Bà Lý năm nay 68 tuổi, trước khi nghỉ hưu từng là kế toán của một doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc. Với mức lương hưu 8.000 NDT/tháng (khoảng 28 triệu đồng), đáng lẽ bà có thể tận hưởng một cuộc sống tuổi già sung túc. Thế nhưng, một cơn đột quỵ bất ngờ khiến bà phải nhập viện, và thực tế phũ phàng nhanh chóng bày ra trước mắt: toàn bộ số tiền tiết kiệm gần như bị rút cạn, thậm chí chi phí viện phí cũng phải vay mượn khắp nơi.
Câu chuyện của bà Lý là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những người cao tuổi: Dù có bao nhiêu tiền tiết kiệm, cũng phải giữ vững nguyên tắc tài chính, đặc biệt không nên mắc phải ba sai lầm sau đây.
1. Bao bọc con cái quá mức
Sau khi nghỉ hưu, bà Lý có một khoản tiền tiết kiệm kha khá. Vì vậy, mỗi khi con trai gặp khó khăn tài chính, bà đều không ngần ngại giúp đỡ. Ban đầu chỉ là tiền lặt vặt, sau đó là học phí của cháu, rồi đến tiền vay mua nhà của con trai. Bà luôn nghĩ rằng: “Giúp được thì giúp”, nhưng chẳng ngờ số tiền tiết kiệm ngày một vơi đi, chất lượng cuộc sống cũng dần giảm sút.
Điều khiến bà đau lòng nhất là con trai ngày càng ỷ lại, thậm chí coi sự giúp đỡ của mẹ là điều hiển nhiên. Có lần, con trai muốn mở cửa hàng và tiếp tục xin tiền, nhưng bà từ chối. Không ngờ, anh ta lại tức giận cãi vã với mẹ, khiến tình cảm gia đình rạn nứt. Chỉ đến lúc đó, bà Lý mới nhận ra rằng giúp đỡ quá mức không chỉ khiến bản thân rơi vào khó khăn mà còn làm con cái mất đi khả năng tự lập.
Cha mẹ thương con là lẽ tự nhiên, nhưng tình thương cũng cần có giới hạn. Bởi bao bọc con cái quá mức không chỉ khiến cha mẹ rơi vào cảnh túng quẫn, mà còn khiến con cái mất đi động lực phấn đấu.
2. Dễ dàng cho vay tiền

Bước vào cuộc sống nghỉ hưu, vòng tròn giao tiếp của bà Lý thu hẹp lại, nhưng mối liên hệ giữa bạn bè lại trở nên khăng khít hơn. Một ngày nọ, một người bạn lâu năm bỗng tìm đến bà, than phiền rằng công việc kinh doanh gặp khó khăn và cần gấp một khoản tiền để xoay sở. Vì cả tin, bà Lý không ngần ngại cho vay hàng chục nghìn tệ mà không cần người bạn kia viết giấy nợ.
Thế nhưng, nửa năm trôi qua, người bạn ấy không những không trả tiền mà còn liên tục viện đủ lý do để trì hoãn. Mãi về sau, bà Lý mới biết rằng người này đã phá sản từ lâu, số tiền bà cho vay gần như không thể đòi lại.
Sự việc này giúp bà nhận ra một bài học đắt giá: Cho vay tiền không chỉ có nguy cơ mất trắng, mà còn có thể làm sứt mẻ tình bạn nhiều năm. Bà chua xót tâm sự: “Khi về già, tiền là chỗ dựa duy nhất. Dễ dàng cho vay mà không suy nghĩ kỹ chẳng khác nào tự đào hố chôn mình.”
Nhà văn Mạc Ngôn từng nói: “Tiền bạc như tấm gương soi, phản chiếu rõ bản chất con người.” Khi đã nghỉ hưu, nguồn thu nhập trở nên hạn chế, khoản tiết kiệm chính là chỗ dựa cho tuổi già. Dù là họ hàng hay bạn bè, việc cho vay tiền cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Tốt nhất, nếu bắt buộc phải cho vay, hãy lập văn bản thỏa thuận rõ ràng để tránh những rắc rối về sau.
3. Đầu tư mù quáng

Hơn nữa, bà Lý từng đầu tư vào một dự án được quảng cáo là có “lợi nhuận cao” theo lời giới thiệu của bạn. Người này cam kết mức lãi suất lên đến 20% mỗi năm, vì vậy bà Lý quyết định rót một phần tiền tiết kiệm vào dự án. Nhưng chưa đầy nửa năm sau, dự án sụp đổ, toàn bộ số tiền đầu tư của bà cũng mất trắng. Dù bà vô cùng hối hận, nhưng lúc này đã quá muộn.
Ở tuổi nghỉ hưu, nguồn thu nhập của chúng ta thường cố định và khả năng chống chịu rủi ro thấp. Nếu mù quáng chạy theo lợi nhuận cao, rất có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Câu chuyện của bà Lý là một bài học đắt giá: Khi về già, nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý tài chính là an toàn và bền vững.
Khoản tiết kiệm sau khi nghỉ hưu chính là “liều thuốc an thần” cho cuộc sống tuổi già. Việc đầu tư mạo hiểm chỉ khiến bản thân rơi vào cảnh khó khăn. Thay vì theo đuổi lợi nhuận cao, người cao tuổi nên ưu tiên các hình thức đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm kỳ hạn dài hoặc mua trái phiếu chính phủ, nhằm đảm bảo an toàn cho số tiền gốc. Giữ vững khoản tiền dưỡng già chính là bảo vệ sự an tâm trong những năm tháng cuối đời.
Câu chuyện của bà Lý là tấm gương phản chiếu cuộc sống của nhiều người cao tuổi. Khi đã nghỉ hưu, tiền tiết kiệm là chỗ dựa rất quan trọng. Muốn sống an vui tuổi già, điều quan trọng nhất là phải giữ vững nguyên tắc tài chính, biết cách quản lý và hoạch định cuộc sống hợp lý. Tình yêu thương dành cho con cái cần có giới hạn, vì mỗi người phải tự đi trên đôi chân của mình. Tình bạn đáng quý, nhưng khi liên quan đến tiền bạc, cần thận trọng. Đầu tư tài chính thì nên đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, tránh những rủi ro không đáng có.
Chỉ khi làm được điều đó, tuổi già mới thực sự an nhiên, hạnh phúc. Và đó cũng chính là trách nhiệm lớn nhất của mỗi người dành cho bản thân và gia đình.
Theo Sohu
Hoặc