Ông Mai Trần Thanh Phương - Giám đốc Điều hành Autogrill VFS: Muốn phát triển bền vững chắc chắn phải kinh doanh xanh

04/10/2024 16:30

Việt Nam sẽ hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050. Các doanh nghiệp dù ở ngành nghề nào cũng cần hiểu mục tiêu này. Hay nói cách khác, kinh tế xanh và chính sách thực thi để kinh tế xanh đến nay đã không còn là tự nguyện, mà nó là những quy định khắt khe bắt buộc tuân thủ.

Trò chuyện doanh nhân

Ông Mai Trần Thanh Phương - Giám đốc Điều hành Autogrill VFS: Muốn phát triển bền vững chắc chắn phải kinh doanh xanh

Yên Trang • 27/09/2024 10:00

Việt Nam sẽ hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050. Các doanh nghiệp dù ở ngành nghề nào cũng cần hiểu mục tiêu này. Hay nói cách khác, kinh tế xanh và chính sách thực thi để kinh tế xanh đến nay đã không còn là tự nguyện, mà nó là những quy định khắt khe bắt buộc tuân thủ.

tn78578946.jpgÔng Mai Trần Thanh Phương

Chia sẻ kỹ hơn về phát triển bền vững và kinh doanh xanh, ông Mai Trần Thanh Phương - Giám đốc Điều hành - Công ty TNHH Autogrill VFS F&B (thuộc Tập đoàn Avolta), cho rằng: Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động triển khai một cách bài bản các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết biến đổi khí hậu, khí thải nhà kính… Đó cũng là sân chơi toàn cầu trong xu hướng mới. Các doanh nghiệp (DN) muốn phát triển bài bản phải đáp ứng các tiêu chí trong kinh doanh xanh. Điều đó đồng nghĩa DN phải có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường trong hoạt động kinh doanh của mình.

Kinh doanh xanh không phải khuyến khích mà là “luật” hóa.

* Là giám đốc điều hành trong lĩnh vực F&B (ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống) với chuỗi 90 cửa hàng tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của kinh tế xanh và kinh doanh xanh tại các DN trong xu hướng toàn cầu?

- Trước hết phải hiểu: Hiện nay, tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của mọi quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Một nền kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải carbon, giảm nguy hại đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên, giảm khí thải nhà kính…

Trong nhiều năm qua, Chính phủ thường xuyên đưa ra các cam kết mạnh mẽ với thế giới về tăng trưởng kinh tế xanh. Tính đến năm 2023, cả nước có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố.

Theo lộ trình từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống quy định, chính sách nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Dự kiến năm 2028, Việt Nam dự định chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Điều đó cho thấy, mọi DN Việt dù là DN lớn hay DN vừa và nhỏ muốn đi xa, muốn phát triển bền vững chắc chắn phải kinh doanh xanh.

* Đành rằng DN là yếu tố quan trọng trong kinh tế xanh, nhưng một nền kinh tế xanh là trách nhiệm của cả xã hội trong đó có vai trò quan trọng của Nhà nước, thưa ông?

- Đúng vậy! Tất cả mọi thành phần trong nền kinh tế của chúng ta cần phải có trách nhiệm của mình trong việc làm cho môi trường xanh hơn, an toàn hơn, lành mạnh hơn… để hướng tới phát triển bền vững.

Thời gian qua việc phát triển kinh doanh đa số chỉ diễn ra chủ yếu ở các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài trong khi DN vừa và nhỏ chưa có chuyển biến rõ nét và còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, tôi vẫn đặt niềm tin vào những DN nhỏ vì các bạn trẻ, những nhà lãnh đạo trẻ hiện nay rất sáng tạo và họ luôn đặt vấn đề trách nhiệm lên hàng đầu. Và họ cũng nhận thấy một trong những cách hiệu quả để đạt được mục tiêu đó là hoạt động kinh doanh, sản xuất cần gắn với nhu cầu đi lên của xã hội. Rằng kinh doanh phải xanh, sản phẩm phải sạch, thân thiện với môi trường…

* Vậy DN phải đưa yếu tố “xanh” làm chiến lược như một trụ cột chứ không dừng lại ở khẩu hiệu hay tuyên truyền?

- Dĩ nhiên là vậy. Cũng nên nói rõ là hiện nay thế hệ trẻ với nhận thức và trí thức càng ngày càng cao và họ rất quan tâm đến trách nhiệm với môi trường. Một phần do truyền thông về vấn đề này được phủ rộng. Phần vì họ được tiếp cận và hiểu được những giá trị văn hoá và tầm quan trọng của môi trường.

Tuy nhiên, trong một DN, câu chuyện phải bắt nguồn từ chủ trương của lãnh đạo. Nghĩa là DN đó phải dành nguồn lực cho các mục tiêu phát triển xanh như một chiến lược, trụ cột quan trọng của mình. Từ đó, thúc đẩy bởi sự đồng lòng, quan tâm của cả tập thể, sự quan tâm ủng hộ của khách hàng và cộng đồng.

Một thực tế cho thấy, nếu DN đó có chính sách, chủ trương, đường lối trong kinh doanh xanh, các nhân viên sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Và bắt nguồn từ sự hài lòng trong từng nhân viên của DN, thì sau đó khách hàng mới hài lòng và đem lại lợi nhuận và xếp hạng tín nhiệm cao.

Chúng tôi khi lựa chọn các đối tác để cùng hợp tác cũng đều quan tâm đến vấn đề về trách nhiệm xã hội của DN đó với cộng đồng cũng như với nhân viên.

3.jpg

Thể hiện trách nhiệm với cộng đồng

* Theo ông các DN cần lưu ý điều gì khi gia nhập sân chơi mới?

- Luật của EU đã ban hành, cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu có liên quan đến nạn phá rừng, các quy định về đánh bắt hợp pháp trong thủy sản. Luật cũng khuyến khích xúc tiến các mặt hàng xanh, giảm phát thải và gần đây nhất là các quy định báo cáo bền vững cho các DN châu Âu mới được ban hành ngày 10/11/2022 đảm bảo minh bạch, xác định rõ trách nhiệm cho các bên liên quan trên toàn chuỗi cung ứng vào thị trường châu Âu.

Đặc biệt chỉ còn 2 năm nữa (2026) các DN phải có báo cáo về phát thải khí nhà kính và báo cáo đó phải được công ty của châu Âu thẩm định mới có cơ hội xuất khẩu.

Vậy nên, DN hãy chuẩn bị lộ trình cho mình thật kỹ càng. Và đặt trên vai mình kinh doanh là vì lợi nhuận nhưng phải gắn với trách nhiệm. Các tiêu chuẩn không chỉ với đầu ra là sản phẩm cung ứng cho khách hàng, mà những thứ thải ra khi trong quá trình sản xuất giờ lại vô cùng quan trọng quyết định sự sống còn.

* Autogrill VFS đã đạt ngưỡng kinh doanh xanh bao nhiêu %?

- Hơn 90 cửa hàng của chúng tôi đều đặt tại sân bay quốc tế ở Việt Nam - Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc… Ở sân bay là vị trí đặc biệt, đòi hỏi chúng tôi phải rất nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng phải đáp ứng rất cao đến các tiêu chí đầu vào thực sự xanh.

Đến nay, Autogrillvf đã đạt chuẩn các tiêu chí xanh và chúng tôi tự hào đã chuyển đổi kinh doanh xanh, giảm trên 80% lượng rác thải từ trong quá trình phục vụ.

Hiện nay, chúng tôi đã ngưng sử dụng cốc nhựa, nắp nhựa và ống hút nhựa. Ly nhựa đã được thay thế bằng ly thuỷ tinh, sành sứ. Ly mang đi cũng được làm bằng giấy và ngay cái nắp nhựa cũng thay bằng nắp giấy. Túi nylon thay bằng túi giấy. Quai xách cho ly giấy mang đi thì làm bằng chất liệu vải không dệt.

Gần 50% cửa hàng đã thay thế phục vụ nước ngọt đóng chai bằng nước ngọt tươi trong ly, giảm chai nhựa.

Về năng lượng, toàn bộ cửa hàng cũng đều nấu bằng điện chứ không sử dụng gas, không thải khí C02 ra môi trường.

Dầu ăn chúng tôi theo quy chuẩn màu quốc tế về màu dầu khi thay mới để đảm bảo an toàn. Và dầu cũ sau khi thay, thu gom lại sẽ bán cho một công ty từ Hàn Quốc. Chúng tôi tìm hiểu rất kỹ, đó là một đơn vị có nhà máy, họ thu gom để sản xuất xà bông. Chúng tôi không bán lung tung, vì rất sợ dầu có thể được sử dụng lại để chế biến thức ăn.

img_1833.jpg

Kinh doanh xanh nâng cao chất lượng dịch vụ chứ không đội phí

* Ông quan điểm thế nào đối với một sản phẩm xanh đạt chuẩn ra thị trường?

- Kinh doanh xanh là giảm thải khí thải nhà kính, rác ra môi trường… nhưng với sản phẩm xanh yêu cầu sạch và thực sự những thứ chúng ta “thải” ra sau khi tạo nên sản phẩm cũng phải đảm bảo xanh.

Ví dụ như món phở với thương hiệu Big Bowl hiện đang có hệ thống 18 nhà hàng trải rộng khắp các sân bay nội địa và quốc tế. Nguồn xương bò ninh nước dùng toàn bộ là xương bò Úc. Nước dùng trong bát phở được chúng tôi ninh ít nhất 6 tiếng. Chúng tôi chọn bò Úc vì bò Úc là bò ăn cỏ, chứ không dùng thức ăn công nghiệp như nhiều nơi khác và quy trình sản xuất nghiêm ngặt, uy tín, sản phẩm có chất lượng cao.

Bánh phở tươi chúng tôi cũng phải xuống tận xưởng, kiểm tra giấy tờ và quy trình sản xuất cũng như việc tuân thủ vệ sinh an toàn tại xưởng. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện kiểm tra mẫu định kỳ nhằm kiểm soát mối nguy

Đến cọng rau ăn kèm phở, hay lá xà lách trong hamburger chúng tôi phải kiểm tra kỹ càng trước khi quyết định chọn đối tác.

Thế nên khi đi khảo sát rất nhiều nơi, chúng tôi đã quyết định chọn một đơn vị hàng đầu tại Đà Lạt để cung ứng rau cho chuỗi các cửa hàng của mình. Vì sao vậy? Vì đơn vị này có các quy trình từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, lưu trữ, vận chuyển… sản phẩm đạt chuẩn. Ngoài ra họ còn có các cam kết về môi trường rất nghiêm túc. Chúng tôi có những cuộc khảo sát bí mật lẫn khảo sát công khai, theo dõi toàn bộ quy trình sản xuất của đối tác từ lúc trồng ra sao, chăm sóc thế nào và khi thu hoạch có đúng quy trình hay không.

Rau để ăn sống, ăn liền cho khách thì phải đảm bảo an toàn cho khách. Điều đó có nghĩa nguồn đất trồng rau cũng đạt chuẩn, nước tưới đạt chuẩn

Tuy nhiên, vậy vẫn chưa đủ, khâu vận chuyển cũng rất quan trọng vì chỉ cần không đạt nhiệt độ, rau sẽ nhanh hỏng và phát sinh nguy cơ mất an toàn.

Nếu DN có các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, thì các đối tác cũng sẽ cùng phải đáp ứng các tiêu chí đó mới tiến hành hợp tác.

* Còn những nhà cung ứng sản phẩm như xì dầu, nước tương, ớt hay những sản phẩm đóng chai làm sao yêu cầu họ xanh theo chuẩn của mình, thưa ông?

- Thông thường chúng tôi sẽ làm việc với đối tác và chia sẻ những yêu cầu trong kinh doanh xanh của mình. Hiện nay, nhiều đối tác chính của chúng tôi có những cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Như tương ớt, chúng tôi chọn một đơn vị nổi tiếng trên thị trường và họ sản xuất đúng từ những trái ớt tươi, tỏi tươi nguyên chất, không sử dụng bột cay và hương tỏi nhân tạo. Chúng tôi lên tận trang trại kiểm tra và xác định diện tích gieo trồng là của công ty. Chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng, mỗi năm thu hoạch được bao tấn sản phẩm, từ đó thành phẩm được bao nhiêu, trên diện tích đó. Và thực tế với trên báo cáo, kinh doanh có khớp nhau không. Đến quy trình sản xuất, vận chuyển…

4.jpg

* Nhưng nếu chuyển đổi qua việc kinh doanh xanh liệu có tăng chi phí cho DN?

- Lúc đầu khi lên kế hoạch chuyển đổi chất liệu bao bì từ nhựa qua giấy, chúng tôi dự kiến chi phí tăng từ 200% - 400% tùy sản phẩm. Tuy nhiên, do kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, như dùng sản phẩm bằng sành, sứ, thủy tinh và chỉ 20% dùng giấy. Sau 4 năm thực hiện, chúng tôi đã giảm được rác thải trên 80%, giảm chi phí thực tế, cải thiện chất lượng sản phẩm trong quá trình phục vụ.

* Ở các quốc gia trong khu vực, Autogrill VFS đang áp dụng các tiêu chí xanh ở các sân bay khác ra sao, có gặp khó khăn gì?

- Các nguyên tắc, tầm nhìn toàn cầu của tập đoàn được thực hiện một cách nhất quán ở những nơi mà Avolta có các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ở những nơi nào có các điều kiện thực hiện tốt hơn các mục tiêu chung của tập đoàn thì cũng được khuyến khích và được tập đoàn hỗ trợ rất nhiều.

Việc kiểm soát chuỗi cung ứng hiện nay đã thuận lợi hơn khi chúng tôi hợp tác với nhiều đối tác có năng lực tốt trong và ngoài nước. Họ cam kết trách nhiệm mạnh mẽ trong đảm bảo an toàn vệ sinh và hướng đến phát triển xanh. Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác với các đơn vị kiểm toán an toàn vệ sinh độc lập quốc tế trong việc kiểm tra, kiểm soát và đánh giá nhà cung ứng, từ khâu sản xuất, lưu trữ, vận chuyển…

* Xin cảm ơn ông.

Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu: Cường độ phát thải trên GDP vào năm 2030 giảm ít nhất 15% so với năm 2014 và giảm ít nhất 30% đến năm 2050. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 trách nhiệm: Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55).
Đặc biệt, việc EU áp dụng CBAM thử nghiệm từ 1/10/2023 và chính thức áp dụng từ 1/1/2026 buộc các doanh nghiệp phải thực hành giảm phát thải carbon và xây dựng tín chỉ carbon để tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu.
Thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ cacbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000ha); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

TS. Đoàn Hồng Quang - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Chọn 1-2 doanh nghiệp thí điểm giải bài toán kinh doanh xanh

Có ba ngành chính liên quan tới kinh tế xanh gồm: Điện, nông nghiệp và giao thông.

Với nông nghiệp, chúng ta đang làm khá tốt với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp là tăng thu nhập cho nông dân và thông qua việc giảm thuốc trừ sâu, giảm nước, giảm thuốc bảo vệ thực vật, sẽ giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Với đề án này cũng làm thay đổi nhận thức của nông dân trong việc hướng tới những sản phẩm an toàn.

Riêng với ngành điện là một bài toán khó vì chúng ta còn thiếu điện. Tuy vậy phải có lộ trình của thể mới tiến tới nền kinh tế xanh.

Còn ngành giao thông, cũng là bài toán dài hạn.

Nói riêng về các doanh nghiệp xuất khẩu, cho đến giờ xuất khẩu qua thị trường EU của chúng ta chưa cao. Đến nay, chỉ EU mới siết chặt các tiêu chí xanh. Còn thị trường chủ yếu mà chúng ta xuất khẩu là Nhật và Mỹ chưa thực sự siết.

Nhưng để hiệu quả trong việc tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, tôi cho rằng nên chọn 1-2 doanh nghiệp do đặc thù lĩnh vực đang có khí thải ra môi trường làm thí điểm. Như vậy sức lan toả sẽ tăng cao.

TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: Doanh nghiệp cần có lộ trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh

Bắt đầu từ năm 2026, tất cả hàng hóa xuất khẩu vào châu Âu đều phải áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đặc biệt quan trọng nhất là báo cáo về phát thải khí nhà kính và báo cáo đó phải được công ty của châu Âu thẩm định.

Chỉ số của các báo cáo sẽ quyết định việc cơ quan có trách nhiệm của châu Âu có chấp nhận hàng của chúng ta được nhập khẩu vào hay không. Và nếu phát thải khí nhà kính của Việt Nam cao hơn, đồng nghĩa với việc họ đánh thuế carbon cao hơn. Giai đoạn đầu việc đánh thuế có thể thấp, nhưng về lâu dài thuế carbon bị đánh cao hơn, điều kiện ngặt nghèo hơn.

Nên để chuẩn bị cho lộ trình này, theo tôi, các doanh nghiệp cần phải xác định rõ ràng cho mình một con đường mới. Con đường chuyển dịch sang nền kinh tế xanh. Và trên con đường dịch chuyển đó phải lưu ý 4 trụ cột chính.

Thứ nhất, chuyển đổi năng lượng than/ nhiệt điện qua sử dụng điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Thứ hai, nguyên liệu đầu vào sản xuất trong doanh nghiệp phải được áp dụng công nghệ sản xuất mới đáp ứng các tiêu chí xanh và thải khí nhà kính.

Thứ ba, vấn đề liên quan đến rừng. Việt Nam vừa thu tiền tươi thóc thật từ việc bán tín chỉ carbon cho thấy rừng đang trở thành tay vịn vững chắc trong từng bước chuyển Rừng là nơi hấp thụ phát thải lớn nhất và đồng thời cũng là nơi sản sinh, duy trì nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhất. Chúng ta có một trụ cột vô cùng giàu có và vững chắc mà theo tôi chúng ta nên giữ gìn và phát triển.

Thứ tư, Chính phủ cố gắng cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế phát thải để phát triển xanh trong sản xuất kinh doanh. Đó cũng chính là trách nhiệm với xã hội và cũng từng bước đạt tới các chuẩn mực chung mà Việt Nam đang cam kết so với thế giới.