Theo Nghị quyết, thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Biển Đông.
Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là bước ngoặt mang tính lịch sử, là thời cơ và động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị thông minh, hiện đại, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trước thềm lên thành phố trực thuộc Trung ương, kinh tế Huế tăng trưởng ra sao trong năm 2024?
Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra 15 chỉ tiêu. Theo UBND tỉnh, dự ước đến cuối năm 2024 có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt kế hoạch đề ra, 2/15 chỉ tiêu không đạt và 1 chỉ tiêu thành phần không đạt.
Cụ thể, báo cáo về Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2024 ước đạt 8,15% (KH 8,5-9,5%). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,4%; khu vực dịch vụ ước tăng 7,9%; khu vực nông nghiệp ước tăng khoảng 3,4%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng khoảng 6,8%.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 80.960 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2024 ước đạt 68,6 triệu đồng, tương đương 2.840 USD, tăng 9,9% so cùng kỳ. Cơ cấu nền kinh tế dịch chuyển theo đúng định hướng: Nông nghiệp chiếm 10,3%, công nghiệp và xây dựng chiếm 31,3%; dịch vụ chiếm 50% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 8,4%).
Thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 12.880 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách ước đạt 15.785 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 34.100 tỷ đồng, tăng 16,9% so cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1 tỷ USD, tăng 48%. Hàng hoá đã xuất khẩu đến 44 quốc gia; trong đó, thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước Châu Âu.
Về hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư, báo cáo cho hay, từ đầu năm đến nay, đã cấp mới cho 39 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 6.266 tỷ đồng (trong đó, có 15 dự án FDI với vốn đăng ký 31,5 triệu USD).
Theo đó, trong địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp mới 12 dự án đầu tư với vốn đầu tư đăng ký là 4.628 tỷ đồng (trong đó 06 dự án FDI với vốn đăng ký khoảng 23.6 triệu USD). Ngoài địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 27 dự án với vốn đăng ký 1.637 tỷ đồng (trong đó 09 dự án FDI với vốn đăng ký khoảng 7,9 triệu USD). Ngoài ra, đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 08 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến đăng ký 5.541,87 tỷ đồng.
Về hoạt động du lịch, UBND tỉnh đánh giá, du lịch địa phương tiếp tục có nhiều khởi sắc, duy trì đà phục hồi tích cực. Năm 2024, tổng lượt khách du lịch ước đạt khoảng 4,0 triệu lượt, đạt kế hoạch, tăng 26%; trong đó, khách du lịch nội địa khoảng 2,7 triệu lượt, chiếm khoảng 69%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.500 tỷ đồng, bằng 94% KH, tăng 28%.
Sang năm 2025, UBND tỉnh nhận định, đây là năm bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Do đó, tỉnh tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương.
Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị xuất khẩu lớn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh. Đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; nâng cao chất lượng sống của người dân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 8,5 - 9%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tăng 10-12%.
Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh đặt mục tiêu lượng khách du lịch năm 2025 dự kiến khoảng 4,8 - 5,0 triệu lượt khách, tăng khoảng 20% so với ước thực hiện 2024. Trong đó khách nội địa chiếm khoảng 55 - 60%; tổng thu từ du lịch khoảng 10.800 - 11.200 tỷ đồng, tăng 22%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội dự kiến khoảng 68.000 tỷ đồng, tăng 20%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.430 triệu USD, tăng 12% và kim ngạch nhập khẩu đạt 1.000 triệu USD, bằng cùng kỳ.
Hoặc