Ông Trần Sĩ Chương là chuyên gia về kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp. Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, ông từng giữ vai trò Trợ lý Nghị sĩ phụ trách ngoại giao và ngoại thương, đồng thời là Cố vấn cấp cao về chính sách tiền tệ và kinh tế cho Ủy ban Ngân hàng của Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington, D.C.
Ông cũng là đồng tác giả, cùng Giáo sư James Riedel (Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ), của báo cáo nghiên cứu đầu tiên do Ngân hàng Thế giới và IFC công bố năm 1997 về kinh tế Việt Nam, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân mới nổi.
Theo chuyên gia, về chính sách thuế quan từ Mỹ, cần nhìn nhận đây không chỉ đơn thuần là biện pháp thương mại, mà là tín hiệu của một “trật tự địa kinh tế mới”, nơi các “luật chơi” bị định hình bởi ý chí chính trị.
Nhấn mạnh thông điệp “Thế giới đang chuyển pha, cái cuối cùng vẫn là phải tự lực tự cường, phải tự chủ được định mệnh của mình”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương để làm rõ những thách thức, cơ hội và chiến lược cho Việt Nam trước sự thay đổi trong trật tự thương mại toàn cầu.

Ông từng chia sẻ “Mỹ không còn muốn đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu như trước”. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi này và điều đó báo hiệu gì cho trật tự thương mại toàn cầu?
Mỹ từng là kiến trúc sư của toàn cầu hóa, thúc đẩy thương mại tự do và thể chế đa phương như WTO. Nhưng hiện tại, Mỹ đang rút dần vai trò này vì ba lý do chính:
Thứ nhất, nền kinh tế trong nước chịu sức ép lớn từ bất bình đẳng và mất việc làm trong sản xuất. Khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ đang ngày càng xa, và có thể nói đây là quốc gia có mức độ chênh lệch rộng nhất và tăng trưởng nhanh nhất. Hiện tại, 1% người giàu nhất nước Mỹ đang nắm giữ tới 34% tài sản quốc gia, trong khi 50% dân số chỉ vỏn vẹn 2,8%. Tuy nhiên, nếu nhìn vào giá trị tuyệt đối, người nghèo ở Mỹ giàu hơn nhiều người ở các quốc gia khác. Ví dụ, tiểu bang nghèo nhất của Mỹ là Mississippi nhưng thu nhập bình quân cao hơn cả Pháp hay Ý.
Vậy nhưng, vấn đề không phải là con số tuyệt đối, mà là cảm giác bất bình tâm lý khi so sánh với những người xung quanh. Thành ra, khoảng cách giàu nghèo khiến người dân Mỹ cảm thấy bất mãn, và Tổng thống Donald Trump nhìn ra sự bất mãn đó để đưa vào các chính sách.
Về khía cạnh việc làm, người Mỹ cho rằng việc đẩy sản xuất ra nước ngoài khiến quốc gia bị thâm hụt và mất công ăn, việc làm. Tuy nhiên, theo tôi điều này là không chính xác, vì tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện thấp hơn các nước công nghệ như Pháp, Ý và còn đang ở xu hướng giảm. Thực tế, nhờ sản xuất tại Việt Nam hay Trung Quốc, Mỹ vừa có hàng rẻ, đẹp, vừa giàu lên, trong khi đó, chi phí thuê nhân công khi sản xuất ở trong nước lại cao hơn rất nhiều so với nước ngoài.
Thứ hai, cử tri Mỹ không còn muốn “trả phí” cho vai trò lãnh đạo toàn cầu. Người Mỹ đã nhận thấy trường học, bệnh viện, đường xá trong nước xuống cấp, trong khi vẫn phải chi số tiền lớn cho các căn cứ quân sự. Họ cho rằng số tiền này nên được dùng để xây trường học, bệnh viện, chăm sóc người già và cải thiện đời sống trong nước.
Thứ ba, việc cạnh tranh với Trung Quốc được đặt lên ưu tiên hàng đầu vì lo ngại có thể ảnh hưởng đến vị thế dẫn đầu trong tương lai. Dù hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa vượt qua Mỹ về cơ bản, nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng khiến Mỹ phải quan tâm.
Kết quả, thế giới bước vào thời kỳ hậu toàn cầu hóa, khi thương mại giờ đây bị dẫn dắt bởi lợi ích chiến lược và an ninh, chứ không còn đơn thuần bởi nguyên tắc thị trường tự do.

Với sự thay đổi trong vai trò lãnh đạo của Mỹ vừa đề cập, ông đánh giá thế nào về nhận định “toàn cầu hóa kiểu cũ đang dần bị khai tử”? Trong bối cảnh đó, vai trò của WTO sẽ thay đổi ra sao?
Mô hình toàn cầu hóa kiểu cũ tức là dựa vào luật lệ chung, trọng tài trung lập và đồng thuận đa phương. Nhưng hiện nay, các nền kinh tế lớn đang ưu tiên chủ nghĩa dân tộc kinh tế và một mô hình “toàn cầu hóa theo vùng” đang hình thành: Các chuỗi cung ứng được tái cơ cấu theo khu vực – như Indo-Pacific, EU, Bắc Mỹ.
Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO không biến mất, nhưng vai trò ngày càng mờ nhạt. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO yếu đi, trong khi quyền định đoạt chuyển về tay các hiệp định song phương hoặc liên minh khu vực.
Vậy theo ông, những yếu tố nào sẽ định hình trật tự địa kinh tế mới?
Chưa ai biết trật tự thế giới mới sẽ diễn ra như thế nào, không ai biết được điều đó. Nó có thể là lưỡng cực, nhưng lưỡng cực như thế nào, sân chơi mới có luật lệ ra sao thì chưa thể biết. Tuy nhiên, theo tôi, có ba trụ cột chính sẽ định hình trật tự thế giới mới.
Thứ nhất, yếu tố về công nghệ, khi AI, dữ liệu lớn và năng lượng xanh sẽ tái cấu trúc quyền lực toàn cầu. Hiện tại, vai trò của chuyển đổi số đã quá rõ ràng – nếu không ứng dụng công nghệ, chúng ta không thể tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, cần quan tâm yếu tố “xanh” để tránh phí phạm, thông qua năng lượng tái tạo để tiết kiệm nguồn năng lượng.
Thứ hai, yếu tố địa chính trị, về cạnh tranh Mỹ - Trung và vai trò nổi bật của Ấn Độ, ASEAN. Cần lưu ý, ảnh hưởng về kinh tế của khối ASEAN là không hề nhỏ, do đó cần tăng cường sự đoàn kết để tạo nên một tập thể vững mạnh, đủ sức bảo vệ lợi ích chung.
Thứ ba, quốc gia nào xây dựng được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tự chủ về lương thực và năng lượng sẽ chiếm lợi thế. Trong đó, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là điểm Việt Nam còn yếu nhất. Muốn trồng một hạt giống, không chỉ cần phân bón, độ ẩm, khoáng chất, mà phải có cả một vườn ươm để hạt giống đó sống tốt, lớn mạnh. Tôi khuyến nghị Việt Nam cần phải xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo một cách tập trung, không phải theo phong trào, để nó thực sự phát huy giá trị.

Trước động thái Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46%, ông đánh giá ra sao về phản ứng của Việt Nam? Trong 90 ngày tạm hoãn, Việt Nam cần làm gì?
Theo tôi, lãnh đạo Việt Nam đã có cách phản ứng rất hợp lý. Khi Mỹ đe dọa áp thuế đối ứng 46%, họ đã không chọn cách trả đũa, mà tuyên bố sẵn sàng để mức thuế nhập khẩu là 0%. Việt Nam đã đưa ra thông điệp rất tích cực: Chúng tôi không đánh thuế, chúng tôi hoan nghênh nhập khẩu từ Mỹ. Nếu người dân và đất nước Việt Nam cần bất kỳ sản phẩm nào từ Mỹ, chúng tôi sẵn sàng nhập khẩu mà không áp thuế, để người dân có thể mua với giá rẻ hơn, tốt hơn.
Nhưng rồi cuối cùng, thế giới đang chuyển pha, cái cuối cùng vẫn là phải tự lực tự cường, phải tự chủ được định mệnh của mình. Chúng ta phải lo an ninh lương thực để không sợ đói, phải lo về năng lượng để không bị thiếu điện. Lương thực và năng lượng là hai yếu tố cốt lõi của nền kinh tế, đồng thời cũng cần phải đa dạng, đừng lệ thuộc quá lớn vào một thị trường.
Việt Nam cần nhìn động thái của Tổng thống Donald Trump không chỉ là biện pháp thương mại, mà là tín hiệu của một trật tự địa kinh tế mới – nơi các “luật chơi” bị định hình bởi ý chí chính trị.

Trong 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng, tôi đề xuất Việt Nam cần hành động với ba hướng đi. Trước nhất, chúng ta cần chủ động đàm phán, thể hiện sự minh bạch và thiện chí trong quan hệ thương mại với Mỹ.
Thứ hai, rà soát và tái cấu trúc chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào các ngành dễ bị tổn thương. Việt Nam cần tìm ra những thị trường mới, ví dụ, khu vực Trung Đông đang trỗi dậy với nhu cầu tiêu dùng lớn nhờ thu nhập bình quân cao. Ngoài ra, khu vực Nam Á cũng là một thị trường đầy triển vọng mà Việt Nam có thể khai thác. Chúng ta cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, Việt Nam không bị đứt chuỗi ở cả đầu vào lẫn đầu ra.
Thứ ba, cần tăng tốc số hóa và nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Đây chính là nội lực! Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh thế giới nhiều chuyển động, tồn tại những rủi ro và bất ổn, nội lực – tức là khả năng tự lực, tự cường là yếu tố quan trọng. Trong đó, chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng. Ví dụ, trong các lĩnh vực như nông nghiệp, đây là biện pháp tạo ra năng suất nhanh nhất với số vốn đầu tư thấp nhất, tuy nhiên cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố và hệ quả của biến đổi khí hậu để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất định, Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức nào, và đâu là cơ hội cần tận dụng, thưa ông?
Theo tôi, thách thức lớn nhất đến từ thị trường xuất khẩu có thể bị thu hẹp do chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro địa chính trị gia tăng và các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều cơ hội nếu biết tận dụng tốt lợi thế tự nhiên về nông nghiệp, vị trí địa lý chiến lược, nguồn nhân lực trẻ, giỏi toán và công nghệ. Đặc biệt, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như phần mềm hay agri-tech đang hình thành, mở ra cơ hội để Việt Nam bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Với những cơ hội và thách thức đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm 2025 và đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030 có khả thi không, thưa ông?
Điều này khó có thể trả lời, theo tôi, mục tiêu này có thể đạt được nhưng chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển. Việt Nam phải chuyển từ mô hình “lắp ráp giá rẻ” sang mô hình “giá trị cao” trong phát triển công nghiệp.
Đất nước nào khởi đầu cũng phải bắt đầu từ đi làm công, lấy công làm lời, rồi mới dành dụm và chủ động làm giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đã sa đà vào mô hình gia công này quá lâu – hơn 30 năm. Vì vậy, chúng ta cần dứt khoát thay đổi tư duy.
Để đạt được điều này, chúng ta cần tập trung vào ba trụ cột: Nâng cấp công nghệ (đặc biệt trong nông nghiệp thông minh và sản xuất xanh), phát triển nhân lực số (đặc biệt là kỹ năng AI, phần mềm, quản trị), và cải cách thể chế để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Cuối cùng, ông kỳ vọng gì về vai trò của Việt Nam trong "trật tự địa kinh tế mới"?
Bản thân tôi kỳ vọng Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư, mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á. Một quốc gia có thể dẫn đầu trong nông nghiệp thông minh, AI ứng dụng, phần mềm, tài chính số và năng lượng tái tạo. Muốn được như vậy, chúng ta cần sự tự tin quốc gia, tầm nhìn dài hạn, và một hệ sinh thái cùng hành động – từ Chính phủ, doanh nghiệp đến thế hệ trẻ.
Hoặc