Thiếu thuốc là bài toán chung của nhiều quốc gia
Sáng 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến của các ĐBQH cho ý kiến đến chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược, quản lý giá thuốc…
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh thuốc là một mặt hàng rất đặc biệt và có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân.
Giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc đang là bài toán chung của nhiều quốc gia, nhất là sau đại dịch Covid-19, không chỉ ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng cần đảm bảo nhiều yếu tố tổng thể…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cần đảm nguồn cung ứng thuốc ra thị trường; phát triển được công nghiệp dược trong nước; giải quyết các vấn đề khó khăn về mua sắm, đầu thầu; công tác tổ chức thực hiện từ vấn đề cấp phép lưu hành, mua sắm, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở y tế…
Về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý với giá thuốc cũng là một việc rất quan trọng.
"Chúng ta cũng đã nghe thấy có bài báo nói tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ? chúng ta quản lý như vậy từ năm 2016 mà họ còn tăng, nếu không quản lý lúc đó "thả gà ra đuổi" cũng không thể nào quản lý được", Bộ trưởng nói.
Theo người đứng đầu ngành y tế, Luật Dược 2016 và Luật Giá đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý giá thuốc. Qua đó, đã góp phần cho việc quản lý giá thuốc của Việt Nam trong thời gian vừa qua tương đối ổn định.
Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược, Bà Đào Hồng Lan cho biết đây là nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp, bởi nội dung này có liên quan nhiều đến các Luật về kinh tế khác. Nếu quy định tổng hợp hết các chính sách vào dự thảo Luật này thì sẽ rất nhiều.
"Bởi vậy, trong quá trình làm, vấn đề gì cần phải chi tiết, cụ thể thì chúng ta sẽ quy định ở các luật chuyên ngành. Trong dự thảo Luật này, chúng ta không thể chỉ được cụ thể mức độ như thế nào mà chúng ta dẫn chiếu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam", bà Đào Hồng Lan nêu rõ.
Liên quan tới vấn đề kinh doanh chuỗi nhà thuốc, trên cơ sở đánh giá việc triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay và tổng kết những tồn tại, vướng mắc để tăng cường công tác quản lý và đảm bảo hơn nữa trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà thuốc, chất lượng thuốc, những vấn đề hậu quả phát sinh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết dự thảo Luật này cũng đã bổ sung thêm các quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức chuỗi nhà thuốc; trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi; cũng như quy định cụ thể việc các nhà thuốc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động cung ứng. Đó là việc quản lý giá thuốc từ gốc, không phải quản lý ngọn.
Qua đó, các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh chuỗi nhà thuốc sẽ phải tùy điều kiện, năng lực để rà soát, chấn chỉnh, đảm bảo chất lượng phục vụ cho người dân.
Về vấn đề thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, trong thực tiễn đang có khoảng trống pháp lý, đặc biệt đối với mặt hàng đặc thù như thuốc.
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử… có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Liên quan tới nội dung về cấp phép, đăng ký lưu hành, gia hạn thuốc, tiếp thu tinh thần chỉ đạo chung và trên cơ sở những bất cập của Luật Dược năm 2016, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Luật đã quy định rất rõ những điều kiện về tham chiếu, thừa nhận, giảm thủ tục hành chính trong quá trình triển khai thực hiện.
Đảm bảo tính thống nhất với Luật Giá
Trước đó, tham gia góp ý, ĐBQH Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đã có những đóng góp quan trọng cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Đồng thời cho rằng việc sửa đổi và ban hành Luật này là cấp thiết để hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vấn đề bất cập trong lĩnh vực sản xuất, quản lý, sử dụng và lưu thông thuốc trên thị trường.
Hiện nay, theo đại biểu, đang có sự bất cập giữa quy định về kê khai giá thuốc trong dự thảo Luật này và Luật Giá hiện hành. Do vậy, để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật và đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để đảm bảo tính thống nhất giữa hai luật, tránh ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu và quản lý giá thuốc…
Cùng với đó, ông Hoàng cho biết, hiện nay số lượng thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành là rất lớn (khoảng 22.000 thuốc). Như vậy sẽ có rất nhiều thuốc có hoạt chất, nồng độ và hàm lượng tiêu chuẩn giống nhau, trong khi các thuốc có hoạt chất mới hoặc có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn lại rất ít.
Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định hoặc hàng rào kỹ thuật để hạn chế cấp mới giấy phép đăng ký lưu hành đối với các thuốc có sự trùng lặp, nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển sản xuất thuốc mới.
Góp ý về vấn đề về số lượng đăng ký thuốc, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho biết hiện nay Việt Nam có hơn 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc, là quá nhiều so với các quốc gia khác.
Đồng thời, số đăng ký thuốc trong nước đang bị trùng lặp rất nhiều. Do đó, đại biểu đề nghị cần có chủ trương hạn chế số lượng đăng ký thuốc để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh, minh bạch hơn và cần phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Hoặc