Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 91%. Ảnh: Quỳnh Danh. |
HĐND tỉnh Bình Dương vừa thông qua đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) Khu công nghiệp Đất Cuốc tại xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên.
Theo đó, khu vực quy hoạch khu công nghiệp có diện tích 523 ha, quy mô lao động khoảng 26.000 người. Khu công nghiệp sẽ phát triển theo hướng tập trung, thu hút các dự án đầu tư với các ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian gần đây, nhiều địa phương thành lập và lên kế hoạch thành lập các khu công nghiệp mới. Thống kê của Savills cho thấy Việt Nam hiện có 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê với tỷ lệ lấp đầy 80%, nhu cầu cao, đặc biệt ở khu vực phía Nam.
Theo Savills, vốn FDI liên tục gia tăng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về không gian, kho bãi để phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh. Bất động sản công nghiệp vẫn được dự báo là một điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam.
Với Bình Dương, tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 91%. Với nhu cầu lớn, tỉnh này đặt mục tiêu phát triển thêm 10 khu công nghiệp từ nay đến 2030 với tổng diện tích 10.200 ha.
Gần nhất, Bình Dương đã chính thức khởi công Khu công nghiệp Cây Trường tại thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường 2, huyện Bàu Bàng. Đây là dự án trọng điểm được mong đợi nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp tiếp tục được mở rộng quy mô, điển hình là Khu công nghiệp Becamex Bàu Bàng với tổng diện tích hơn 2.100 ha được hình thành vào năm 2016 nằm tại các xã Lai Hưng và Lai Uyên, huyện Bàu Bàng.
Trên thực tế, với môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn cùng hệ thống khu công nghiệp được quy hoạch bài bản, Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư.
Lũy kế đến cuối tháng 8, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 4.300 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 42 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư trên cả nước. Riêng 9 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ. Bình Dương cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Hoặc