Chuyên gia công nghệ, doanh nhân Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Hồng Cơ Group chia sẻ về “Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh”.
Chuyên gia công nghệ, doanh nhân Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Hồng Cơ Group nhận định, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thực sự là những xu hướng tất yếu đối với doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.
Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, hơn 30 năm làm lãnh đạo các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, hơn 12 năm làm Hội đồng quản trị trong lĩnh vực Ngân hàng, Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Hồng Cơ Group, được giới công nghệ thông tin đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số tại Việt Nam.
Là một trong vài người được tiếp cận với bộ máy vi tính đầu tiên được đưa về Việt Nam, doanh nhân Nguyễn Đình Thắng tiên phong tự học và giảng dạy về Dos 1.0, Dbase II. Ông là thành viên sáng lập Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) từ năm 2001; đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA). Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng không chỉ tạo nên dấu ấn riêng cho Hồng Cơ mà còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của công nghệ thông tin hơn 30 năm qua và tiến trình chuyển đổi số hiện tại của Doanh nghiệp nói riêng, Việt Nam nói chung.
Phóng viên đã có dịp trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Đình Thắng. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Thắng chia sẻ về tầm nhìn những suy nghĩ về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cũng như những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
* Thưa ông, với tư cách là một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ, ông đánh giá thế nào về mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam so với khu vực Đông Nam Á?
Theo nhận xét của tôi thì Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính và ngân hàng số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, như Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số và các giải pháp số hóa. Lĩnh vực Tài chính, ngân hàng đã đi tiên phong chuyển đổi số và đã đạt mức tương đương trong khu vực.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore được coi là quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi số nhờ vào cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Các quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan và Indonesia cũng đang có những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghệ và dịch vụ số.
Việt Nam chúng ta được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn trong khu vực, nhờ vào lực lượng lao động trẻ và năng động, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và phải đối mặt với nhiều thách thức, cần phải nỗ lực hơn nữa để bắt kịp mức độ chuyển đổi số của các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.
* Thưa ông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có phải là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số hoá?
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thực sự là những xu hướng tất yếu đối với doanh nghiệp trong kỷ nguyên số hóa.
Về chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng cường hiệu quả và năng suất thông qua việc tự động hóa các quy trình kinh doanh, giảm thiểu sai sót và tăng cường hiệu quả hoạt động.
Công nghệ số cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cá nhân hóa và tương tác tốt hơn với khách hàng, từ đó cải thiện trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh thông qua việc áp dụng các công nghệ mới nhất. Đồng thời, chuyển đổi số còn cho phép doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu một cách hiệu quả, từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu chính xác.
Về Chuyển đổi xanh: Như chúng ta đã biết nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, buộc doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp chuyển đổi xanh để tuân thủ. Mặt khác, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ bền vững, thúc đẩy doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Về lợi ích thì các giải pháp xanh giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, từ đó giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp.
Cuối cùng là chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực và thể hiện trách nhiệm xã hội, điều này sẽ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài.
* Vậy thưa ông, những thuận lợi và khó khăn chính trong tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam là gì?
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai xu hướng quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững.
Thuận lợi mà các doanh nghiệp Việt Nam là đang có cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, có thể nắm bắt xu hướng ứng dụng công nghệ cao để đổi mới sáng tạo, đi thẳng vào các lĩnh vực kinh doanh số. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực và công nghệ mới.
Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động, thông minh dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới, là một lợi thế lớn trong việc triển khai các giải pháp số và xanh. Hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về mạng 4G, 5G và internet băng thông rộng. Nhu cầu thị trường trong nước về cung cấp dịch vụ số sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để nâng cao nâng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Một là: Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và quản lý môi trường. Hai là: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ, hạ tầng và đào tạo. Điều này có thể là khó khăn về tài chính đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ba là: Nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến do thiếu kiến thức công nghệ và kinh nghiệm triển khai. Bốn là: Doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của chuyển đổi số và xanh, cũng như thiếu kỹ năng quản lý để thực hiện các thay đổi cần thiết. Năm là: Do hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ và các vấn đề về an ninh mạng có thể gây ra rủi ro trong quá trình chuyển đổi số.
* Ông đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế?
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Vai trò của công nghệ giúp doanh nghiệp tự động hóa các quy trình sản xuất, giảm thiểu sai sót và tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm; cho phép doanh nghiệp phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Việc áp dụng công nghệ mới cũng giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Internet và các công nghệ số giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Thương mại điện tử và các nền tảng trực tuyến cho phép doanh nghiệp bán hàng và quảng bá sản phẩm trên phạm vi toàn cầu. Công nghệ thông tin giúp doanh nghiệp quản lý dữ liệu hiệu quả hơn, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và ra quyết định dựa trên dữ liệu chính xác.
Ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng và đối thủ cạnh tranh nhanh chóng, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp…Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của nhân viên và xây dựng chiến lược phát triển công nghệ phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
* Theo ông, thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để bắt kịp với xu hướng công nghệ hiện nay?
Thế hệ trẻ Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để bắt kịp với xu hướng công nghệ và dẫn đầu trong xu hướng công nghệ hiện nay. Điều quan trọng đầu tiên là các bạn trẻ cần có khát vọng vươn lên, ý chí kiên định.
Các bạn cần liên tục học hỏi và cập nhật kiến thức, nên tham gia các khóa học trực tuyến, hội thảo, và các sự kiện công nghệ để nắm bắt xu hướng mới. Đồng thời cần phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn để giúp các bạn thích nghi và làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ cao; tham gia các dự án thực tế, thực tập tại các công ty công nghệ, hoặc tham gia vào các cộng đồng công nghệ để có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tiễn và học hỏi từ những người có kinh nghiệm.
Thế hệ trẻ cần rèn luyện tư duy sáng tạo để có thể đưa ra những giải pháp công nghệ mới và cải tiến; cần phải nắm bắt xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data)… Đồng thời cũng cần phát triển tư duy toàn cầu, hiểu biết về văn hóa và thị trường quốc tế để có thể làm việc và cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
* Ông có điều gì muốn gửi gắm tới các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ không?
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, để có thể thành công, tôi luôn nhấn mạnh ba yếu tố cốt lõi là: “Sáng tạo – Khả thi – Hiệu quả”. Từ tư duy sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới để đưa ra ý tưởng sáng tạo giải pháp mới, sản phẩm mới; “Khả thi” tức là ý tương sáng tạo của bạn sẽ tạo ra được sản phẩm cụ thể có thể cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, thành công không đến từ việc đơn thuần phát triển một sản phẩm công nghệ mà sản phẩm đó phải tạo ra giá trị thực cho khách hàng và xã hội. Để tồn tại và tiếp tục phát triển thì bài toán kinh doanh “Hiệu quả” mới đảm bảo cho khởi nghiệp thành công.
Các doanh nhân khởi nghiệp ngoài việc nắm vững công nghệ mà mình đang phát triển, cần phải hiểu rõ về thị trường, liên tục cập nhật, nâng cấp giải pháp, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đối tượng khách hàng; cần phải nắm bắt cơ hội để tiếp tục sáng tạo và linh hoạt, thích nghi với những thay đổi của thị trường.
Quá trình khởi nghiệp để đi đến thành công là hành trình sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại mà các Starup phải đối mặt để vượt qua bằng khát vọng vươn lên, ý chí bản lĩnh, quyết tâm của các bạn. Tôi muốn chia sẻ với các bạn kinh nghiệm để Doanh nghiệp khởi nghiệp tồn tại đi đến thành công bền vũng đó là: “Duy trì để tồn tại - Đầu tư để phát triển và Phát triển để trường tồn”.
Nhân ngày kỷ niệm 20 năm doanh nhân Việt Nam 13/10/2024, xin chúc cho các doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công cùng với Doanh nhân Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh góp phần tích cực “đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vược bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại” như lời Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói.
* Xin cảm ơn những chia sẻ sâu sắc từ doanh nhân Nguyễn Đình Thắng!
Hoặc