Thanh khoản thị trường giảm 25% trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trở lại. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sau phiên hụt hơi trước mốc 1.300 điểm cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam tiến vào phiên 30/9 với tâm thế thận trọng. Chỉ số VN-Index rung lắc từ sớm và nhanh chóng rơi xuống dưới tham chiếu.
Nguồn cung chốt lời chủ động cùng dòng tiền nhập cuộc hờ hững khiến chỉ số gặp nhiều khó khăn, có thời điểm bị kéo xuống mốc 1.284 điểm trong phiên chiều. Dẫu vậy, thị trường không trôi đi quá xa khi một số nhóm ngành như thép, tài chính đóng vai trò nâng đỡ.
Kết phiên, VN-Index giảm 2,98 điểm (-0,23%) xuống 1.287,94 điểm; HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,34%) xuống 234,91 điểm; UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,36%) xuống 93,56 điểm.
Trong bối cảnh thị trường giằng co, thanh khoản trên cả 3 sàn giảm sâu xuống 18.000 tỷ đồng, thấp hơn 25% so với phiên gần nhất.
Sắc đỏ lấn át bảng điện tử trở lại. Toàn thị trường chứng kiến 454 mã giảm (gồm 12 mã giảm sàn), 856 mã giữ tham chiếu và 298 mã tăng (gồm 14 mã tăng trần).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 19 mã giảm, 3 mã đứng giá và chỉ 8 mã tăng. Dù số lượng mã giảm gấp đôi mã tăng, chỉ số đại diện rổ này lại giảm không đáng kể.
Phiên hôm nay, các ông lớn bất động sản và ngân hàng như VCB (-0,5%), BID (-0,8%), VHM (-1,4%), VIC (-1,2%) là những cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index. Ngoài ra, nhóm tác động xấu đến chỉ số còn có VNM (-1,3%), BCM (-1,5%), GVR (-0,7%), NVL (-4,3%), SAB (-1,2%), HVN (-1,9%).
Ở chiều bên kia, nhịp tăng của VPB (+1,8%), HPG (+1,2%), MSB (+3,6%), MWG (+0,9%), TPB (+1,8%), EIB (+1,4%), VCI (+2,2%), SSI (+1,1%), FPT (+0,2%), GEX (+1,6%) cố gắng cản đà lao dốc của chỉ số.
VN-Index bị đẩy lùi xuống dưới mốc 1.290 điểm. Ảnh: TradingView. |
Ngoài HPG, các cổ phiếu thép khác như HSG (+1,6%), NKG (+1,1%), GDA (+2,9%), TIS (+1,4%), TVN (+1,1%) cũng nổi sóng. Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh các chính sách nới lỏng tiền tệ gần đây của Trung Quốc đã giúp cải thiện tâm lý trên toàn thị trường hàng hóa.
Theo đó, giá thép thanh vằn hay các sản phẩm như thép cuộn cán nóng đều hồi phục mạnh mẽ khoảng 15% chỉ sau vài ngày kể từ thời điểm Trung Quốc công bố các gói kích cầu kinh tế. Để bắt kịp xu hướng, các nhà máy thép trong nước cũng bắt đầu điều chỉnh giá bán.
Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản lại quay đầu điều chỉnh với biên độ vừa phải, điển hình như NLG (-0,5%), VRE (-1,5%), KDH (-0,1%), PDR (-1,3%), VPI (-0,1%), VHM (-1,4%), VIC (-1,2%).
Riêng cổ phiếu NVL của Novaland rơi 4,3% xuống mốc 11.050 đồng/đơn vị trong phiên hôm nay. Thực tế, thị giá NVL đã chạm mức sàn ngay từ đầu giờ giao dịch. Biên độ thiệt hại của NVL chỉ được thu hẹp sau khi các nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại, rót tiền bắt đáy.
Gần đây, cổ phiếu NVL liên tục gặp phải tin tức xấu. Đáng chú ý nhất là việc ghi nhận lợi nhuận sau thuế chuyển từ 345 tỷ đồng tại báo cáo tự lập sang âm 7.327 tỷ đồng tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.
Khối ngoại chấm dứt chuỗi mua ròng 3 phiên liên tiếp bằng một phiên xả ròng 700 tỷ đồng, chủ yếu chốt lời tại các cổ phiếu tăng tốt gần đây như HPG (-287 tỷ đồng), STB (-109 tỷ đồng), GMD (51 tỷ đồng).
Mặt khác, tiền ngoại tiếp tục bơm vào FPT (+44 tỷ đồng), SSI (+34 tỷ đồng), KDH (+21 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc