Cùng với tăng lương, đại biểu Quốc hội nêu lý do cần thiết giảm giờ làm

Admin

16/07/2025 12:01

"Không có lý do gì khi đất nước phát triển mà người lao động phải làm việc số giờ cao. Người lao động cần được quan tâm, chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước", đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa chia sẻ với PV Tiền Phong.

‘Bước tiến đáng ghi nhận’

- Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 7,2%, áp dụng từ đầu năm 2026. Quan điểm của ông xoay quanh vấn đề này như thế nào?

- Ông Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội: Tôi cho rằng, mức tăng lương tối thiểu vùng 7,2% được Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất là một bước tiến đáng ghi nhận, phản ánh sự cân bằng giữa nhu cầu cải thiện đời sống người lao động và khả năng tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhất là năm 2025, Quốc hội đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 8% trở lên.

Mức tăng này không chỉ bù đắp được lạm phát mà còn đảm bảo một phần cải thiện thực chất thu nhập của người lao động, phù hợp với tinh thần của Bộ luật Lao động 2019 về mức lương tối thiểu - đó là đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

Cùng với tăng lương, đại biểu Quốc hội nêu lý do cần thiết giảm giờ làm- Ảnh 1.

Ông Phạm Trọng Nghĩa.

- Về thời điểm áp dụng, theo ông, liệu có thể thực hiện sớm hơn so với đề xuất trên?

- Theo tôi, chính sách này được áp dụng càng sớm càng tốt. Qua khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, gần 55% người lao động vừa đủ chi tiêu cơ bản; hơn 26% sống kham khổ; gần 8% không đủ sống, phải làm thêm. Trong bối cảnh thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, 12,5% người lao động cho biết thường vay mượn hàng tháng.

Người lao động cảm thấy thu nhập hiện tại không đủ đảm bảo cuộc sống ổn định khi có vợ chồng, đặc biệt khi chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng con cái ngày càng tăng. Tiền lương thấp còn ảnh hưởng đến việc mua nhà, tiết kiệm cho tương lai và đảm bảo nhu cầu cơ bản cho một gia đình mới.

Tuy nhiên, việc đẩy nhanh thời điểm áp dụng cũng cần tính đến các thách thức đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng do chiến tranh, xung đột vũ trang và các rào cản thương mại quốc tế, nhất là thuế đối ứng từ thị trường Mỹ.

Để đảm bảo tính khả thi, tôi cho rằng, cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn như hỗ trợ lãi suất vay vốn, tiền sử dụng đất hoặc đẩy mạnh các chương trình cải thiện năng suất lao động.

Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu

- Điều người dân lo ngại là mỗi lần tăng lương lại có sự điều chỉnh tăng giá, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu. Theo ông, cần có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

- Lo ngại của người dân về việc tăng lương kéo theo tăng giá các mặt hàng thiết yếu là hoàn toàn có cơ sở. Kinh nghiệm cho thấy lạm phát thường xuất hiện sau mỗi đợt điều chỉnh lương.

Để ngăn chặn tình trạng này và đảm bảo rằng việc tăng lương mang lại lợi ích thực chất cho người lao động, tôi cho rằng, Chính phủ cần triển khai một hệ thống giải pháp đồng bộ.

Trong đó, cần tăng cường kiểm soát lạm phát thông qua các công cụ chính sách tiền tệ và tài khóa. Ngân hàng Nhà nước cần duy trì chính sách lãi suất hợp lý và giám sát chặt chẽ cung tiền để tránh lạm phát vượt mục tiêu 4,5% mà Quốc hội đã đề ra.

Đồng thời, cần xây dựng các chương trình bình ổn giá cho các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, và năng lượng, đặc biệt là giá điện - yếu tố có tác động lan tỏa mạnh đến chi phí sinh hoạt.

Cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả quản lý thị trường để ngăn chặn các hành vi đầu cơ, tích trữ, hoặc tăng giá bất hợp lý. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời công khai thông tin để tạo sự minh bạch và niềm tin cho người dân.

Cùng với tăng lương, đại biểu Quốc hội nêu lý do cần thiết giảm giờ làm- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giảm áp lực chi phí khi tăng lương như: giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đồng thời đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ chuyển đổi công nghệ để tăng năng suất lao động.

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp duy trì giá thành sản phẩm ở mức hợp lý, thay vì chuyển chi phí tăng lương sang người tiêu dùng.

Lý do cần thiết giảm giờ làm

- Ngoài vấn đề tăng lương, tại diễn đàn Quốc hội, ông từng đề nghị sớm thực hiện lộ trình giảm giờ làm cho người lao động . Mức giảm cụ thể ra sao và lý do là gì, thưa ông?

- Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội, tôi đã đề xuất giảm giờ làm việc trong khu vực tư nhân từ 48 giờ xuống 44 giờ mỗi tuần, tương đương với việc giảm từ 6 ngày làm việc xuống còn 5,5 ngày, với lộ trình thực hiện từ năm 2026.

Đề xuất này xuất phát từ tầm nhìn dài hạn về phát triển nguồn nhân lực bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và tạo sức ép để tăng năng suất lao động.

Hiện nay, quy định giờ làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm. Nếu tính tổng thời gian làm việc thực tế và thời giờ làm thêm của người lao động tương đối cao. Thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, hiện hầu hết quốc gia đã áp dụng chế độ 40 giờ, thậm chí dưới 40 giờ mỗi tuần.

Qua khảo sát 154 nước cho thấy, chỉ 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ mỗi tuần; 1/3 số nước áp dụng 48 giờ giống Việt Nam, và khoảng 2/3 các nước có 48 giờ trở xuống.

Theo nghiên cứu của ILO, giảm giờ làm có thể cải thiện năng suất lao động lên đến 20% trong một số ngành, đồng thời giảm thiểu rủi ro về sức khỏe và tai nạn lao động.

Bên cạnh đó, việc giảm giờ làm sẽ tạo điều kiện để họ chăm lo cho bản thân và gia đình, tiếp cận các chương trình đào tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam trên trường quốc tế.

Không có lý do gì khi đất nước phát triển mà người lao động phải làm việc số giờ cao. Người lao động cần được quan tâm, chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước.

Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

- Trân trọng cảm ơn ông!