Kỳ vọng về một thành phố di sản đầu tiên của Việt Nam
Sáng 31/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại tổ, các ĐBQH đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) đánh giá cao sự chuẩn bị của Thành phố Huế trong việc xây dựng đề án.
Đại biểu chia sẻ, bản thân bà đã từng nhiều lần đến Huế và cũng thấy rằng đây là nơi Cố đô có bề dày lịch sử, người dân có văn hóa đặc thù và ai đến Huế cũng đều muốn quay trở lại.
"Đến bây giờ, Thành phố Huế đã đủ "chín" để trình Quốc hội xem xét thành lập Thành phố trực thuộc Trung ương", bà Kim Anh nói.
Thời gian tới khi Quốc hội xem xét thông qua việc thành lập này, đại biểu tin tưởng Huế tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu, chỉ số đều tăng lên.
Đồng thời, đại biểu cũng đồng tình với việc Chính phủ đề xuất Thành phố trực thuộc là từ "Huế", bởi trong trái tim của người dân Việt Nam từ "Huế" rất thân thương.
Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn sau khi được thành lập chính quyền cần quan tâm về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Đơn cử về du lịch, nếu áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số coi đây là điểm đột phá thì sẽ tạo được sức bật rất lớn.
Thêm nữa, cần quan tâm đến giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, tránh ách tắc sau khi được Quốc hội xem xét thông qua.
ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đắk Lắk) chia sẻ: "Nhắc đến Huế chúng ta thấy sự trầm mặc, cổ kính của kinh thành Huế của vùng đất Cố đô, nhắc đến Huế chúng ta thấy có sự thơ mộng, hiền hòa, kỳ vỹ của dòng sông Hương, của Vịnh Lăng Cô, đèo Hải Vân. Nhắc đến con người Huế đặc biệt là hình ảnh của nữ sinh Quốc học Huế, những cô gái Huế đằm thắm dịu dàng trong tà áo dài tím… Nhắc đến Huế chúng ta thấy một tình cảm rất thân thương, muốn ôm Huế vào lòng – như lời của một bài hát".
Theo bà Xuân, chúng ta thấy sự chuyển mình mạnh mẽ để phát triển và hội nhập, mỗi lần đến Huế bà cũng đều ngạc nhiên trước sự thay đổi của Thành phố Huế và luôn muốn được quay trở lại nơi này.
Với sự phát triển như vậy cũng đặt ra bài toán cho Huế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển di sản.
Đại biểu cho rằng về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã đảm bảo để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết, đồng thời kỳ vọng về một thành phố di sản đầu tiên của Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Thành phố Huế cũng cần quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn lực đất đai một cách hợp lý.
Để giải quyết vấn đề này, bà Xuân cho hay cần ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh để gắn việc bảo tồn, phát huy di sản gắn với thành phố thông minh để giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển di tích.
Quan tâm đến hạ tầng xã hội
Tham gia ý kiến, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Cũng theo đại biểu, Di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế là 2 yếu tố có vai trò quyết định trong việc đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vì đây là căn cứ để giảm 50% tiêu chí của 2 chỉ tiêu.
"Do đó, cần có chính sách, cơ chế đột phá để Thành phố Huế gìn giữ di sản và bản sắc văn hóa này. Đây cũng là trọng trách mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao cho cho Thành phố Huế", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, các định hướng, giải pháp phát triển văn hóa và di sản văn hóa cần được cụ thể hóa hơn, nhất là về nguồn lực thực hiện, tiến độ thực hiện.
Về kinh tế, ông Nghĩa cho rằng Thừa Thiên - Huế hiện nay mức thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước còn thấp và còn xa so với tiêu chí 1,75 lần của thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy mô kinh tế vẫn còn thấp hơn nhiều so với các thành phố trực thuộc Trung ương khác (năm 2023 thu NSNN đạt 11.350 tỷ đồng; chi ngân sách đạt 10.487 tỷ đồng, cân đối dư nhưng chưa nhiều (gần 1000 tỷ).
Trong khi đó, quy mô kinh tế: Tp.Hồ Chí Minh 469.682 tỷ đồng. Tp.Hà Nội 405.252 tỷ đồng, Hải Phòng 103.619 tỷ đồng. Đà Nẵng khoảng 21.000 tỷ đồng, Cần Thơ hơn 12.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh vẫn còn các khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số mà đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị tập ưu tiên nguồn lực cho vấn đề này.
Về xã hội và môi trường, theo ông Nghĩa việc trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương kéo theo quá trình đô thị hóa sẽ dẫn đến một số vấn đề bất cập mới nảy sinh như: Tình trạng di dân từ nông thôn đến đô thị; quản lý kiến trúc cảnh quan và môi trường đô thị. Đại biểu đề nghị quan tâm đến hạ tầng xã hội trong các chính sách phát triển của thành phố.
Hoặc