chịu áp lực mạnh.
Vì đâu nên nỗi?
Nhận định về diễn biến trên, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc khối Nghiên cứu – Đầu tư CTCP FIDT cho rằng, việc VN-Index lao dốc đã kích hoạt làn sóng call margin trên diện rộng.
Tỉ lệ margin/vốn hoá sàn HoSE và HNX đã đạt mức đỉnh lịch sử, một nhịp điều chỉnh mạnh đã kéo theo hiện tượng call margin, từ đó gây áp lực ngược trở lại thị trường, dễ khiến thị trường giảm sâu hơn.
Ông Huy nhận định sau khi ông Trump áp thuế, nhiều bộ phận nhà đầu tư sẽ có phần quan ngại về câu chuyện tăng trưởng trong nước nên đã có hành động bán tháo cổ phiếu.

Sắc xanh lơ xuất hiện trên diện rộng.
Còn ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI cho hay, những thông tin ban đầu vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ như thời điểm áp dụng, mức thuế cơ bản 10% từ ngày 5/4, thuế đối ứng theo thông tin là ngày 9/4, nghĩa là 1-2 tuần nữa mới diễn ra. Danh sách mặt hàng cũng chưa chi tiết.
Con số 46% đối với Việt Nam hay 54% đối với Trung Quốc là mức trần để đàm phán với Mỹ về các chính sách, sau đó có thể giảm xuống. Điều này có nghĩa các con số này không phải là mức thuế sẽ áp dụng mãi mãi.
Việt Nam là một trong những quốc gia thời gian qua đã tích cực làm việc, thể hiện thiện chí trong việc xử lý mối quan hệ giữa hai quốc gia. Mức thuế với Việt Nam có thể không phải 46%, mà thấp hơn, thậm chí chỉ 10%.
Tổng quan thì ảnh hưởng đến Việt Nam là thấp và giống như những cuộc chiến tranh thương mại trước, Việt Nam vẫn là nước hưởng lợi sau cùng.

Các doanh nghiệp FDI có thể chịu tác động lớn nhất, vì họ xem Việt Nam là nơi tránh các đòn thuế quan lớn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam cho hay, thông điệp từ Nhà Trắng cho thấy phản ứng về chính sách thuế quan của ông Trump là nhằm yêu cầu các quốc gia ngồi lại thỏa hiệp, với 2 vấn đề.
Đầu tiên là mức thuế VAT vẫn giữ nguyên 10% có hiệu lực từ 9/4, không phải 20% như lời đồn, là một tín hiệu tích cực vì có thể giảm rủi ro cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc áp thuế quan sẽ áp dụng cho từng quốc gia, và các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ ví dụ như Việt Nam sẽ ngồi để đưa ra giải pháp về thuế quan hợp lý và công bằng hơn. Do vậy, ông cho rằng con số 46% (theo cách nhìn của Mỹ) hiện tại không phải là con số cuối cùng, mà là để thỏa hiệp.
"Con số này có thể sẽ giảm xuống và không áp dụng cho tất cả hàng hóa mà cho từng nhóm ngành cụ thể. Các doanh nghiệp FDI có thể chịu tác động lớn nhất, vì họ xem Việt Nam là nơi tránh các đòn thuế quan lớn", ông Minh đánh giá.
Không nên có tâm lý hoảng loạn
Trước làn sóng bán tháo, ông Thế Minh cho rằng nhà đầu tư không nên có tâm lý hoảng loạn dù có tỉ trọng danh mục cao, trừ khi có áp lực margin. Ngược lại, nhà đầu tư đang giữ tỉ trọng cổ phiếu thấp có thể xem thị trường biến động hiện tại là cơ hội.
Chuyên gia này cho rằng nhà đầu tư nên quan sát một vài phiên sắp tới, sang tuần khi thông tin đã đủ "ngấm" thì có thể giải ngân ở vùng giá thấp.
Nhìn chung, ông Minh nghiêng về kịch bản các quốc gia sẽ đàm phán và hạ nhiệt mức thuế quan, qua đó tác động tích cực lên thị trường.
Bình luận về nhóm ngành chịu ảnh hưởng, chuyên gia SSI cho biết thủy hải sản đang bị hai vấn đề cùng lúc. Mức thuế quan lên cao không khác gì thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên, các lựa chọn khác để nhập khẩu của Mỹ cũng không quá nhiều. Các mặt hàng của Việt Nam cũng không phải cao cấp, độ co giãn của cầu không lớn. Do đó, ảnh hưởng đến thủy hải sản không quá cao.
"Tổng quan, tác động của thuế quan chưa rõ ràng, hoặc có thể chỉ ngắn hạn trong tháng 4, qua tháng 5 tình hình có thể khác", ông Hưng nhấn mạnh.
Theo chuyên gia SSI, nếu Chính phủ vẫn tiếp tục các chính sách kích cầu nội địa và tăng đầu tư công, tăng trưởng GDP năm nay đến từ bên trong chứ không phải bên ngoài, mức ảnh hưởng đến doanh thu các doanh nghiệp niêm yết từ câu chuyện thuế có thể chỉ khoảng 20%.
Ông Hưng đưa ra khuyến nghị, ở thời điểm hiện tại, thế giới sẽ có chung xu hướng, đó là thay vì tăng trưởng, sẽ chọn yếu tố giá trị để mua cổ phiếu và chờ đợi. Giá trị ở đây liên quan đến định giá thấp, doanh thu ổn định bất kể kinh tế tăng hay giảm.
Theo đó, nhà đầu tư có thể mua các cổ phiếu này và chờ đợi câu chuyện tăng trưởng trở lại, sau khi câu chuyện thuế quan kết thúc.
Điều này có nghĩa xu hướng đầu tư quay về phòng thủ nhiều hơn, cổ phiếu ít biến động hơn từ các chính sách.
Hoặc