Doanh số bán nhà của Trung Quốc lần đầu tăng trong năm

03/11/2024 12:11

Doanh số của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc đã tăng trong tháng 10, đánh dấu tháng đầu tiên của năm 2024 có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Doanh số bán nhà tại Trung Quốc tăng trở lại. Ảnh: The Global Times.

Theo dữ liệu do Tập đoàn China Real Estate Information Corp., công bố mới đây, doanh số bán nhà của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc vào tháng 10 đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 435,5 tỷ nhân dân tệ (61,1 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng này trái ngược hoàn toàn so với mức sụt giảm 37,7% trong tháng 9 trước đó.

South China Morning Post trích lời của Yan Yuejin, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Bất động sản E-House Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải: “Dữ liệu mới nhất phản ánh xu hướng tích cực, cho thấy dấu hiệu ổn định và phục hồi của thị trường”.

Ông nhận định rằng thị trường bất động sản đang dần thay đổi, bao gồm cả các giao dịch nhà cũ. Ông Yan cũng cho biết thêm nguồn cung mới giảm và số lượng giao dịch tăng mạnh sẽ giúp giảm lượng tồn kho nhà chưa bán.

Xu hướng này diễn ra sau khi Trung Quốc tung ra gói kích thích lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm chính sách cắt giảm chi phí vay cho các khoản vay thế chấp hiện tại, nới lỏng hạn chế mua nhà ở các thành phố lớn và giảm giá trị tiền đặt cọc. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thiết lập các cơ sở tín dụng riêng biệt cho các tổ chức tài chính phi ngân hàng để đầu tư vào cổ phiếu.

Theo Bloomberg Intelligence, doanh số bán nhà của 6 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã tăng trung bình 26% trong tháng 10, trong khi doanh số của 12 nhà phát triển tư nhân giảm 24%. Nnhà phân tích Kristy Hung của Bloomberg Intelligence cho biết sự phục hồi không đồng đều này cho thấy các giao dịch đang nghiêng về nhà cũ và những dự án do các công ty nhà nước phát triển.

Các nhà phân tích dự báo chính phủ Trung Quốc sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% năm nay.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới mức 4% nếu nước này không có các biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đã xóa sổ hàng tỷ USD tài sản của các hộ gia đình, từ đó góp phần gia tăng áp lực giảm phát.

Cuối tháng 9, Quảng Châu trở thành thành phố hạng 1 đầu tiên gỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế mua bất động sản. Các thành phố hàng đầu khác như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đã cho phép nhiều người hơn được mua nhà ở khu vực ngoại ô và cho phép một số người mua thêm nhà.

PBoC cũng đã phê duyệt khoản tái cấp vốn lên tới 5.300 tỷ USD cho các khoản thế chấp hiện có của hàng triệu hộ gia đình.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã bơm 70 tỷ USD vào thị trường tiền tệ trong tháng này thông qua một công cụ chính sách mới được thiết lập, nhằm giảm bớt tình trạng căng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng từ đó khuyến khích hoạt động cho vay mới.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.