Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP). Ảnh: Lê Quân. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư. Một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất áp dụng thủ tục đặc biệt với một số loại hình dự án.
Cần thủ tục đặc biệt để cạnh tranh thu hút đầu tư
Các dự án được đề xuất áp dụng thủ tục đặc biệt bao gồm dự án công nghệ cao (trung tâm nghiên cứu và phát triển, vi mạch bán dẫn, chip, pin công nghệ mới), đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế.
Theo cơ quan soạn thảo, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực đã được áp dụng trong các nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng...
Tuy nhiên, các dự án này vẫn thực hiện theo các thủ tục đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy...
Thực tế, thời gian thực hiện các thủ tục này thường mất nhiều thời gian, trung bình kéo dài từ khoảng 250 đến 350 ngày để thực hiện đầy đủ, thậm chí dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu liên quan.
Trong khi đó, ở một số quốc gia, ngoài việc hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở áp dụng các thủ tục hành chính đặc biệt đã và đang được thực hiện ở các mức độ khác nhau.
Hiện nay, Bộ KH&ĐT cho biết nhiều nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư và xúc tiến các dự án đầu tư có quy mô lớn tại Việt Nam.
"Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc áp dụng thủ tục đầu tư hiện hành đối với các trường hợp này có thể làm mất đi cơ hội trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư", cơ quan soạn thảo nhấn mạnh.
Do đó, Bộ KH&ĐT đề xuất dự án đầu tư đăng ký theo thủ tục đặc biệt thì không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy.
Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy.
Đẩy mạnh phân quyền, lập Quỹ hỗ trợ đầu tư
Ngoài ra, trong dự thảo này, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất đẩy mạnh phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt.
Đồng thời, hiện Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ KH&ĐT cho rằng cần sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18 Luật Đầu tư để tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành Nghị định này.
Theo đó, Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, tăng sức cạnh tranh, hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam và thích ứng với sự thay đổi của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Đối với việc chấm dứt dự án, Bộ KH&ĐT cho rằng cần bổ sung điểm a1 vào sau điểm a khoản 2 Điều 48 để quy định việc cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp sau 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
Việc sửa đổi nhằm tạo căn cứ pháp lý rõ ràng, phù hợp với thực tiễn để chấm dứt hoạt động đối với các dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai, góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc