Mới đây, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.
Báo điện tử Chính phủ dẫn báo cáo tại hội nghị cho biết, việc tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện trong Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên đã góp phần vào thành công chung của Du lịch Việt Nam trong năm 2024 với nhiều kết quả tốt đẹp.
Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm đạt 17,5 triệu lượt (tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023); phục vụ khách nội địa 110 triệu lượt (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 840 nghìn tỷ đồng (tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023).
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, Trưởng Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 cho biết: Qua các chuỗi sự kiện được tổ chức tại Điện Biên đã thu hút 1,85 triệu du khách đến Điện Biên.
Tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh lần đầu tiên đạt hơn 3.321 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2023 tăng 1,9 lần); số ngày lưu trú bình quân của du khách về Điện Biên là 3 ngày.
Đặc biệt, thông qua chuỗi các sự kiện trong Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 đã góp phần tạo bước phát triển đột phá về du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Điện Biên trong những năm tiếp theo.
Với các hoạt động có quy mô lớn, các sự kiện tầm quốc gia lần đầu được tổ chức tại Điện Biên đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Điện Biên với bạn bè, du khách trong nước, quốc tế.
Qua đó, du khách, bạn bè trong nước, quốc tế cảm nhận sâu sắc hơn về mảnh đất Điện Biên là mảnh đất của lịch sử hào hùng, thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc và người dân Điện Biên thân thiện, mến khách…
Hồi giữa tháng 5, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, lượng khách tăng đột biến dịp trong 7 ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đợt cao điểm từ ngày 30/4 đến 7/5, hơn 370.000 du khách đến Điện Biên.
Mỗi ngày, hàng nghìn lượt khách tham quan các địa điểm du lịch, di tích lịch sử, như: Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Hầm Đờ-cát; Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ…
Từ ngày 2-7/5, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đón 85.000 lượt khách, trong đó có 400 lượt khách quốc tế. Riêng trong ngày 6/5, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phải tạm ngừng bán vé chỉ một tiếng sau giờ mở cửa vì lượng khách tăng đột biến. Bảo tàng phải đóng cửa đến 9h mới mở cửa trở lại để điều tiết lượng khách.
Điện Biên phải huy động nhà dân đón khách
Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có lượng khách tăng vọt, lấp kín toàn bộ các cơ sở lưu trú. Tỉnh này phải huy động thêm nhà dân để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Năm 2023, tỉnh Điện Biên lần đầu tiên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách. Năm 2024, Điện Biên đặt mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu ước khoảng 2.200 tỷ đồng.
Tỉnh hiện có 205 cơ sở lưu trú du lịch, gần 2.800 phòng với khoảng 5.100 giường phục vụ du khách.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Điện Biên nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, với diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, có đường biên giới dài 455,572 km. Điện Biên là tỉnh duy nhất của Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với hai quốc gia là nước CHND Trung Hoa và nước CHDCND Lào.
Đây cũng là mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử đấu tranh, giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Điện Biên là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch với nhiều loại hình đa dạng: Du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái.
Đặc biệt, với cụm di tích Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là điều kiện thuận lợi để Điện Biên khai thác, phát triển du lịch. Đặc biệt, Điện Biên có một nền văn hóa đa dân tộc có ý nghĩa rất lớn đối với du lịch (tại Điện Biên có 19 dân tộc anh em chung sống).
Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc, những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và trong tín ngưỡng, hội hè của mỗi dân tộc, cùng với những món ăn đặc sản mang đậm nét của vùng cao Tây Bắc... là những tiềm năng lợi thế trong phát triển du lịch nhân văn rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là du khách quốc tế.
Bên cạnh các tiềm năng du lịch trong nội tỉnh, với vị trí địa lý khá đặc biệt, Điện Biên có thể mở rộng liên kết với các địa phương trong vùng và cả nước, đặc biệt là liên kết các tuyến du lịch quốc tế.
Hoặc