Đại biểu Quốc hội đề xuất phương án tư nhân làm đường sắt tốc độ cao

Admin

22/05/2025 12:30

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình trọng điểm, hạ tầng "xương sống" của quốc gia nên dù tư nhân bỏ tiền ra vẫn phải tuân thủ các yêu cầu, quy định Nhà nước.

Có cam kết nội địa hóa hay không?

Đề xuất để Công ty VinSpeed - một doanh nghiệp tư nhân - tham gia đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và giới chuyên gia.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương này, đồng thời nhấn mạnh những yêu cầu mang tính cốt lõi khi để tư nhân thực hiện dự án hạ tầng quốc gia quan trọng.

Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh, do đây là công trình trọng điểm, hạ tầng "xương sống" của quốc gia, nên dù tư nhân bỏ tiền ra vẫn phải tuân thủ các yêu cầu, quy định Nhà nước. “Những công trình quan trọng quốc gia, dù hình thức nào chăng nữa cũng đều dựa trên các nguyên tắc Nhà nước quản lý”, đại biểu đoàn Hà Nội cho hay.

Đại biểu Quốc hội đề xuất phương án tư nhân làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: QH

Theo ông Hoàng Văn Cường, vấn đề quan trọng nhất là phải đúng nghĩa nhà đầu tư trong nước , chứ không phải nhà đầu tư trong nước nhưng lại đi nhập khẩu các sản phẩm, các cấu phần nước ngoài về và chỉ lắp ráp, gia công. “Như vậy, không đạt được mục tiêu”, ông Cường nhìn nhận.

Liên quan việc triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tại cuộc làm việc ngày 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu các đề xuất của Công ty Vinspeed và báo cáo cấp có thẩm quyền.


“Chúng ta cần quan tâm tới việc nhà đầu tư đó có cam kết nội địa hóa hay không, có liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư khác trong nước để bắt tay sản xuất các cấu phần, phụ kiện, thiết bị dựa trên cơ sở công nghệ của nước ngoài không? Đây là mục tiêu và điều kiện quan trọng nhất khi xem xét có chấp nhận cho nhà đầu tư trong nước thực hiện hay không?”, đại biểu khuyến cáo.

Một vấn đề quan trọng khác đang nhận được nhiều sự quan tâm khi VinSpeed đề xuất vay không lãi 80% vốn từ Nhà nước trong 35 năm để triển khai dự án. Điều này có thực sự khả thi?

Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, thông thường, đầu tư hạ tầng giao thông , kể cả đường sắt, khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu rất chậm, phần thu hồi chính là những tác động lan tỏa, tạo ra sự phát triển, mang lại lợi ích cho xã hội. Còn thu trực tiếp từ dự án đó mang lại nguồn ngân sách hầu như rất khó khăn.

“Việc tư nhân sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cũng phải tính đến các phương án để thấy rằng, Nhà nước có những chính sách để tạo ra nguồn lực cho nhà đầu tư”, ông Cường nói.

Kiểm soát luồng tiền

Trong trường hợp nhà đầu tư mong muốn không theo hướng đặt hàng mà Nhà nước cho vay không thu lãi suất, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá “đây cũng là một phương án tốt”. Theo ông Cường, tiền đó không phải bỏ ra không thu hồi về, tuy nhiên, thời gian thu hồi của các dự án hạ tầng bao giờ cũng rất dài, lợi nhuận rất thấp.

Đại biểu Quốc hội đề xuất phương án tư nhân làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 2.

Phối cảnh đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Cùng với đó, ông cũng lưu ý, trong đầu tư công, khi bỏ tiền ra, cần kiểm soát xem tiền có vào đúng công trình hay không. Cho nhà đầu tư tư nhân vay cũng phải kiểm soát, xem luồng tiền có đúng đi vào các công trình như mong muốn không. Chứ không phải cứ đưa tiền rồi mang đi làm việc khác.

Nếu đầu tư công phải kiểm soát đến từng đồng, từng chi tiêu thực hiện trong tuân thủ về giám sát, đấu thầu, lên các định mức chi phí cho từng đồng mua vật tư, nguyên liệu.

"Với nhà đầu tư tư nhân, họ tự quản lý, quyết định việc đó. Nhà nước chỉ quản lý tổng thể xem sản phẩm, công trình đó có thực hiện theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định được đặt ra hay không”, ông Hoàng Văn Cường cho hay.

Vị đại biểu đoàn Hà Nội nói thêm rằng, nhà đầu tư tư nhân mong muốn vay đầu tư với lượng tiền ít hơn, tạm thời Nhà nước không phải bỏ ra mà cho doanh nghiệp vay, sau đó họ hoàn lại. Xét về mặt tài chính, phương án này mang lại hiệu quả hơn cho ngân sách chứ không thiệt hại.

“Đây chỉ là sự hỗ trợ của Nhà nước để giúp doanh nghiệp tư nhân làm thay phần Nhà nước. Nhà nước đáng lẽ phải đầu tư nhưng có doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đứng ra đảm nhận, rất cần khuyến khích”, đại biểu đoàn Hà Nội cho hay.