Trao đổi về các phương án chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với dự án đặc biệt này, một số cơ chế, chính sách đặc thù nếu được áp dụng sẽ quyết định sự thành công. Trước tiên là vấn đề bố trí ngay vốn cho các công việc chuẩn bị như đào tạo nhân lực, dịch vụ tư vấn, bồi thường, giải phóng mặt bằng, truyền thông ngay sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Đây là một dự án đặc biệt lớn, chưa có tiền lệ nhưng thời cơ đã chín muồi, cần triển khai để tạo động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Ông Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải nêu chi tiết: “Qua nghiên cứu của chúng tôi và tư vấn thiết kế thì đào tạo 3 loại hình: trong nước, nước ngoài, kết hợp trong nước và nước ngoài. Đào tạo theo 4 cấp độ là công nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Phục vụ 5 chủ thể là quản lý nhà nước, quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu. Có dự kiến số lượng nhân sự cho từng chủ thể”.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam sẽ cần gần 14.000 nhân sự vận hành khai thác dự án trong tương lai. Vì thế, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao được xác định là việc cần làm ngay.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, phân tích: “Chuẩn bị cho phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi xác định đây là công việc hết sức quan trọng vì số lượng lên tới khoảng 14.000 người. Hiện đang triển khai lực lượng đi học tập tại nước ngoài, ở các nước phát triển công nghiệp đường sắt”.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt của nước ta rất lớn, bao gồm 25 tuyến, với tổng chiều 6.354km, trong đó có 7 tuyến đường sắt hiện hữu và 18 tuyến mới.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong 3 tuyến rất quan trọng nằm dọc theo hành lang kinh tế Bắc – Nam cần phải đầu tư, nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, với bài toán chuẩn bị nguồn nhân lực để triển khai và vận hành dự án trong suốt thời gian dài tới đây.
Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: “Các cơ chế chính sách để đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng. Vì đây là dự án đầu tiên không chỉ là thực thi mà còn vấn đề vận hành dự án. Mục tiêu là phải làm chủ công tác vận hành khai thác, sửa chữa, bảo trì, thiết bị bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng. Chúng ta không thể phụ thuộc cả vòng đời dự án”.
Thảo luận về Dự án quan trọng này, một số đại biểu quốc hội đặt vấn đề, chúng ta cũng đang hết sức khẩn trương trong đầu tư, cải tạo các tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quảng Ninh, thậm chí tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng là tuyến liên vận quốc tế với Trung ương. Chính vì vậy, việc thực hiện mạng lưới đường sắt có sự kết nối để khai thác hiệu quả trong tương lai rất quan trọng.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị mọi điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia.
“Mong muốn là nguồn nhân lực và các doanh nghiệp sẽ làm chủ. Đây là chủ trương rất rõ. Vấn đề là chúng ta cần có chiến lược và cơ chế linh hoạt để thực hiện điều này, gắn liền với vai trò của doanh nghiệp trong nước” - ông Phan Đức Hiếu nói.
Có thể thấy, việc hiện thực hoá giấc mơ đường sắt tốc độ cao sẽ còn là một hành trình dài với nhiều thách thức, cần tập trung chuẩn bị các phương án, trong đó về nguồn nhân lực cần phải được tính toán kỹ lưỡng, bài bản.
Hoặc