Mặt hàng bia có thể bị áp thuế tối đa 100% đến năm 2030. Ảnh: Nhật Sinh. |
Chiều 27/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) theo chương trình Kỳ họp thứ 8.
Trong đó, 2 nội dung được nhắc đến nhiều nhất là việc tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng bia, rượu và bổ sung nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%.
Lo đánh thuế sẽ gây tác dụng ngược
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cho rằng thuế suất, lộ trình và mức tăng thuế cần căn cứ vào tình hình thực tế của ngành sản xuất, chuỗi cung ứng, nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng.
Nếu việc tăng thuế quá cao và đột ngột, đại biểu e ngại có thể gây tác dụng ngược như sản xuất sụt giảm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, không hạn chế được tiêu dùng, thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) băn khoăn lý do thuế suất với bia lại cao hơn rượu ở nồng độ cồn dưới 20 độ. Ảnh: Quochoi. |
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng cần xem xét tăng thuế thế nào để thay đổi hành vi. Đại biểu không đồng tình với việc tăng thuế nhỏ giọt theo năm vì sẽ không thay đổi hành vi.
Thay vào đó, ông đề xuất nên tăng theo đợt, lần đầu có thể tăng khoảng 10-15%, sau đó 5 năm sau sẽ tăng tiếp đợt 2, kết hợp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao ý thức và doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi sản xuất sản phẩm khác.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị xem xét việc tăng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường theo lộ trình. Việc làm này nên được nghiên cứu trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
Theo ông, nhiều loại hàng hóa khác cũng có hàm lượng đường cao, chứ không phải chỉ có nước giải khát có đường. Nếu áp thuế cao thì có thể xuất hiện các loại nước ngọt, rượu bia được làm thủ công, nhập lậu rất khó kiểm soát vào Việt Nam.
Dẫn báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động về việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho biết ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng doanh nghiệp của ngành đồ uống.
Đối với tác động về nguồn thu ngân sách, kết quả tính toán cho thấy khi thu thuế 10% thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp bị co hẹp. Đồng thời, việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế, kéo theo sự sụt giảm về GDP.
Đại biểu đề nghị cân đối mục tiêu định hướng hành vi của người tiêu dùng với việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Chính phủ cần giải trình rõ hơn về mục tiêu đạt được chính sách này, thực chất là bảo vệ sức khỏe người dân hay chỉ là tăng thu ngân sách.
“Việc bổ sung chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng để triển khai thực hiện được thông suốt. Các doanh nghiệp có thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh, kịp thời thích ứng”, đại biểu Cầm Thị Mẫn chia sẻ.
Không nên dựa nhiều vào công cụ thuế
Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 27/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng nên cân nhắc việc đưa mặt hàng nước ngọt vào diện chịu thuế TTĐB, nhất là khi nói đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe, hạn chế tăng cân, béo phì.
“Nếu đưa nước ngọt vào diện chịu thuế vậy thì tại sao có những mặt hàng hàm lượng đường nhiều lại không phải đóng thuế như bánh ngọt, chocolate…”, đại biểu đặt câu hỏi.
Ông cũng cho rằng nếu chỉ dựa vào yếu tố bảo vệ sức khỏe thì không nên áp thuế này với nước ngọt, thay vào đó phải dựa vào các yếu tố như cân bằng ngân sách để quyết định.
Nếu đưa nước ngọt vào diện chịu thuế vậy thì tại sao có những mặt hàng hàm lượng đường nhiều lại không phải đóng thuế như bánh ngọt, chocolate…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM)
Về mặt hàng rượu, đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình với phương án như dự thảo. Tuy nhiên, ông lưu ý việc hạn chế người dân uống rượu, bia không chỉ nên sử dụng công cụ thuế mà cần tăng cường xử phạt hành chính, kết hợp tuyên truyền như thời gian vừa qua.
“Vấn đề ở đây là công tác tuyên truyền, xử phạt, xử lý hành chính những người uống rượu, bia khi lái xe đã lập tức khiến người dân hạn chế uống rượu, bia chứ không phải là dùng công cụ thuế để hạn chế”, đại biểu phân tích.
Đại biểu đoàn TP.HCM nhất trí tăng thuế theo lộ trình đối với rượu, nhưng đối với bia cần phải cân nhắc thời điểm.
Lý giải vấn đề này, ông cho biết đại dịch Covid-19 xảy ra, cộng với xử phạt hành chính đối với lỗi uống rượu bia khi tham gia giao thông đã khiến doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp bia sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến người lao động làm việc trong ngành bia cũng như tới chuỗi hệ thống phân phối, các nhà hàng, dịch vụ bán lẻ…
Do đó, việc áp thuế đối với bia cần phải cân nhắc, có thể lùi 1-2 năm. Nếu tăng sớm trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang khó khăn là chưa hợp lý.
Đại biểu cho biết mỗi người lao động trong ngành bia đóng góp 1 tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm, nhân lên với 57.000 lao động trong ngành này thì tổng đóng góp ngân sách vào khoảng 57.000 tỷ/năm. Trong vài năm đại dịch vừa qua, con số này giảm còn 50.000 người và ngân sách cũng giảm theo đó.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc