Tiểu thương học dần
Sau một tháng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (theo Nghị định 70), nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh đã phần nào bắt nhịp được với phương thức mới, dù còn một số băn khoăn.
Bà Trần Kim Liên - chủ quầy bán giày dép tại chợ Đồng Xuân cho biết, đã quen thao tác phần mềm bán hàng, có thể xuất hóa đơn trên điện thoại. Tuy nhiên, bà Liên vẫn gặp khó khi phải yêu cầu nhà cung cấp xuất đầy đủ hóa đơn đầu vào, đồng thời kê khai lượng hàng tồn trước ngày 1/6 theo quy định.
“Cơ quan thuế đã phát phiếu kê khai, yêu cầu báo cáo chi tiết để minh bạch nguồn gốc hàng hóa từ tháng 6 trở đi”, bà Liên nói.
Bên cạnh đó, thói quen ghi chép sổ sách giấy suốt nhiều năm cũng khiến bà lúng túng, khi phải kê khai theo hướng dẫn của cán bộ thuế. “Ở chợ, nhiều người lớn tuổi, chúng tôi đang học dần”, bà Liên chia sẻ.

Hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Anh Hoàng Anh Hào - chủ hộ kinh doanh ăn uống trên phố Đỗ Quang (Hà Nội) cho biết, vào giờ cao điểm buổi trưa, khách ra vào liên tục, nhân viên phải thao tác nhanh để kịp gọi, trả món, tính tiền, nay thêm thao tác trên phần mềm để ký số, xuất hoá đơn điện tử .
Chi phí vận hành tăng nhẹ do phải đầu tư phần mềm và thiết bị, song theo anh Hào, việc quản lý doanh thu rõ ràng hơn, dễ kiểm soát và tránh thất thoát. Cửa hàng vẫn giữ nguyên giá trong thực đơn.
Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) thẳng thắn thừa nhận, chính sách mới chắc chắn sẽ tạo ra những áp lực và tâm lý e ngại ban đầu cho không ít hộ kinh doanh.
“Chúng tôi hiểu rõ những băn khoăn, lúng túng của người dân khi phải tiếp cận với quy định công nghệ và nghiệp vụ mới”, ông Sơn nói.
Đồng thời với việc triển khai Nghị định 70 , nhiều quy định mới khác cũng được áp dụng, như truy xuất nguồn gốc hàng hóa, gây ra tâm lý lo ngại và khó khăn cho các hộ kinh doanh trong quá trình thích nghi.
Theo đó, ngành thuế cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp đơn giản hơn, như ứng dụng trên điện thoại thông minh, để hỗ trợ những hộ có mức doanh thu thấp thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng...
P hương pháp tính thuế cũng được điều chỉnh. Thay vì khoán cứng theo doanh thu như trước, ngành thuế nghiên cứu áp dụng tỷ suất lợi nhuận bình quân theo ngành nghề, kết hợp thuế suất thu nhập và thuế giá trị gia tăng để tính toán hợp lý, đảm bảo công bằng, minh bạch.
Theo ông Sơn, thực tế đang tồn tại hai nhóm hộ kinh doanh song song. Một nhóm là các hộ quy mô nhỏ, buôn bán tại chợ, doanh thu dao động quanh ngưỡng nộp thuế. Nhóm còn lại là những hộ quy mô lớn, kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi cửa hàng trải dài ở nhiều địa phương, đủ khả năng thực hiện đầy đủ chế độ hóa đơn, kế toán.
Đề xuất nâng mức doanh thu miễn thuế, xử lý hàng tồn kho
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế) đang được lấy ý kiến, hộ kinh doanh dự kiến được chia thành 4 nhóm để quản lý theo ngưỡng doanh thu. Cụ thể: nhóm 1 dưới 200 triệu đồng/năm; nhóm 2 từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm; nhóm 3 từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng/năm với sản xuất, nông nghiệp, xây dựng (hoặc đến 10 tỷ đồng với thương mại, dịch vụ); nhóm 4 trên 10 tỷ đồng/năm.
Với nhóm 1 và 2, ngành thuế sẽ khuyến khích dùng hóa đơn điện tử và có cơ chế hỗ trợ phù hợp với khả năng thực tế. Nhóm 3 và 4 buộc áp dụng hóa đơn điện tử và kê khai tương tự như doanh nghiệp siêu nhỏ.

Hộ kinh doanh dự kiến được chia thành 4 nhóm theo ngưỡng doanh thu.
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính , cơ quan thuế đề xuất tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân lên ít nhất gấp đôi mức 200 triệu đồng/năm.
Bà Đặng Thị Bình An - chuyên gia Công ty TNHH Tư vấn Thuế C&A cho rằng, ngưỡng 200 triệu đồng/năm hiện nay để miễn thuế là quá thấp so với mặt bằng khu vực, nơi mức phổ biến khoảng 800 triệu đồng/năm. Nếu Việt Nam không điều chỉnh, doanh nghiệp nhỏ có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh. Bà cũng cho rằng, cần phân loại doanh nghiệp/hộ kinh doanh theo doanh thu và ngành nghề để áp dụng thuế suất linh hoạt, thay vì một mức cho tất cả.
Với lo ngại về hàng tồn kho của hộ kinh doanh , bà An đề xuất hướng dẫn phân loại cụ thể, nếu là hàng nội địa, nguồn gốc rõ ràng thì được tiếp tục bán, còn hàng không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc thì phải xử lý triệt để.
Ngoài những băn khoăn về cách khai báo hàng hóa, nhiều ý kiến cũng lo ngại khi phải chuyển đổi từ phương thức nộp thuế khoán sang kê khai, nhất là với nhóm tiểu thương lâu năm chưa có thói quen lưu giữ chứng từ, hóa đơn đầu vào.
Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH BCTC (Đại lý thuế BCTC) cho biết, nhiều năm áp dụng thuế khoán khiến tiểu thương có tâm lý “nộp thuế xong là xong”, không giữ hóa đơn đầu vào. Nay khi phải kê khai lại, nhiều người không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là với hàng tồn kho, dẫn tới tâm lý ngại đăng ký, sợ bị “vạch lá tìm sâu”.
Ông Thức cho rằng, nên cho phép hộ kinh doanh lập bảng kê mua hàng không có hóa đơn, với điều kiện hàng hóa đó là hàng thật, phục vụ kinh doanh hợp pháp. Bảng kê này tạm thời thay thế hóa đơn hợp lệ, giúp tiểu thương kê khai, đồng thời khuyến khích họ chuyển đổi sang kinh doanh chính quy.
Ông Thức cũng nhấn mạnh cần phân biệt giữa hỗ trợ người kinh doanh thực sự với việc hợp thức hóa hàng giả, hàng lậu.
“Nếu hộ kinh doanh buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu... thì phải xử lý nghiêm, tịch thu, không để chính sách bị lợi dụng, làm méo mó thị trường”, ông nói.
Hoặc