Hành trình về quê mẹ
Đoàn chúng tôi gồm 343 con người, từ người lớn tuổi sang thăm con cháu, người đi công tác bị mắc kẹt…đến các du học sinh. Trong bộ đồ bảo hộ màu xanh dương, chúng tôi nom như một đoàn thám hiểm lặng lẽ leo lên bậc cầu thang máy bay rồi lần lượt đi vào bên trong. Dưới sự hướng dẫn của nhân viên phi hành đoàn – cũng trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, mọi người nhanh chóng ổn định chỗ ngồi.
Tôi và con trai ngồi ở hàng ghế cuối cùng nên có dịp quan sát toàn khoang máy bay. Các ghế ngồi đều kín chỗ. Phải rồi. Dù cho Chính phủ đã tổ chức 9 chuyến và đây là chuyến thứ 10 đón công dân về nước, số người Việt mắc kẹt tại Canada vẫn còn khá nhiều. Theo một nguồn tin, riêng chuyến thứ 10 này, ngoài 343 công dân được gọi tên thì còn khoảng 2.000 đơn nữa chưa được xét duyệt, phải chờ đợi những chuyến tiếp theo.
Dù đã được bay không biết bao nhiêu lần, đến nhiều vùng trên thế giới nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến một chuyến bay lạ lùng như chuyến này. Khoang Thương gia chỉ để dành riêng cho phi hành đoàn (nghe nói tới 30 người phục vụ cho chuyến bay). Cả khoang máy bay gần như không tiếng động ngoại trừ tiếng chạy ro ro êm tai của máy móc và thi thoảng là tiếng thông báo trên loa của tiếp viên. Suốt hành trình 20 tiếng bay và 1 tiếng dừng tại Tokyo để tiếp nhiên liệu, thảng hoặc mới thấy có người đi về phía khu vực vệ sinh. Cả con tàu bay cứ thế vượt không gian, thời gian, vượt qua đại dương bao la phía dưới để tiến thẳng về Đất Mẹ. Có một cái gì đó vừa nghiêm trang, vừa thiêng liêng và có phần bí hiểm.
Những bữa ăn đơn giản, gọn nhẹ được các tiếp viên mang tới từng người. Đến bữa ăn cũng diễn ra trong không khí nghiêm trang, lặng lẽ chưa từng có. Tôi có cảm giác như thể cả đoàn chúng tôi đang đi làm nhiệm vụ gì đó rất đặc biệt. Nghĩ cho cùng thì chúng tôi là những người con của Đất Mẹ đang trên hành trình trở về nhà mình, trong sự dồn nén tiếp tục của vô vàn cảm xúc – vui, buồn xen lẫn rất nhiều tủi hờn. Chờ đợi chúng tôi ở phía trước là Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, là gia đình, bạn bè và nhiều lắm những điều thân quen khác.
Những ngày mong nhớ
Giữa thời buổi đại dịch covid -19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ, châu Âu… để được lên chuyến bay trở về Đất Mẹ, với mẹ con tôi là một sự may mắn. Tôi thì chưa đến tuổi 60 còn con trai thì đã hơn 18 – chưa phải đối tượng ưu tiên nhất trong các đối tượng có nguyện vọng được bay về nước. Suốt mấy tháng qua, mỗi chuyến bay cứu hộ từ Canada trở về Việt Nam là mỗi lần mẹ con tôi lại sống trong lo âu, thấp thỏm, hy vọng rồi thất vọng, thậm chí cả tuyệt vọng. Gần đây nhất là chuyến bay ngày 23/10/2020, đã đăng ký lại bảo hộ công dân theo hướng dẫn của Đại sứ quán, đã phấp phỏng hy vọng mà đến phút chót, chúng tôi vẫn chưa được “Tổ quốc gọi tên”. Đúng vào giờ chiếc máy bay chở theo công dân Việt Nam rời sân bay Toronto Pearson, tôi lái xe đi trong nỗi buồn tan nát, cùng con trai lang thang trên những con đường ngoại vi thành phố Toronto. Con trai cứ ngước mắt nhìn trời, nhìn theo mãi những chiếc máy bay đang bay lượn phía xa. Tôi biết trong lòng cháu cũng khổ sở vô cùng vì biết bao nhiêu kế hoạch bị ngừng trệ, dự định nhập học ở Việt Nam của cháu bị lỡ hẹn, ngày về lại chưa thể biết chính xác trong lúc tình hình dịch covid 19 tại Canada đang diễn tiến xấu thêm rất nhanh.
Lòng tôi cũng ngổn ngang trăm mối. Việc nhà, việc cơ quan đang đợi, nhưng vì không chỉ là “chỗ dựa” của bản thân mình, tôi còn phải là chỗ dựa của con, giúp con vượt qua những ngày dài căng thẳng. Tôi cố tỏ ra cứng rắn nhưng quả thực nhiều lúc cũng thấy quá giới hạn của sức chịu đựng. Không việc làm, không thu nhập, đường về thì tắc… Đợi hết mùa xuân qua, hè tới, thu về và bây giờ là mùa đông đã đến bên thềm, gió lạnh đưa đến những bông tuyết đầu mùa buốt giá mà chúng tôi vẫn chưa được về nhà.
Quanh tôi, có một số em học sinh phổ thông, sinh viên cao đẳng, đại học đã được gọi về trong các chuyến bay từ 30/4 đến nay. Đó là những du học sinh dưới tuổi 18, ngơ ngác như những chú chim non, sợ hãi thu mình giữa những người xa lạ; là những sinh viên bị đóng cửa trường học và ký túc xá, phải lang thang tìm nơi tá túc giữa trời tuyết lạnh. Không ít bệnh nhân mang trọng bệnh cũng kịp về quê nhà để chữa trị. Có em bị suy thận giai đoạn cuối được nhóm tình nguyện hỗ trợ của trang Cha mẹ du học sinh Canada hướng dẫn liên lạc với đại sứ quán để được gọi tên về trong chuyến bay cứu hộ.
Cả thế giới sống trong căng thẳng vì con virus vô hình chưa tìm ra cách trị. Ontario bị phong tỏa không chỉ một lần với những quy định nghiêm ngặt, ai vi phạm có thể bị đi tù hoặc phạt rất nặng. Tình hình càng lúc càng căng, thách thức cả những người cực kỳ kiên nhẫn hoặc có thần kinh thép. Người Việt bị mắc kẹt ở Canada, nhất là những ai đang ốm đau bệnh tật, du học sinh mất chỗ ở vì ý túc xá đóng cửa, sinh viên mất việc làm thêm, không còn tiền trang trải phí sinh hoạt thì khổ vô cùng. Con covid không trừ ai. Cái chết bởi nhiễm virus cũng không chừa ai.
Đã có người Việt bị nhiễm virus và ra đi trong nỗi cô đơn tột cùng trên đất khách. Ở một góc độ khác, người ta chưa ngã quỵ bởi covid thì cũng gục xuống bởi sự căng thẳng kéo dài. Thống kê của Bộ Y tế Canada cho thấy, 25% số dân Canada mắc các bệnh về tâm thần kể từ khi dịch bùng phát. Các bác sĩ ở Trung tâm Sức khỏe Tâm thần thành phố Scarborough cũng cho biết, rất nhiều du học sinh Việt Nam bị trầm cảm thường xuyên gọi điện hoặc tìm đến trung tâm để được hỗ trợ, chữa trị.
Mới đây nhất có một em du học sinh bị đột quỵ và chết. Phải mất hai tuần sau cảnh sát mới xác định được thân nhân của em để liên lạc. Đau đớn làm sao, gia đình em ở Huế cũng vừa bị trận lũ làm cho thiệt hại vô cùng. Hội Cha mẹ du học sinh Canada đã quyên góp được 145 triệu đồng, lại liên hệ để có người đứng ra thay mặt gia đình làm tang lễ, hỏa táng và chuyển tro cốt của em về quê nhà.
Con số ca nhiễm mới trên toàn Canada và đặc biệt là vùng Toronto tăng lên rất nhanh, tới hơn 5 ngàn ca mỗi ngày, các Bệnh viện ở vùng trung tâm dịch như Quebec, Toronto lâm vào tình trạng quá tải. Chính phủ Canada lại đang tính tiếp việc phong tỏa cấp độ đặc biệt như ở lần phong tỏa thứ nhất. Trong tình hình gấp gáp và đặc biệt nguy hiểm đó, khi biết hai mẹ con vẫn chưa có tên trong chuyến bay thứ 10, sức chịu đựng của tôi và con trai quả là đã đến giới hạn cuối cùng.
Một buổi chiều, trong nỗi buồn vô vọng, tôi lái xe chở con trai đi lang thang trên những cung đường quen thuộc. Bỗng nhiên điện thoại Samsung của tôi có tín hiệu thư. Con trai xem hộ rồi run run: “Mẹ ơi! Sứ quán gửi thư thông báo mẹ con được gọi bay chuyến này”. Tôi bàng hoàng không thể tin vào tai mình nữa. Thay vì reo lên mừng rỡ, tôi đã lái xe liền trong hai tiếng mà không hề tạt vào đâu – chỉ để nhâm nhi cảm giác của người…chiến thắng.
Vòng tay Đất Mẹ
“Mình đang bay trên vùng trời Việt Nam”. Con trai tôi thì thào. Nước mắt bỗng lăn dài trên má tôi. Trong tích tắc, hàng chuỗi những ngày dài sống trong căng thẳng, tuyệt vọng hiện về. Tủi hờn bỗng đâu ập tới. Tôi nghĩ rằng, 343 con người đang im phăng phắc trên những hàng ghế kia, không ít người có tâm trạng như tôi. Thường thì người ta khóc khi đau khổ hay buồn quá, vui quá. Còn khóc nghẹn vì niềm vui xen lẫn tủi hờn thì đủ biết là những ngày đã qua nó kinh khủng đến thế nào.
“Đoàn thám hiểm” lục tục rời khỏi máy bay trong yên lặng. Sân bay Vân Đồn khá hắt hiu trong chiều đông màu xám. Thủ tục nhập cảnh, kiểm tra ý tế, phun khử trùng hành lý, lên xe về khách sạn ở thành phố Hạ Long, lại khử trùng hành lý, kiểm tra y tế… lúc vào đến phòng nghỉ là đúng 6 tiếng. Trời Hạ Long đã tối sẫm, chỉ còn những ngọn đèn thức trông đêm trên phố vắng. Xa xa là những dải sáng chạy dài trên con đường vào đảo Tuần Châu.
Tôi thức dậy bởi tiếng xe máy rồ ga trên phố, tiếng người í ới gọi nhau. Ở một ngôi nhà gần đây, ai đó đã mở nhạc tưng bừng… Âm thanh quen thuộc kéo tôi về thực tại. Bên ngoài khung cửa sổ kia là biển Hạ Long lấp loáng trong nắng sớm. Những hòn đảo lô nhô ẩn hiện trong màn sương, như vẫn còn đang ngái ngủ. Quê hương Việt Nam của tôi chưa bao giờ đẹp đẽ, lung linh và tạo cho tôi nhiều xúc cảm đến thế.
Tôi nhớ đến những gương mặt bạn bè còn đang kẹt lại ở xứ lá phong. Những anh bạn thậm chí được gọi là đại gia chỉ muốn bung hết mọi thứ để về nhưng đang trong cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Lại chợt liên tưởng đến câu chuyện về một đại gia Việt có cơ sở làm ăn bên Nga. Anh đã về Việt Nam an toàn nhưng vì lo cho cơ sở kinh doanh của mình mà lại liều lĩnh lội ngược sang Nga để rồi ngay lập tức dính covid. Anh ra đi trong nỗi cô đơn cùng cực, những đồng tiền anh đổ xương máu kiếm được nay bỗng trở thành những đồng tiền mồ côi.
Tôi nhớ đến một cô bé du học sinh tên Minh ở thành phố Hamilton, bang Ontario. 15 năm trước, khi mẹ cô bước chân vào phòng mổ còn nói với lại: “Anh ơi, nếu có mệnh hệ gì thì anh bảo bác sĩ cứu con bằng mọi giá nhé”. Đấy là mẹ cô nghĩ xa vì đàn bà chửa là cửa mả. Đẻ mổ nữa, biết thế nào mà nói trước. Nay cô bé Minh ấy đang học high school ở Hamilton. Mẹ cô ngày nào cũng giục cô đăng ký với đại sứ quán để về nhưng cô bé gan lỳ, nhất quyết trụ lại để học xong chương trình phổ thông. Ontario có lẽ sắp lock down cấp độ cao nhất vì dịch bùng phát mạnh quá. Những cơn bão tuyết kéo dài càng khiến cho covid lây lan nhanh hơn. Không biết cô bé chống chọi với bão tuyết, bão đại dịch thế nào?
Tôi chỉ mong những ngày cách ly mau qua để tôi có thể về thắp hương cho cha mẹ mà khẽ nói: Cha mẹ ơi. Con đã về. Chỉ đơn giản thế thôi mà con gái và cháu ngoại của ông bà đã lặn lội vượt qua nửa vòng địa cầu. Và chắc chắn ngày ấy sẽ đến với tôi.
Hoặc