Cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế có thể bị cấm xuất cảnh

29/08/2024 06:00

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh sẽ nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế, tăng tính linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung chủ hộ và cá nhân kinh doanh vào danh sách đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Ảnh: Duy Hiệu.

Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi Chính phủ tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế hiện hành có quy định, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Trong đó, "người nộp thuế" bao gồm cả tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, việc tạm hoãn xuất cảnh hiện chỉ áp dụng với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Do vậy, quy định này không phù hợp với thực tiễn.

"Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện đối với các chủ thể là cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế", Bộ Tài chính nêu rõ.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đồng thời, Bộ cho rằng việc bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế, tăng tính linh hoạt trong việc áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế phù hợp với thực tế tại cơ quan thuế. Bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, hiện cả nước hiện có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế.

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã ban hành hơn 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Toàn ngành thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này.

Mức này bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ đồng).

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ì, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.

Theo Luật Quản lý Thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải cưỡng chế thu hồi. Lãnh đạo cơ quan thuế từng khẳng định quyết định tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra dựa trên quy trình chặt chẽ, cân nhắc hồ sơ từng cá nhân.

Cùng với biện pháp thu hồi nợ qua tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế cũng đưa ra 174.500 quyết định cưỡng chế thuế trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, gần 87% là quyết định cưỡng chế trích tiền, phong tỏa tài khoản, hơn 13% còn lại là thu hồi nợ thuế qua hóa đơn, giấy chứng nhận kinh doanh và kê biên tài sản.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.