Thị trường chứng khoán trải qua năm 2024 chủ yếu duy trì quanh vùng điểm 1.200 - 1.300 điểm. Dù có sự phục hồi nhất định, song những thách thức như đà bán ròng của khối ngoại, thanh khoản kém ổn định và tình trạng bất động sản gặp khó khăn vẫn là yếu tố kìm hãm sự phát triển của thị trường.
Năm 2024, nhà đầu tư đã kỳ vọng lớn vào khả năng VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, thậm chí tiến xa hơn đến ngưỡng 1.400 – 1.500 điểm. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan này đã nhiều lần bị dội “gáo nước lạnh”, đặc biệt trong giai đoạn tháng 4, tháng 8 và cuối tháng 10.
Trong khi các chỉ số kinh tế khác của Việt Nam như GDP, lạm phát và xuất nhập khẩu đều tích cực, thì biến động tỉ giá là một yếu tố then chốt ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Điều dễ thấy nhất chính là chuyển động dòng tiền khối ngoại.
Từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng hơn 85.000 tỷ đồng trên HoSE, tương đương hơn 3,3 tỷ USD - con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động.
Theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Đầu tư Dragon Capital, đà bán ròng của khối ngoại ảnh hưởng từ tình hình kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng chậm lại và chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã làm tăng giá USD, gây áp lực lên đồng VND.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố khác cản trở đà bứt phá của thị trường, một phần nguyên nhân đến từ sự giảm dần về lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.
Cùng với đó, mặc dù đã có nhiều cải tiến, đột phá trong việc sửa đổi nghị định, để áp dụng cơ chế yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (Pre-funding), tuy nhiên, thị trường vẫn cần chờ xem thực tế triển khai, để củng cố kỳ vọng nâng hạng hoặc thu hút thêm dòng vốn mới.
Những yếu tố này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang phản ánh đúng bối cảnh kinh tế vĩ mô và các áp lực bên ngoài và vẫn cần có động lực mạnh để vượt ra khỏi vùng điểm hiện tại.
Các cơ hội dẫn dắt thị trường trong năm 2025
Nhìn về năm 2025, chuyên gia Dragon Capital cho rằng yếu tố được kỳ vọng nhất chính là lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện, cùng xu hướng với phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt ở mức 7% và lợi nhuận doanh nghiệp cũng sẽ tăng trưởng 15-18%. Đây là điều kiện tiên quyết và quan trọng, giúp khôi phục niềm tin vào tiềm năng dài hạn của thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chí của FTSE cũng sẽ rất được kỳ vọng vào cuối năm 2025. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên mức mới nổi sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Theo đó, các nhà đầu tư ngoài nước sẽ có nhiều khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam khi các yêu cầu pháp lý như quy định "không yêu cầu tiền đặt trước" (Non Pre-funding Solution) và công bố thông tin bằng tiếng Anh được triển khai.
Đồng thời, việc triển khai Non-prefunding cũng có thể sẽ gia tăng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài và thanh khoản cho thị trường. Điều này sẽ giúp thị trường thu hút được dòng vốn lớn từ các quỹ ngoại, giảm thiểu tình trạng bán ròng như năm 2024.
Song, các nhà đầu tư nội địa cần chuẩn bị cho sự biến động do sự gia tăng cạnh tranh từ các nhà đầu tư quốc tế, nhưng cũng có nguy cơ dễ bị tác động mạnh bởi các biến động trên thị trường quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường có thể biến động lớn hơn.
Đồng quan điểm tích cực, ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Nhất Việt (VFS) nhận định năm 2025 có triển vọng dẫn dắt thị trường và thu hút dòng tiền, bởi đây là năm “về đích” của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, cũng là năm Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng cao, ở mức 6,5-7,5%.
Theo đó, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khu vực phía Nam. Ngân hàng, vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản sẽ là những nhóm ngành được hưởng lợi.
Ngoài ra, những tác động kinh tế từ xu hướng chính sách mới sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử cũng mang lại lợi ích cho các nhóm xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp.
Điểm danh những nhóm ngành “trợ lực”
Về các nhóm ngành cổ phiếu nên đầu tư trong năm 2025, ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu Trung tâm Phân tích Đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra đánh giá khả quan với 3 nhóm.
Đầu tiên là nhóm đầu tư công và vật liệu xây dựng. Theo ông Đào Minh Châu, do giải ngân đầu tư công có phần chững lại nên năm 2024 cổ phiếu khá yên lặng. Tuy nhiên, năm 2025 có thể được đẩy mạnh nhờ cuối nhiệm kỳ 2021 – 2025.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xuất khẩu chững lại, đầu tư tư nhân chưa có chuyển biến mới, Chính phủ sẽ kích lại kênh đầu tư công để hoàn thành mục tiêu. Theo tờ trình gần đây thì đầu tư công năm 2025 đặt chỉ tiêu tăng 16%. Song, sự phục hồi của bất động sản cũng giúp giúp thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng.
Nhóm cổ phiếu thứ hai được chuyên gia SSI Research gợi ý là bán lẻ. So với ngành khác, tăng trưởng ngành tiêu dùng vẫn còn khá thấp với mức tăng trưởng thực khoảng 5%. Tuy nhiên, nhóm bán lẻ tăng trưởng đến từ thu nhập của người dân, phụ thuộc vào FDI và ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, thủy sản.
“Trong năm 2024 chúng ta đã nhìn thấy sự phục hồi của dệt may và thủy sản. Thu nhập của người dân phục hồi sẽ giúp cho ngành bán lẻ phục hồi tốt hơn trong năm sau”, ông Châu nhận định.
Nhóm cổ phiếu tiềm năng thứ ba được khuyến nghị là dệt may dựa trên mức định giá hấp dẫn.
Chuyên gia SSI nhìn nhận năm 2024 nhiều doanh nghiệp dệt may đạt được mức tăng trưởng tốt, trong năm 2025 tốc độ tăng trưởng có thể chững lại một chút, nhưng so với tương quan về định giá thì hiện nay P/E dự phóng khoảng dưới 10 lần, tức thấp hơn trung bình của chỉ số, cũng như là nhóm ngành khác.
Trong khi có góc nhìn tích cực về cổ phiếu đầu tư công, vật liệu xây dựng, bán lẻ và dệt may, chuyên gia SSI Research đánh giá trung tính với cổ phiếu ngân hàng do rủi ro về nợ xấu, trái phiếu chưa trả nợ đúng hạn.
“Hiện nợ xấu ngân hàng vẫn chưa thể hiện được rõ do chúng ta vẫn có thông tư cho phép ngân hàng tái cơ cấu nợ trong năm sau. Đồng thời, trong quá khứ, chúng tôi nhận thấy là định giá của ngân hàng thường theo xu hướng cùng với NIM, khi có xu hướng chững lại trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động tăng, song lãi suất đầu ra chưa thể tăng tương ứng”, đại diện SSI Research phân tích kỹ dựa trên nguồn dữ liệu mới nhất.
Mặc dù đánh giá trung tính với nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Đào Minh Châu cho rằng có sự phân hóa với góc nhìn tích cực ở cổ phiếu riêng lẻ trong ngành.
Còn Giám đốc Phân tích VFS lại cho rằng về mặt định giá, ngành ngân hàng hiện vẫn còn hấp dẫn. Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, dự báo tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng bán lẻ với tỉ trọng cho vay tiêu dùng, bán lẻ cao. Khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ.
Đối với ngành bất động sản, năm 2025 sẽ hội tụ của nhiều yếu tố quan trọng cho chu kỳ tăng trưởng mới. Đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp, xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ thúc đẩy giá và nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp, đặc biệt ở khu vực phía Nam do điều kiện tự nhiên thuận lợi và cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Phía VFS kỳ vọng xu hướng chuyển dịch sản xuất sẽ nâng giá cho thuê tăng khoảng 10%, tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của ngành này trong dài hạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn để chuyển nhượng như nhóm bất động sản có gốc cao su sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ mức giá đền bù tăng cao theo quy định mới của Luật Đất đai.
Hoặc