"Cô gái Harvard" nổi tiếng một thời
Vào những năm 1990, cái tên Lưu Diệc Đình – cô gái đến từ Thành Đô từng gây chấn động dư luận khi trúng tuyển vào Đại học Harvard năm 18 tuổi. Thời điểm ấy, truyền thông Trung Quốc chưa bị bão hòa bởi Internet, và câu chuyện củaLưu Diệc Đình nhanh chóng trở thành biểu tượng hoàn hảo của thành công.

Lưu Diệc Đình nổi tiếng ở Trung Quốc những năm 1999-2000 vì thành tích học tập và thi đỗ Harvard.
Ngay sau khi con gái được nhận vào Harvard, cha mẹ cô lập tức cho ra mắt cuốn sách "Cô gái Harvard Lưu Diệc Đình" (được dịch ra tiếng Việt với tiêu đề: Em phải đến Harvard học kinh tế", được quảng bá như "kim chỉ nam" của các bậc phụ huynh về phương pháp giáo dục con thành tài. Trong sách, từ thực đơn ăn uống, lịch trình học tập đến việc rèn luyện ý chí đều được hệ thống hóa và định lượng tỉ mỉ đến mức cực đoan.
Một trong những phương pháp gây ám ảnh nhất là bài tập mùa đông buộc trẻ phải cầm đá lạnh trong 15 phút để "tăng cường ý chí". Cô bé Lưu cũng bị cấm mặc đồ màu sắc, không được thần tượng nghệ sĩ, càng không được yêu đương từ khi còn tiểu học. Mọi thứ trong cuộc sống của cô đều vận hành theo lộ trình "đỗ vào trường danh giá".
Hành động này, ngày nay không phù hợp, nhưng lại được coi là một hình mẫu giáo dục vào thời điểm đó tại Trung Quốc. Chính nhiều bậc cha mẹ khác đã áp dụng phương pháp này với niềm tin rằng nếu con cái họ có thể chịu đựng được nhất định sẽ thành công như con gái họ Lưu.
Ánh hào quang của 1 "biểu tượng giáo dục"
Năm 1999, khi Lưu Diệc Đình chính thức trở thành sinh viên Harvard, cả xã hội Trung Quốc bùng nổ. Các phương tiện truyền thông đưa cô lên tầm cao mới, các trường học đua nhau học theo, và phụ huynh trên khắp cả nước lao vào cuộc đua đào tạo "con nhà người ta".
Ở tuổi 18, Lưu Diệc Đình trở thành biểu tượng cho sự thăng tiến giai cấp – một đứa trẻ bình thường nhưng đạt tới đỉnh cao nhờ kỷ luật sắt và sự đầu tư bài bản từ gia đình. Nhưng trong suốt giai đoạn được tôn vinh ấy, không ai hỏi cô thật sự mong muốn điều gì.
Ngay cả khi cô viết lời tuyên thệ "đóng góp nhiều cơ hội việc làm cho đất nước", người ta vẫn không rõ đó là mong muốn cá nhân, hay đơn giản là sản phẩm từ sự kỳ vọng của cha mẹ.
26 năm sau, "cô gái Harvard" không khởi nghiệp rực rỡ, không trở về Trung Quốc truyền cảm hứng, mà chọn một cuộc sống yên bình tại Mỹ. Sau nhiều lần đổi việc và thất bại khởi nghiệp, cô kết hôn với một luật sư người Do Thái có thu nhập ổn định và hiện sống cuộc sống trung lưu ở New York.

Lưu Diệc Đình kết hôn với 1 luật sư
Lưu Diệc Đình từng làm việc tại bộ phận phát triển chiến lược của PepsiCo, rồi khởi nghiệp thành lập một công ty quản lý quỹ Coalhood Partners tập trung vào đầu tư chứng khoán Trung Quốc. Năm 2016, cô trở thành giám đốc điều hành tại công ty quản lý đầu tư Coalhood Partners. Hiện tại, Diệc Đình đâng làm việc trong lĩnh vực đầu tư.
Câu chuyện đời cô được truyền thông nhắc lại với tiêu đề gây tranh cãi: "Cô gái Harvard Lưu Diệc Đình giờ sống cuộc đời trung lưu bình thường". Nhiều người từng tung hô cô năm xưa giờ lại thất vọng – chỉ vì cô không "tỏa sáng như họ kỳ vọng".
Nhưng điều đáng suy ngẫm là: Tại sao sống hạnh phúc, bình dị bên chồng con lại không được coi là thành công?
Lưu Diệc Đình không thất bại – cô chỉ đang sống đúng với những gì bản thân mong muốn, sau khi đã rũ bỏ mọi kỳ vọng và nhãn mác. Không còn điểm số, không còn nhật ký phụ huynh, không còn công khai thành tích. Chỉ còn lại một con người thật sự, với lựa chọn đời mình.
Câu chuyện của cô phản ánh nỗi ám ảnh giáo dục trong xã hội: chúng ta từng tin rằng đỗ vào Harvard là tấm vé bảo chứng cho thành công, rằng một khởi đầu ưu tú sẽ dẫn đến kết thúc rực rỡ. Nhưng thực tế, thành công không nằm ở danh hiệu, mà ở việc sống một cuộc đời đáng sống.
Lưu Diệc Đình từng là hình mẫu lý tưởng mà mọi gia đình mong có. 26 năm sau, cô âm thầm chứng minh: có nhiều con đường để hạnh phúc, và không đứa trẻ nào nên là dự án đầu tư của cha mẹ.
Theo 163.com
Hoặc