Lòng se điếu - giá đắt hơn tôm hùm, món ăn gây tranh cãi bậc nhất vài ngày gần đây
Hai ngày nay, lòng se điếu trở thành món ăn gây sốt trên mạng xã hội. Câu chuyện bắt đầu từ chia sẻ của 1 đầu bếp trên Facebook cá nhân. Trong bài đăng, anh cho biết một học trò của mình làm nghề lấy lòng từ các lò mổ ở Hà Nội từng tiết lộ rằng lòng se điếu thực chất không phải loại lòng "xịn", mà chỉ có ở những con heo bị bệnh đường ruột.
Vị đầu bếp nói: "Có những nhà làm về heo mấy chục năm rồi họ cũng nói luôn họ không bao giờ thấy cái đó (lòng se điếu - PV) hết. Vậy mà ở ngoài Bắc bán quá chừng luôn, mà giá rất cao, giá trên trời luôn".
Đầu bếp này cũng khẳng định không nên ăn lòng se điếu và tuyên bố sẽ tặng tiền cho ai quay được cảnh chế biến lòng se điếu trực tiếp tại lò mổ.
Lòng se điếu thực chất là phần đầu ruột non của heo, đoạn gần dạ dày. Phần này dày hơn bình thường, có lớp mỡ mỏng bao quanh, khi chế biến cho cảm giác giòn sần sật, ngọt đậm vị và không bị ngấy như lòng thông thường.
Điểm đặc biệt là hình dáng đoạn lòng này có dạng xoắn, tròn trịa, nhìn như ống điếu hút thuốc lào, bởi vậy mới có cái tên "lòng se điếu".

Lòng se điếu đang là món ăn gây sốt bậc nhất mạng xã hội vài ngày gần đây. (Hình minh hoạ).
Giá lòng se điếu thậm chí còn đắt hơn giá tôm hùm, có nơi bán 350-400 nghìn đồng/lạng. Đây chính là lý do khiến nhiều người nghi ngờ về độ "hiếm có khó tìm" và đặt câu hỏi: Liệu có thật là có thể thu mua cả chục kg mỗi ngày như lời người bán?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Lòng se điếu quý nhưng không hiếm

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội)
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: "Lòng se điếu là đoạn ruột non có cấu trúc đặc biệt, thường xuất hiện ở những con lợn cấn (lợn đực nuôi để làm giống) hoặc những con lợn nhỏ được nuôi kỹ lưỡng".
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng lòng se điếu rất hiếm, PGS Thịnh nói: "Lòng se điếu quý nhưng không hiếm. Mỗi ngày ở Hà Nội giết mổ hàng nghìn con lợn, chẳng lẽ lại không có vài kg lòng se điếu? Ngày nay, người nuôi có thể điều chỉnh chế độ chăn nuôi để chất lượng thịt và nội tạng đạt chuẩn, không nuôi lợn quá già, nên việc tìm được bộ lòng ngon, kể cả lòng se điếu là hoàn toàn khả thi".
Trước ý kiến cho rằng lòng se điếu ít nên không thể có nhiều như trên thị trường hiện nay, chuyên gia đặt vấn đề ngược lại: "Thế nào là nhiều? Là hàng tấn hay hàng cân? Nên nhớ, mỗi bát lòng chỉ cần một đoạn lòng se điếu nhỏ. Mỗi ngày một quán bán vài kg lòng se điếu là điều rất bình thường".
Không có hóa chất nào biến lòng thường thành lòng se điếu

Món lòng se điếu. (Hình minh hoạ).
Trả lời câu hỏi liệu có hóa chất nào có thể "biến hóa" lòng thường thành lòng se điếu, ông Thịnh khẳng định: "Người ta chỉ có thể dùng hóa chất để thay đổi mùi vị, màu sắc, hoặc bảo quản, chứ không có loại hóa chất nào biến lòng thường thành lòng se điếu".
Trước thông tin cho rằng "lòng có sán mới là lòng se điếu", hoặc các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy loại lòng này có nhiều ký sinh trùng, PGS.TS Thịnh cho biết: "Lòng lợn là một phần trong hệ tiêu hóa của loài ăn tạp. Việc lòng, bao gồm cả lòng se điếu chứa ký sinh trùng như giun sán là có thể xảy ra. Tuy nhiên, không chỉ lòng se điếu, mà tất cả các phần nội tạng của lợn đều có nguy cơ chứa sán".
Lòng se điếu nằm ở đoạn ruột non, nơi xử lý thức ăn, nên tỷ lệ chứa ký sinh trùng là cao. Tuy nhiên, món ăn này thường được sơ chế rất kỹ trước khi chế biến, và là món có giá trị cao, nên hiếm khi xuất hiện giun sán trong thành phẩm nếu được chế biến đúng cách.
Lòng se điếu cũng như các loại lòng khác, chỉ an toàn khi được tiêu thụ ở mức vừa phải, có nguồn gốc uy tín. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh: Dù ăn lòng se điếu hay bất kỳ loại nội tạng nào khác, điều quan trọng nhất là sơ chế kỹ và nấu chín hoàn toàn.
Những lưu ý quan trọng khi ăn lòng lợn
1. Chọn mua lòng lợn an toàn:
Mua ở cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
Chọn phần ruột phẳng, tròn, màu trắng hồng, nhẵn, không có mùi lạ.
Lòng tươi sẽ có độ đàn hồi tốt, không xuất hiện các nốt cục nhỏ như hạt gạo (dấu hiệu lợn bệnh)
2. Sơ chế đúng cách:
Loại bỏ lớp mỡ thừa.
Lộn mặt trong của lòng để rửa sạch với muối, chanh hoặc giấm.
Nấu chín kỹ trước khi ăn.
3. Ăn đúng liều lượng:
Người lớn chỉ nên ăn 50-70g mỗi lần, tối đa 2 lần/tuần.
Trẻ nhỏ chỉ nên ăn 30-50g mỗi lần.
Không nên ăn thường xuyên vì nội tạng chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, có thể làm tăng mỡ máu, gây hại tim mạch.
4. Ai nên hạn chế hoặc tránh ăn lòng lợn?
Người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao nên hạn chế hoặc tuyệt đối không ăn lòng lợn vì dễ làm bệnh trầm trọng hơn.
Tránh mua nội tạng không rõ nguồn gốc vì nguy cơ nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như Salmonella, E. coli, Listeria monocytogenes…
Hoặc