Ngày 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét, quyết định thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố.
Danh sách các địa phương được xem xét sắp xếp trong giai đoạn này gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Đáng chú ý, tại phiên họp, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng đã giải trình lý do thành lập 10 phường (thị xã Kim Bảng).
Theo đề án thành lập thị xã Kim Bảng và các phường thuộc thị xã Kim Bảng, sẽ thành lập thị xã Kim Bảng (Hà Nam) trên cơ sở giữ nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Kim Bảng.
Sau khi thành lập, thị xã Kim Bảng có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường và 7 xã.
Hiện huyện Kim Bảng đạt 5/5 tiêu chuẩn của thị xã trực thuộc tỉnh, gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số; diện tích tự nhiên; đơn vị hành chính trực thuộc; đã được công nhận là đô thị loại 4; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ thành lập 10 phường thuộc thị xã Kim Bảng gồm: Quế, Ba Sao, Tượng Lĩnh, Thi Sơn, Đồng Hóa, Ngọc Sơn, Đại Cương, Lê Hồ, Tân Sơn, Tân Tựu.
Các đơn vị này đều đạt 4/4 tiêu chuẩn của phường theo quy định.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025.
Để chuẩn bị cho việc lên thị xã, huyện Kim Bảng đã và đang huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tính đến hết năm 2024 ước đạt trên 10.464 tỷ đồng, đạt 87,2%.
Hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Đặc biệt, các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm như: cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, tuyến đường bộ song hành QL21 hay đường phía Đông, đường phía Tây kết nối từ đường T3 vào trung tâm huyện…đang được đôn đốc đẩy nhanh tiến độ.
Kim Bảng có vị trí kết nối các trung tâm kinh tế quốc gia
Trước đó, tháng 8/2024, sau khi xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2023-2025 và Đề án thành lập thị xã Kim Bảng và các phường thuộc thị xã Kim Bảng, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo tổ chức, hoàn thành việc lấy ý kiến toàn thể cử tri trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan theo quy định. Kết quả lấy ý kiến cử tri cho thấy đa số ý kiến đồng ý với Đề án trên.
Kim Bảng nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hà Nam, trong vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trên Vành đai công nghiệp vùng Bắc Bộ và trong vùng phát triển đô thị trung tâm của vùng Thủ đô.
Kim Bảng là một huyện có tiềm năng phát triển của tỉnh Hà Nam, nằm trong vùng đô thị hóa từ các khu, cụm công nghiệp quan trọng như Khu công nghiệp Đồng Văn 1, 2, 3, 4 và các cụm công nghiệp địa phương cận kề.
Đáng chú ý, huyện Kim Bảng là nơi có quỹ đất rộng, có mối liên hệ thuận lợi với các huyện và địa phương khác trong cự ly từ 20-80km, đặc biệt là TP Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh) bằng các tuyến giao thông đường bộ và đường thủy. Kim Bảng cách Hà Nội khoảng 60km.
Theo báo cáo của UBND huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), 9 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế xã hội của huyện Kim Bảng ổn định và phát triển.
Cụ thể, GRDP bình quân đầu người ước đạt 94 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng tăng 15,7% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 84,9 triệu USD.
Trong 9 tháng đầu 2024, thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Kim Bảng quản lý ước đạt 494,3 tỷ đồng, bằng 45,5% kế hoạch tỉnh giao; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,78%.
Vụ đông năm nay huyện Kim Bảng có kế hoạch gieo trồng tổng diện tích 1.080 ha. Tính đến ngày 10/10, toàn huyện đã gieo trồng được hơn 800 ha, đạt 74% kế hoạch, trong đó cây ngô 212 ha; cây đậu tương 4 ha; cây bí xanh, bí đỏ 138 ha; cây dưa 229 ha; cây lạc 38 ha; còn lại là rau đậu các loại.
Hoặc